Hành trình 16 năm của “Người phụ nữ quyền lực nhất Châu Âu”

Chia sẻ

Thủ tướng Đức Angela Merkel là người phụ nữ đặc biệt trên chính trường quốc tế thế kỷ 20-21 và đã đi vào lịch sử thế giới, lịch sử châu Âu như một nhà lãnh đạo đầy tài năng.

Thủ tướng Merkel (giữa) cùng Tổng thống Trump (ngoài cùng bên phải) và các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 ở Quebec, Canada ngày 9/6/2018. Ảnh: APThủ tướng Merkel (giữa) cùng Tổng thống Trump (ngoài cùng bên phải) và các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 ở Quebec, Canada ngày 9/6/2018. Ảnh: AP

Nhà chính trị thực dụng, nhưng cũng rất “tình người”

Bà Merkel đặc biệt không phải chỉ vì bà là nữ Chủ tịch đầu tiên của Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) vốn có tiếng là đảng bảo thủ truyền thống ở Đức và giữ chức vụ Thủ tướng Đức liên tục từ năm 2005 đến nay. Bà Merkel còn là người giữ nhiều kỷ lục, nổi bật như 38 tuổi bà làm Bộ trưởng Phụ nữ và thanh niên, 40 tuổi làm Bộ trưởng Môi trường, 44 tuổi làm Tổng Thư ký CDU, 46 tuổi Chủ tịch CDU và 3 nhiệm kỳ liên tục làm Thủ tướng.

Bà là người phụ nữ Đông Đức duy nhất không những trưởng thành trong hệ thống chính trị mới sau thống nhất năm 1990 và trở thành một chính khách thành công nhất ở Đức từ trước đến nay. Bà là lãnh tụ không có đối thủ ở đất nước có môi trường chính trị khắc nghiệt nhất châu Âu hiện tại. Nhiều cử tri Đức mặc dù đã “chán ngấy” CDU và muốn thay đổi nhưng lại bỏ phiếu cho đảng này chỉ vì họ yêu thích bà Merkel.

Bà đã giúp nước Đức lấy lại vị trí số một ở châu Âu cả về kinh tế và chính trị, trở thành thủ lĩnh của “thế giới tự do” của phương Tây và thế giới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và tỷ phú George Soros đã từng ca ngợi, không có Đức, châu Âu không thể giải quyết được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, dù đó là khủng tài chính, kinh tế hay khủng hoảng tị nạn.

Cuộc khủng hoảng di dân năm 2015 lại cho thấy một nữ thủ lĩnh Merkel rất “tình người”. Nội chiến ở Syria kéo dài hai năm khiến châu Âu phải đối mặt với những làn sóng di dân chưa từng có, nhất là khi không gian tự do lưu thông Schengen (Hiệp ước quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên) dần “khép cửa”. Bà Angela Merkel khi đó đã có một quyết định được cho là “đi ngược” với các nước trong Hiệp ước khi thông báo mở rộng cửa đón những người tị nạn vào Đức.

Kết quả là gần một triệu người tị nạn đã đến Đức. Quyết định mang tính mạo hiểm của bà có thể gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ tầng lớp cử tri bảo thủ ủng hộ Đảng CDU và xa hơn nữa là Đảng Liên minh dân chủ Kitô giáo - Đức (CSU). Tuy nhiên với nhiều người, đây là một quyết định mang đậm tính “tình người”, nhưng cũng không thiếu phần thực tiễn của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng khi dân số Đức đang bị lão hóa và rất cần một nguồn nhân công quan trọng mới.

Biểu tượng của sự ổn định

Trong suốt 4 nhiệm kỳ cầm quyền, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải đối diện với hàng loạt những cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới như vụ NSA của Mỹ nghe lén các đồng minh và nhất là nghe lén bà Angela Merkel từ một căn cứ của Mỹ ở Đức theo như tiết lộ của Edward Snowden (năm 2013-2014), cuộc khủng hoảng chiến sự ở Đông Ukraina (năm 2014) hay khủng hoảng Brexit (từ năm 2016-2020).

Giữa một bên là ý muốn can thiệp nhiều hơn trên nhiều mặt trận và bên kia là ý tưởng biến nước Đức thành một Thụy Sĩ khác, thịnh vượng hơn về mặt kinh tế, nhưng không can dự vào các vấn đề quốc tế, nước Đức thời Angela Merkel đã tìm kiếm một giải pháp thứ ba, đó là sự thỏa hiệp.

Kết thúc 16 năm nhiệm kỳ, bà Angela Merkel đã để lại một di sản với những quyết đoán đáng kính nể trước những cuộc khủng hoảng liên tiếp và vững vàng chèo lái con thuyền Đức vượt qua khủng khoảng để trở thành nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Vì thế, giới chuyên gia đều có chung nhận định, bà Angela Merkel còn là “hiện thân” của sự ổn định chính trị tại Đức.

PHÚ ĐỖ

 

Tin cùng chuyên mục