Nên ăn gì, kiêng gì trước và sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19?

Chia sẻ

Hiện có nhiều thông tin chia sẻ về việc trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 nên ăn món này, kiêng món kia. Vậy, thực hư tác động của chế độ ăn uống đến hiệu quả của vắc-xin và sức khỏe người tiêm như thế nào?

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng trẻ em và người lớn (Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam) cho biết, tất cả các loại vắc-xin phòng Covid-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này có nghĩa, vắc-xin đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Tuy nhiên, thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vắc-xin.

Theo đó, Viện Y học Hoa Kỳ khuyến cáo trước khi đi tiêm không được để bụng đói, không nên ăn nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng (vì chúng làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe); uống đủ nước; ăn đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin A (gấc, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, bông cải xanh, dầu gan cá…), giàu Vitamin C và Vitamin E (bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm); nên ăn các nhóm thực phẩm giàu vitamin D (trong đó có trong cá, trứng, sữa); thực phẩm giàu kẽm (sò, hàu, tôm, cua biển, ghẹ…).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bên cạnh đó, BS Bạch Thị Chính cũng chia sẻ 5 nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 gồm:

Rau có lá màu xanh đậm: Những loại rau có màu xanh đậm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp kháng viêm hiệu quả. Một số loại rau được khuyến nghị nên dùng như: bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau bina, rau ngót, rau muống…
Canh hầm hoặc súp: Đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, trong đó đã bao gồm duy trì phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, một trong những lưu ý quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh là nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh. Canh hoặc súp được phối hợp từ các loại rau củ giàu chất xơ và các gia vị kháng viêm là nhóm thực phẩm đặc biệt có lợi cho đường ruột.

Hành, tỏi: Hành tỏi là nhóm thực phẩm có công dụng tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, cung cấp nhiều lợi khuẩn probiotic tốt cho đường ruột, tăng khả năng miễn dịch.

Nghệ: Nghệ là gia vị chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe gồm: các curcuminoid, tinh dầu nghệ, protein, các chất vô cơ, hợp chất vi lượng, chất xơ và tinh bột nghệ, nghệ có tính kháng viêm mạnh mẽ, giúp bảo vệ não bộ khỏi tình trạng căng thẳng tinh thần.

Việt quất: Việt quất là loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, cùng với các vitamin như C, B2, B6, E và K, chất xơ… giúp tăng cường nồng độ serotonin, chất dẫn truyền thần kinh, liên quan nhiều quá trình sinh học của cơ thể.

Liên quan đến thông tin sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 không nên ăn thực phẩm chứa đạm như thịt, cá, trứng, sữa và không nên uống cafe vì ngăn chặn sự hoạt động của hệ miễn dịch, TS.BS Phạm Lê Duy (trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cho biết: Đây là một thông tin thiếu cơ sở khoa học. Thực tế, không có một loại thức ăn nào chống chỉ định sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Chúng ta có thể ăn được tất cả các loại thức ăn không gây dị ứng.

Tuy nhiên, BS Duy khuyên rằng, sau khi tiêm vắc-xin, một số người sẽ có các phản ứng khó chịu, gặp phải triệu chứng về tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Do đó, chúng ta nên ưu tiên dùng những thực phẩm dễ tiêu, nhưng không vì thế bỏ qua thực phẩm có đạm vì đây là một yếu tố rất cần thiết để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, sinh ra kháng thể.

Riêng đối với các chất kích thích như rượu, bia, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu, bia làm giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19. Nhưng CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân nên tránh uống rượu, bia trước và sau khi chủng ngừa vì chúng có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu, bia trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi chủng ngừa. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin.

LÝ THANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.