Báo cáo về tự do Internet ở Việt Nam của Freedom House là vô giá trị

Chia sẻ

Tổ chức Freedom House ngày 21/9 công bố báo cáo thường niên năm 2021 mang tên “The Global Drive to Control Big Tech” (Nỗ lực Toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công nghệ). Báo cáo này tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do Internet. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định báo cáo của Freedom House là vô giá trị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thẳng thắn bác bỏ báo cáo của Freedom House. Ảnh: BNGNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thẳng thắn bác bỏ báo cáo của Freedom House. Ảnh: BNG

Đánh giá thiếu khách quan

Freedom House là một tổ chức phi Chính phủ được tài trợ bởi Quỹ Hỗ trợ dân chủ (NED). Trong những năm gần đây, tổ chức này thường công bố “Báo cáo về tự do Internet”, trong đó liên tục đưa ra đánh giá rằng “Việt Nam không có tự do Internet”.

Đánh giá thiếu khách quan này đã được lặp đi lặp lại kể từ khi Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng. Ngoài mục đích gây hoài nghi, kích động người dân phản đối việc xây dựng và tuân thủ pháp luật trên lĩnh vực này, động thái nói trên của Freedom House còn bôi xấu hình ảnh của Việt Nam với thế giới.

Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam có mức 22 điểm. Trong đó, có 12 điểm những trở ngại tiếp cận, 6 điểm giới hạn nội dung và 4 điểm liên quan tới những vi phạm quyền của người sử dụng. Freedom House cho rằng, những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Luật An ninh mạng là “không rõ ràng" và "điều này cho phép cơ quan chức năng tiếp cận dữ liệu của người dùng”.

Tự do nhân quyền ở Việt Nam đã được quốc tế công nhận

Luật An ninh mạng được đưa ra nhằm kiểm soát, làm lành mạnh hóa không gian mạng xã hội và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới và thuộc top 10 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất châu Á.

Thời gian gần đây, số lượng người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam rất lớn, kéo theo đó là hàng loạt những vi phạm từ bán hàng lừa đảo, tung clip trái với thuần phong mỹ tục, đến việc lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật vì động cơ cá nhân nên buộc Chính phủ Việt Nam phải xây dựng Luật An ninh mạng. Đây là nhu cầu chính đáng nhằm kiểm soát, làm lành mạnh hóa không gian mạng xã hội và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay lập tức đưa ra phản ứng bác bỏ báo cáo này của Freedom House: “Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trên thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đã được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ. Và đây không phải là lần đầu tiên Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Do đó, báo cáo của Freedom House là vô giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm”.

Một tổ chức phi Chính phủ hay một quốc gia dù lớn mạnh cỡ nào cũng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và càng không thể gây sức ép với Việt Nam bằng những nhận xét về tình hình tự do, nhân quyền một cách thiếu trách nhiệm như Freedom House đã và đang làm. Luật An ninh mạng của Việt Nam được người dân ủng hộ dựa trên thực tế và sự tự do về nhân quyền của Việt Nam đã được thế giới công nhận là không thể bàn cãi.

ĐỖ HỮU

 

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.