Ca F0 can thiệp ECMO đầu tiên của Hà Nội: Hành trình trở về từ “cõi tử”

Chia sẻ

50 ngày điều trị Covid-19, có những lúc anh Hoàng Văn Ngọc (48 tuổi, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) muốn buông xuôi vì không thể thở được. “Chuyện có thể tự hít thở không khí ngoài trời tưởng chừng là lẽ tự nhiên nhưng với tôi lại là một kỳ tích, cảm giác như mình một lần nữa được hồi sinh từ “cửa tử” - anh Ngọc nói.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn tặng hoa chúc mừng anh Hoàng Văn Ngọc điều trị khỏi Covid-19 và được xuất viện.Đại diện lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn tặng hoa chúc mừng anh Hoàng Văn Ngọc điều trị khỏi Covid-19 và được xuất viện.

“Đã có lúc tưởng mình sắp chết vì không thở được nữa”

Đầu tháng 8/2021, gia đình anh Ngọc được đưa đi cách ly tập trung tại Thanh Trì vì sát nhà có trường hợp F0 (ca mắc Covid-19). Lúc này, nhà anh đã có 3 người nhiễm Covid-19. Đến ngày thứ 12 làm xét nghiệm để chuẩn bị rời khỏi khu cách ly, anh Ngọc được phát hiện nhiễm Covid-19, nồng độ virus rất cao nên chuyển tới bệnh viện Đống Đa điều trị. Sau 2 ngày nằm viện, cơ thể anh phản ứng dữ dội với virus SARS-CoV-2. Cơn bão cytokine xuất hiện, bác sĩ quyết định đưa anh lên Bệnh viện Thanh Nhàn để cấp cứu.

Nhớ lại hành trình chiến đấu với Covid-19, anh Ngọc kể: Tôi bắt đầu có triệu chứng bệnh khi vào khu cách ly tập trung khoảng hơn 10 ngày. Đầu tiên là sốt cao tới 39-400C, người khó chịu, hô hấp khó khăn. “Trước đó tôi cũng rất lo sợ sẽ mắc Covid-19, nhưng lại nghĩ nếu bị thì cũng không quá nặng vì bản thân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Vậy mà thời điểm chuyển tới bệnh viện Thanh Nhàn, tôi đã rất khó thở, rồi rơi vào hôn mê, bất tỉnh. Thật sự khủng khiếp! Đã có lúc tôi tưởng mình sắp chết vì không thở được nữa. Mấy ngày sau tỉnh lại, đập vào mắt tôi là rất nhiều dây dợ, ống cắm ở quanh người cùng tiếng tít tít của các thiết bị y tế. Bác sĩ nói tôi phải điều trị tích cực, mở khí quản, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)… Nhưng lúc ấy tôi không thấy sợ, ngược lại còn rất vui vì biết rằng mình vẫn sống”.

Tuy nhiên, khi tỉnh lại, anh Ngọc vẫn thấy khó thở như trước lúc trở nặng. “Sau này cai được ECMO bác sĩ bắt đầu hướng dẫn tôi tập thở, tập liên tục hàng ngày. Chưa khi nào tôi thấy “thở cũng rất khổ” như lúc ấy. Tôi phải dùng hết sức lực để cố gắng hít sâu, kéo hơi vào phổi. Cách đây khoảng 1 tuần tôi mới có thể nói được. Quả thật, có trải qua quá trình điều trị Covid-19 mới biết, mắc bệnh này sẽ phải cố gắng rất nhiều, nếu không khó có thể qua khỏi. Bản thân tôi cũng có lúc đã buông xuôi, nằm yên vì hít thở mãi nhưng không thở được. Giờ tôi chỉ mong không có ai bị bệnh để cộng đồng an toàn, khỏe mạnh. Bản thân tôi bị nặng, tôi cũng chứng kiến nhiều bệnh nhân tuổi già, yếu, các cháu bé không có người thân bên cạnh chăm sóc, cảm thấy rất khổ.

Hôm nay được ra viện tôi rất vui. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, bệnh viện, các y bác sĩ đã tạo điều kiện và cứu chữa hết mình cho người bệnh Covid-19, không bỏ lại ai phía sau. Giờ phút này, tôi thấy như được sinh ra một lần nữa” - anh Ngọc vừa nói vừa lấy tay lau vội những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc.

Sử dụng “vũ khí cuối cùng” để cứu sống bệnh nhân

Là bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc, ThS.BS Lê Văn Dẫn - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhân đã có tổn thương phổi do Covid-19, rất khó thở, thở nhanh, vật vã kích thích do tình trạng thiếu oxy, kết hợp các dấu hiệu của cơn bão cytokine bùng phát mặc dù đã điều trị lọc máu hấp phụ, thở oxy dòng cao nhưng đáp ứng của bệnh nhân không được như mong muốn.

Thời khắc để quyết định chạy ECMO (máy tim phổi nhân tạo) là thời điểm bệnh nhân suy hô hấp rất nặng, cảm giác như đã ngừng tim, oxy thấp, spo2 xuống dưới 55%, mạch bắt đầu có biểu hiện chậm, đặc biệt chỉ số huyết áp bắt đầu không đo được. Khi đó, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã nhanh chóng dừng hỗ trợ các thuốc động mạch kết hợp đặt ống nội khí quản, sớm đưa đến lựa chọn đặt ECMO.

“Thật ra trước khi quyết định thực hiện kỹ thuật này, chúng tôi cũng lăn tăn liệu rằng bệnh nhân có cơ hội hay không vì tổn thương phổi đã lên tới hơn 80%, nhưng cả đội ngũ vẫn quyết tâm làm kỹ thuật này trong môi trường đầy khó khăn. Đến khi chạy được ECMO cũng vẫn còn nhiều nguy cơ do tình trạng oxy máu của bệnh nhân thấp, càng ngày càng tụt dần. Chúng tôi phải thay nhau túc trực liên tục để điều chỉnh máy thở, theo dõi sát chỉ số oxy, chỉ số huyết động đặc biệt là tình trạng rối loạn đông cầm máu. Sau 3 ngày chạy ECMO, bệnh nhân dần có tiến triển, nồng độ oxy trong máu tăng lên. Dần dần các chỉ số của bệnh nhân ngày càng ổn định hơn, có ý thức cử động tay chân…” - BS Dẫn chia sẻ.

BS CKII Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thêm: Đây là ca mắc Covid-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO và điều trị thành công tại bệnh viện của Hà Nội. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực hết mình của các chiến sĩ áo trắng, ngày đêm bên giường bệnh theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở, đếm từng giọt máu chăm sóc người bệnh từng ly từng tý khi được can thiệp ECMO.

“Thành công này không chỉ là niềm vui cho người bệnh, gia đình bệnh nhân mà còn là niềm hạnh phúc của đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn, đặc biệt là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, góp phần giúp họ tự tin hơn trên con đường bảo vệ sức khỏe người dân” - BS Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định.

Chúc mừng bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc được ra viện và sự thành công trong ứng dụng kỹ thuật ECMO của bệnh viện Thanh Nhàn, TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Thay mặt lãnh đạo Sở Y tế, tôi đánh giá rất cao chuyên môn của bác sĩ bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn - bệnh viện đầu ngành về chuyên ngành hồi sức, chống độc, cấp cứu của Hà Nội.

Từ đầu dịch đến nay, Hà Nội có khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó khoảng 5-6% phải điều trị ở tầng 3 (tầng bệnh nhân nặng, nguy kịch). Theo chỉ đạo của Thành ủy, Sở Y tế cũng đã tham mưu thành phố xây dựng kịch bản, có thể nói là đi trước với 40.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 32.000 trường hơp tầng 1 - tầng nhẹ và không biến chứng, 8.000 trường hợp tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch. Qua trường hợp này, chúng tôi khẳng định rằng nguồn lực của Sở Y tế Hà Nội sẵn sàng đáp ứng kịch bản xấu nhất về dịch Covid-19 có thể xảy ra.

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.