Hội LHPN huyện Gia Lâm: Trao “sinh kế” cho phụ nữ nghèo

Chia sẻ

3 năm qua, Hội LHPN huyện Gia Lâm và các cơ sở đã trao tặng nhiều công cụ sản xuất như máy may công nghiệp, máy cày mini, máy thái, tủ đông… cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn để họ phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, thậm chí còn vươn lên khá giả.

Thoát nghèo nhờ có “cần câu cơm”

Đến giờ, chị T.T.H, trú tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm vẫn còn xúc động mỗi khi nhớ đến ngày được sở hữu chiếc máy cày trị giá hơn 12 triệu đồng mà Hội LHPN huyện trao tặng. Chị cho biết, chiếc máy cày có giá trị không lớn nhưng đã làm thay đổi cuộc sống của ba mẹ con chị.

Gia đình chị H vô cùng khó khăn, chồng mất sớm, một mình chị chăm sóc mẹ chồng già yếu và con gái đang tuổi ăn học. Nhà chỉ có mấy sào ruộng làm rau, chị tận dụng thâm canh, đến vụ thu hoạch thì mang ra chợ bán. Khi toàn xã Yên Viên hướng đến sản xuất rau hữu cơ, rau sạch VietGAP, đa số các hộ gia đình đều áp dụng hệ thống tưới tiêu bằng máy bơm công nghiệp, làm tơi đất bằng máy cày, sản xuất theo dây chuyền công nghệ cao. Vì quá khó khăn, chị H vẫn chỉ dùng cuốc để xới tơi đất, vun luống, làm rau. Chị H từng bị tai nạn, gãy 1 bên chân, nên không thể làm việc nặng, năng suất vì thế cũng giảm đi đáng kể. Có cái máy bơm, hay máy cày vẫn chỉ là giấc mơ của chị.

Chương trình trao công cụ sản xuất cho hội viên phụ nữ trong hộ gia đình khó khăn, nghèo và cận nghèo được Hội LHPN huyện Gia Lâm duy trì hàng năm và đạt hiệu quả caoChương trình trao công cụ sản xuất cho hội viên phụ nữ trong hộ gia đình khó khăn, nghèo và cận nghèo được Hội LHPN huyện Gia Lâm duy trì hàng năm và đạt hiệu quả cao

Biết được nguyện vọng của chị H, năm 2019, Hội LHPN xã Yên Viên đã đề nghị Huyện Hội tặng nông cụ sản xuất cho chị H. Ngày được nhận máy cày mini, chị H trào nước mắt, bởi không tin được có ngày mình được sở hữu một chiếc máy cày. Đến vụ trồng rau, chị nhờ người thân chở máy ra ruộng. Một mình chị nghị lực ngồi trên chiếc máy cày vừa lái vừa vun ruộng. Nhờ có máy cày, năng suất làm việc của chị cũng tăng lên. Mỗi tháng, hơn 3 sào đất trồng rau của chị H cho thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Viên khoe: Trước đây, Hội LHPN xã thường xuyên hỗ trợ về nhu yếu phẩm, vốn vay, hỗ trợ phân bón cho chị H sản xuất rau. Nay, chỉ sau 3 năm, gia đình chị đã thoát nghèo. Có thời điểm vào vụ rau, thu nhập của chị hơn chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, trên địa bàn xã Yên Viên có hai trường hợp phụ nữ nghèo được hỗ trợ công cụ sản xuất. Bà N.T.N tuổi cao, thuộc diện hộ cận nghèo. Gia đình bà N có 4 người, chồng mất, một mình nuôi hai con đang tuổi ăn học. Bình thường, bà N đi may thuê cho các hộ kinh doanh may mặc, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Từ ngày được Hội hỗ trợ thêm máy may gia công tại nhà, bà N nhận gia công thêm quần áo từ các chủ kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp vào buổi tối, tổng thu nhập mỗi tháng đã tăng từ 7-9 triệu đồng. “Lợi thế của Yên Viên là gần chợ Ninh Hiệp, vì vậy, các chị em cũng hỗ trợ nhau trong việc tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ khó khăn hơn. Đối với chị N, nhờ có máy may công nghiệp, chị N đã thoát nghèo bền vững, thu nhập tốt để nuôi dưỡng và chăm sóc các con” – chị Lan Anh tự hào.

Là hội viên phụ nữ trẻ được nhận công cụ sản xuất năm nay, chị T.M.H, sinh năm 1990, hội viên hội phụ nữ xã Lệ Chi cho biết, gần 1 tháng nay, chị đã sử dụng máy may công nghiệp vào việc gia công quần áo tại nhà. Nhờ đó, tháng này, chị đã bắt đầu có thu nhập sau khi hết giãn cách xã hội. Chị H đã ly hôn, một mình nuôi ba con nhỏ, con bé nhất chưa đầy 1 tuổi. Trước đây, chị H đi làm may cho công ty, từ khi sinh con và giãn cách xã hội, chị H phải nghỉ làm, không có thu nhập, cuộc sống phải phụ thuộc vào trợ cấp xã hội từ chính quyền và các mạnh thường quân. “Nguyện vọng có một chiếc máy may tại nhà để giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập của tôi đã được Hội quan tâm, để ý và tạo điều kiện. Mỗi bộ gia công, tôi được trả 20-30 nghìn đồng. Nếu mỗi ngày chăm chỉ, chịu khó, thì thu nhập mỗi tháng bình quân khoảng 6-7 triệu đồng” – chị H xúc động. Không những thế, các chị em tại Hội LHPN xã Lệ Chi cũng thường xuyên hỗ trợ chị N về nguồn hàng và đầu ra cho các sản phẩm, giúp chị từng bước ổn định cuộc sống trên sức lao động của mình.

Các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được nhận công cụ sản xuất năm 2021Các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được nhận công cụ sản xuất năm 2021

Theo bà Phạm Thị Hồng, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi, năm 2021, thôn Cổ Giang có 3 trường hợp hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo được nhận công cụ và phương tiện sản xuất. Các trường hợp này đều có hoàn cảnh rất khó khăn, người thì ly hôn, nuôi con nhỏ không có thu nhập, có người vợ chồng già yếu, có người lại neo đơn… Những công cụ sản xuất này là chiếc “cần câu” hữu hiệu để họ tạo ra thu nhập, phát triển kinh tế bền vững. Như bà Đ.T.G, sinh năm 1958, hội viên phụ nữ xã Lệ Chi xúc động: Có được máy cày do Hội LHPN huyện trao tặng, vợ chồng tôi đã không còn quá vất vả trong quá trình làm nông nghiệp, đồng thời còn giúp được nhiều hộ gia đình khác trong quá trình canh tác.

Thêm cơ hội cho phụ nữ nghèo vượt khó thành công

Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết, đây là năm thứ 3, Hội LHPN huyện tặng công cụ sản xuất cho hội viên khó khăn để giúp họ phát triển kinh tế. Chương trình trao công cụ sản xuất cho các hội viên phụ nữ khó khăn trên địa bàn huyện được Hội LHPN huyện phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc huyện Gia Lâm thực hiện từ năm 2019, đến nay đã trao 29 công cụ sản xuất cho 29 hộ dân. Các công cụ được trao gồm máy cày mini, máy may công nghiệp, tủ cấp đông, máy thái hành, máy bấm cỏ, quạt máy, máy cắt… Trước khi trao, các cấp Hội sẽ rà soát các đối tượng hộ nghèo trên địa bàn, sau đó khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, từ đó mang đến cho họ cái họ “cần” để phát triển kinh tế. Sau khi trao, Hội LHPN cấp cơ sở tiếp tục giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên khó khăn sử dụng công cụ sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm…

“Năm 2021, chúng tôi đã tổ chức bàn giao 7 máy may, 1 tủ cấp đông, 1 máy cày mini trị giá 78 triệu đồng cho 9 hộ gia đình hội viên phụ nữ là các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp các hộ gia đình có thêm phương tiện, công cụ sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các đối tượng được tặng là người đã có việc làm, có thể sử dụng công cụ để sản xuất. Nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ mô hình này” – bà Lan Anh cho biết thêm.

Với những chiếc máy may công nghiệp các hội viên phụ nữ xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm đã có thu nhập ổn định, thoát nghèoVới những chiếc máy may công nghiệp các hội viên phụ nữ xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo

Bên cạnh việc trao công cụ sản xuất, những năm qua, nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, Hội LHPN huyện Gia Lâm và các cấp Hội cơ sở còn tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế. Các chi hội phụ nữ dân cư triển khai mô hình tiết kiệm tại Chi hội, tạo nguồn vốn tại chỗ, thu hút 88,3% hội viên tham gia. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Huyện Hội đã giúp đỡ được 391 hộ nghèo, 392 hộ cận nghèo, 213 hộ có hoàn cảnh khó khăn do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, cận nghèo và nâng cao mức sống bằng các biện pháp như hỗ trợ vay vốn, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất... Bên cạnh đó, Huyện Hội còn tổ chức 27 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 928 học viên, giới thiệu việc làm cho 5.775 lao động, trong đó 4.042 lao động nữ có việc làm ổn định.

Ngoài ra, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”, các cấp Hội đã giúp đỡ được 92 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đề xuất, giới thiệu Trung ương Hội khen thưởng, công nhận 1 sản phẩm sáng tạo, 3 sản phẩm khởi nghiệp được Hội LHPN TP Hà Nội đánh giá cao. Tại các địa phương, 6 tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường, 2 tổ phụ nữ chế biến món ăn phục vụ các sự kiện được thành lập. Bà Vũ Lan Anh khẳng định: ”Thông qua các hoạt động trên, nhiều chị em phụ nữ đã tự tin khẳng định mình trong học tập, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh, từ đó thoát nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương mình”.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.