Ông bố “nhận vơ”

Chia sẻ

Câu hỏi hơn 20 năm qua vẫn luôn văng vẳng trong đầu Thông mà không có lời đáp. Câu hỏi này, lúc còn nhỏ Thông đã từng hỏi mẹ: “Mẹ! Sao mẹ lại đuổi bố ra khỏi nhà? Sao mẹ lại nói bố là “ông nhận vơ”? Mẹ ôm chặt con trai vào lòng, thơm lên mái tóc khét nắng: “Sau này con lớn lên sẽ hiểu”.

Bây giờ Thông đã bước qua tuổi 30. Không ngờ, hôm nay anh đã hiểu ra câu trả lời...

Sáng nay, như mọi buổi sáng khác, Thông pha phin cafe và mở mạng đọc, lướt qua xem tin tức các loại. Trong khi các tin tức về dịch Covid-19 với giãn cách, rồi tin một vài nghệ sĩ đau đớn ra đi vì Covid tràn ngập các báo, dễ khiến anh nản lòng. Thông lướt vào Facebook (Fb) của bố - người bố đã sống với vợ khác, con khác từ lâu, nhưng anh vẫn muốn thông qua mạng xã hội để biết nhịp sống hàng ngày của ông, xem ông có bị ốm hay vẫn khỏe. Anh nghĩ, đó là trách nhiệm một cậu con trai nên làm.

Không ngờ, hôm nay bố anh – Hữu Đát, đăng hình ảnh chụp 1 bài thi đã mấy chục năm trước của 1 sinh viên, với điểm giáo viên cho 9,5, kèm theo dòng chia sẻ của ông rằng, làm nghề giáo, thật vui khi có học trò giỏi. Bài thi này của cậu sinh viên mà ông rất yêu quý, nên ông giữ gần 30 năm nay, cậu học rất xuất sắc, nên bây giờ cậu rất thành danh, đó là có công của thầy! Vì vậy ông chụp đăng lên để “giấy trắng mực đen”, không phải là bịa!

Một giáo viên mà giữ được bài thi của học trò gần 30 năm, quả thật đáng tự hào! Tự hào không phải chỉ vì học trò điểm cao, học quá xuất sắc, mà tự hào bởi người thầy phải yêu quý trò, trân trọng tài năng của trò đến mức nào thì mới lưu giữ 1 bài thi hết môn rất thông thường (chứ không phải Luận án, Luận văn thạc sĩ, tiến sĩ)!

Mọi người lao vào like ầm ầm cho “cái tút” của ông Hữu Đát. Ai cũng ngưỡng mộ thầy, đã tuổi nghỉ hưu rồi mà vẫn còn giữ được tình yêu với nghề, bằng chứng là giữ được bài thi của trò mấy chục năm! Quý hóa quá! Quý hóa quá!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thông đọc xong “cái tút” và mấy cái “còm”, tự nhiên anh cười khẩy. Thông rất quen thân vị học trò mà bố anh trưng bài thi lên Fb. Chính vì thân quen thế nên anh mới cười khẩy “cái tút” này! Chả là cái vị học trò 30 năm trước này vừa được bổ nhiệm lên một vị trí cao hơn, vị trí đó chắc chắn có lợi cho chuyên môn sâu của ông Đát. Vì thế ông ngang nhiên đăng Fb cái vụ bài thi. Người bình thường không thể hiểu thâm ý sâu xa của ông, chỉ nhìn thấy cái mà ông muốn trưng ra, rằng là ông thầy yêu quý học trò thế đấy. Yêu đến mức giữ 1 bài thi hơn cả 1 bức thư tình! Nhưng cái bên trong, chắc ông Đát không ngờ bị con trai “bốc thuốc”, “đi guốc trong bụng” người viết Fb, đó là ông trưng ra để ông học trò ngại/ nể mà hỗ trợ, hợp tác một vài đề tài nghiên cứu gì đó cho ông giáo hưu tham gia với, thì ông kiếm được tiền công. Nhưng điều đó không làm Thông đau bằng một sự thật, ông Đát biết rõ mười mươi: ông không hề dạy vị học trò này 1 tiết học nào, vì những năm đó ông Đát được nhà trường cho đi nước ngoài học nâng cao. Người ngoài có thể không biết, không nhớ về thời gian, nhưng người trong cuộc thì sao không nhớ? Người trong cuộc chính là ông Đát, là vị có bài thi xuất sắc kia, và đặc biệt là Thông và mẹ anh cùng chị gái của Thông, họ vốn người cùng 1 nhà! Họ chính là những “người trong cuộc”.

Dịp đó ông Đát du học 4 năm về, béo trắng, tóc vuốt gôm bóng bẩy, chứ không còn gầy ốm đen nhẻm, quần áo giản dị như dạo chưa được đi Tây. Thông nhớ rất rõ đó là ngày nào, tháng nào, năm nào. Vì trước đó mẹ thường xuyên háo hức nói với chị em Thông: “2 con vui đi, bố sắp về. Tha hồ quà Tây nhé!”. Thông và chị gái ngồi đếm từng ngày bố về để có quà! Quả thật, quà quá tuyệt: Chị gái được con búp bê biết chớp mắt, váy áo lộng lẫy như công chúa! Còn Thông được cái xe ben, có thể chở hàng và ấn nút là cái ben đổ hàng xuống. Cái xe ben bằng sắt nên chơi rất bền. 2 chị em còn được bố cho mấy cái kẹo ngon và thỏi socola mà thời đó vô cùng hiếm. Có điều, không hiểu sao mẹ chỉ vui có 1 lát, sau đó khi bố mẹ ngồi nói chuyện thì Thông thấy mẹ lớn tiếng: “Được! Anh theo nó hả? Anh cút ra khỏi nhà của mẹ con tôi!”. Thông thấy bố đứng dậy, xách cái vali mà ông vừa xách từ sân bay về, đi ra khỏi cái mái nhà ngói khu tập thể xập xệ. Thông lật đật đứng dậy gọi: “Bố! Bố!”. Vì cậu bé Thông còn mơ được bố bế như dạo bé, bố còn chưa ôm con 1 cái nào sau 4 năm biền biệt. Nhưng bố cậu chỉ hơi quay lại nhìn con, không trả lời, rồi bước đi. Thông mếu máo hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao mẹ lại đuổi bố đi?”. Mẹ đã tránh không trả lời câu hỏi của con trai. Nhưng chị gái hơn Thông mấy tuổi, có vẻ như hiểu chuyện, chị không nói gì, chỉ lặng lẽ quệt nước mắt. Thông cứ nghĩ mãi, mẹ cũng là cô giáo, mẹ rất hiền và dịu dàng với học trò, sao hôm nay mẹ lại đuổi bố nhỉ?

Cuộc sống của chị em Thông sau hôm đó đã không còn bố. Nhiều hôm nhớ bố quá, Thông hỏi mẹ: “Bố không về với mẹ con mình nữa sao mẹ?”. Mẹ nhẹ nhàng: “Ừ, bố ở nhà khác rồi. Con hãy học giỏi, hãy có mơ ước bay đi thật xa! Sau này mẹ mong được tự hào về 2 chị em con!”. Chị em Thông vì câu này của mẹ mà đã gắng học thật giỏi. Chị đã thành tiến sĩ. Nay chỉ còn Thông đang chờ ngày bảo vệ, thì 2 chị em đều là tiến sĩ. Thỏa lòng mẹ! Ngoài giờ lên lớp, mẹ đã lao vào làm thêm biết bao nghề, miễn là có tiền cho 2 chị em học thêm, đặc biệt là học tiếng Anh. Sau mấy chục năm vừa làm bố vừa làm mẹ, bây giờ thì mẹ đã rất vui khi chị em Thông đỗ đạt thành danh và tuy chưa giàu nhưng cũng có điều kiện kinh tế, xây nhà cửa khang trang, đưa mẹ đi du lịch trong nước, ngoài nước.

Suốt mấy chục năm, mẹ không bao giờ nhắc đến bố. Ông Đát lấy vợ mới, là cô sinh viên trẻ, chỉ hơn con gái ông mấy tuổi. Ông có thêm 2 đứa con gái với cô ấy, nên ông chả có thời gian đâu mà nhớ 2 đứa con với vợ cũ. Nhưng chị em Thông vẫn lặng lẽ dõi theo bố. Ông Đát có thể vô tâm với 2 con, bởi vì ông có mục đích mới. Nhưng ông không biết rằng 2 giọt máu ông bỏ quên ở khu tập thể xập xệ với vợ cũ, đang hàng ngày ngóng bố, mơ một lần được bố ôm trong tay hoặc chở xe đạp đi công viên bơi thuyền thiên nga trên hồ nước xanh biếc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị gái ra trường, đi làm, vẫn nuôi chí học lên cao. Chị là niềm mơ ước của các gia đình hàng xóm, là tấm gương để các bà mẹ nhắc con cái soi vào mà học cho giỏi. Thế mà một hôm Thông thấy chị chạy về nhà nằm úp mặt xuống gối khóc nức nở. Hỏi mãi, động viên mãi, chị mới kể:

- Hôm nay có vợ của thầy dạy cùng với bố đến nhờ chị đòi giúp khoản tiền lương của chồng cô, mà bố tự “ký nhận hộ” rồi không chịu trả. Cô nói nhà cô cũng khó khăn, không dư giả gì, cô còn không có tiền đóng học cho con. Cô đã đến gặp bố để đòi, nhưng ông không chịu trả. Chị ngạc nhiên quá, nên đã gọi điện thoại hỏi bố có đúng là như vậy không. Nghe chị hỏi, bố lúng túng một chút rồi mắng chị là đồ con cái vô ơn, không giúp bố mà lại đi giúp người ngoài. Rồi bố cúp máy. Cô “chủ nợ” cũng òa khóc, kể lể, bố đã nhiều lần tự ký nhận lương của đồng nghiệp như vậy, chỉ vì bố phải đáp ứng cô vợ trẻ ăn chơi mà không chịu lao động. Bố còn phải đưa tiền cho cô vợ nuôi 2 đứa nhỏ bỉm sữa...

Kể đến đây rồi chị nức nở:

- Chị hận bố! Chị hận ông ấy!

Vừa lúc đó, mẹ về. Mẹ lặng lẽ ôm vai con gái:

- Các con, đây là lỗi của mẹ! Mẹ đã không lựa chọn kỹ càng người đàn ông để kết hôn. Mẹ không bao giờ muốn nói rằng, ông ấy không xứng là bố của các con! Nhưng sự thật thì không ai lựa chọn được cha mẹ. Tiếc là bố con từ thời trẻ đã có biệt danh là “nhận vơ”, tức là cái gì cũng muốn nhận, muốn vơ vào mình. Ông ấy ham cho cá nhân mình, chưa bao giờ lo nghĩ cho người khác. Thời đi du học nước ngoài đó, ông ấy cũng thi với mọi người nhưng bị trượt. Thay vì nỗ lực học ôn rồi thi lại thì ông ấy phát đơn đi kiện, cấp trên cũng ngại phiền nên đành xin thêm cho ông ấy suất học dự bị. Ông ấy đi học như thế nào có vẻ vang gì. Thế mà về nước, có chút tiền đã bỏ rơi mẹ con mình, đi tìm gái trẻ. Bây giờ ông ấy phải trả giá. Các con không cần phải khóc, bởi mẹ đã đánh mất cả cuộc đời vì ông ấy, mà mẹ chưa từng khóc...

Chuyện ấy bẵng đi cả chục năm, chị em Thông cũng cố quên những gì không vui. Nhất là đàn ông như Thông, anh cố tìm lý do xem có thể biện minh cho bố chút nào không. Nhưng hôm nay thì anh “thất vọng toàn tập” khi đọc cái tút bài kiểm tra 9,5 trên Fb để “khoe mẽ” của bố! Thông chợt buồn: Nếu vị “học trò 9,5” không hề học ông Hữu Đát 1 tiết học nào, bỗng dưng comment (bình luận) vào Fb này rằng: “Thưa thầy, em không học thầy vì những năm đó thầy đi du học” thì ông ấy sẽ nói sao nhỉ? Và thật khủng nữa là từ mấy chục năm trước mà ông Đát đã biết “thó” bài thi tốt lưu làm mẫu trên văn phòng khoa, để sau này khi cần thì... “dụng võ”! Nhưng “võ” kiểu này thì Thông thấy ê mặt quá!

Anh bỗng thấy vừa thương vừa kính trọng mẹ, người phụ nữ cương cường, không hèn như người chồng mà bà đã kiên quyết đuổi ra khỏi nhà!

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.