Để người cao tuổi “không bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Trong đại dịch Covid-19, người cao tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả về tính mạng và sức khoẻ. Không những thế, nhiều người trong số họ đang phải “gánh” thêm áp lực kinh tế, chăm sóc con cháu, thậm chí bị “bỏ lại phía sau” do giãn cách xã hội.

Gánh nặng “kép”

Bà Nguyễn Thị H.S (sinh năm 1945, trú tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) là một trong những người được nhận quà hỗ trợ thường xuyên từ Hội LHPN quận và phường trong đợt giãn cách xã hội để vượt qua khó khăn. Bà xúc động: “Sự quan tâm, hỗ trợ của Hội khiến chúng tôi thấy yên tâm bởi “không bị bỏ lại” trong đại dịch”.

Mang nỗi lo lắng về dịch bệnh kéo dài, bà Nguyễn Thị D (81 tuổi, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) cho biết, bà sống cùng vợ chồng con trai và các cháu đang đi học. Do dịch bệnh, các con bà đều là lao động tự do nên ngừng việc, không có thu nhập mấy tháng nay. Bà lại thường xuyên đau yếu, thuốc men. Cả gia đình chỉ trông chờ vào trợ cấp tuổi già hàng tháng của bà…

Lãnh đạo Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm tặng quà cho các gia đình phụ nữ cao tuổi khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh: Hồng Nhung)Lãnh đạo Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm tặng quà cho các gia đình phụ nữ cao tuổi khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh: Hồng Nhung)

Ở tuổi “gần đất xa trời”, nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị M (Kim Động, Hưng Yên) vẫn đang phải trông hai cháu nội cho các con đi làm. Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, rồi đến nới lỏng một phần, hai đứa cháu: đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi đều một tay ông bà chăm sóc. “Do giãn cách xã hội, các con tôi không thể về quê. Hai đứa trẻ còn bé, lười ăn. Mỗi ngày, vợ chồng tôi chỉ quanh quẩn cho cháu ăn uống, vệ sinh, tắm rửa là đã mệt” – bà M thở dài. Tháng đầu tiên, đứa bé mới cai sữa nên đêm đến khóc ngặt nhớ mẹ, khiến ông bà thức đêm ròng rã. Đứa lớn nghịch nghợm trèo lên lưng khiến ông bị lệch đĩa đệm…

Trong đại dịch Covid-19, nhiều người cao tuổi không chỉ trở thành người “gánh” nhiệm vụ chăm lo kinh tế gia đình, nuôi dạy các cháu, mà chính họ cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ nghiêm trọng. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam chiếm 11,86% dân số, dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,1% năm 2049. Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khoẻ nói riêng. Tuy nhiên, già hoá dân số diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở nước ta.

Theo nghiên cứu về người cao tuổi và sức khoẻ ở Việt Nam năm 2018, hơn 60% người cao tuổi có sức khỏe là yếu và rất yếu; hơn 46% người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp; 34% mắc bệnh viêm khớp; khoảng 20% mắc các bệnh khác như tim mạch, răng miệng, viêm phế quản và bệnh phổi mạn tính… Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh và phải điều trị suốt đời.

Đặc biệt, các số liệu thống kê cũng cho thấy, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao mắc Covid-19, tình trạng bệnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài với chi phí tốn kém và nguy cơ tử vong cao hơn. Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, hệ miễn dịch - hàng rào bảo vệ đầu tiên khi cơ thể bị vi-rút tấn công ở người cao tuổi khá yếu. Do đó, khi người cao tuổi mắc Covid-19 sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm phổi, dễ tiến triển nặng thành suy hô hấp, cần phải thở máy, các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 ở người cao tuổi cũng là nhằm tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế, để dịch bệnh không trầm trọng hơn.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm diện rộng người cao tuổi trên địa bànhuyện Thanh Trì. (Ảnh: Hồng Nhung)Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm diện rộng người cao tuổi trên địa bàn huyện Thanh Trì. (Ảnh: Hồng Nhung)

Quan tâm, chăm sóc để người cao tuổi vượt qua đại dịch

Những năm gần đây, nhận thức rõ tầm quan trọng của người cao tuổi và vấn đề “già hoá dân số”, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến người cao tuổi. Các hệ thống văn bản pháp luật ở nước ta đã tạo điều kiện để phát huy và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và ngành Y tế luôn xác định, phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 ở người cao tuổi không chỉ giúp phòng tránh lây lan bệnh ở một nhóm đối tượng dễ tổn thương, giảm tỷ lệ mắc và tử vong mà còn góp phần trì hoãn đỉnh dịch, tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế.

Cụ thể, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã thành lập nhóm chuyên gia đến từ Bộ môn Y học gia đình trường Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Lão khoa Trung ương... tham gia biên soạn tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ để phòng, chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng”. Bộ tài liệu nhằm hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở trong việc phối hợp với y tế tuyến trên cùng với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương vừa thực hiện dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho người cao tuổi, vừa đảm bảo điều trị có hiệu quả cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh.

Nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người bệnh để ngăn chặn dịch Covid-19 (Ảnh: Internet)Nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người bệnh để ngăn chặn dịch Covid-19 (Ảnh: Internet)

Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng, trong đó, phối hợp với UNFPA xây dựng ứng dụng miễn phí S-Health với nhiều nội dung hướng dẫn người cao tuổi chăm sóc bản thân, các biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại các địa phương, giúp người cao tuổi có thể tìm kiếm các thông tin chính thống, hữu ích trong quá trình chăm sóc sức khoẻ hàng ngày… Theo đó, một số biện pháp giúp người già phòng tránh Covid-19 như: Hạn chế ra ngoài khi thời tiết có thay đổi khiến cơ thể khó thích nghi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm; Hạn chế tiếp xúc đông người để tránh nguy cơ tiếp xúc với virus, giảm khả năng nhiễm bệnh; Xây dựng môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, đảm bảo không khí trong lành; Người cao tuổi cần ăn đủ chất, uống đủ nước, có thể uống các loại trà, nước ấm để bảo vệ sức khoẻ mùa dịch; Duy trì chế độ thể dục thể thao thích hợp như tập Thái cực quyền, yoga… tuỳ theo khả năng sức khoẻ và lời khuyên của bác sỹ… Khi có các dấu hiệu bị nhiễm vi-rút như ho, sốt, khó thở, đau họng, nhức đầu, người cao tuổi cần đến ngay bệnh viện thăm khám, để được chẩn đoán kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong. Ngoài ra, người cao tuổi cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi được chỉ định để bảo vệ sức khoẻ tốt nhất trong mùa dịch.

Ông Phùng Công Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật xã Thuỵ An (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 155 người già neo đơn, không nơi nương tựa, trong đó có 2/3 số người già đang không thể tự phục vụ cho mình. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc ân cần, chu đáo của những cán bộ, nhân viên, điều dưỡng tại Trung tâm, trong đợt dịch vừa qua, người già ở trung tâm đều ổn định sức khoẻ. Nhiều người có tuổi thọ cao. Hiện Trung tâm có 3 cụ tuổi từ 96-98 tuổi vẫn còn minh mẫn, hơn 20 cụ từ 80 tuổi trở lên. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội, không có trường hợp nào phải đi điều trị ở bệnh viện.

Để người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau, các cấp Hội Phụ nữ cũng đã có nhiều hoạt động “tương thân tương ái”, chăm lo đời sống của các gia đình khó khăn, trong đó có người cao tuổi. Những phần quà gồm nhu yếu phẩm, thực phẩm… đã giúp họ phần nào vượt qua khó khăn trước mắt về kinh tế. Các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ người thân, đặc biệt là người cao tuổi trong gia đình…

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.