Nghệ thuật biểu diễn đã sẵn sàng mở màn trở lại

Chia sẻ

Gần nửa năm qua, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến sân khấu đóng băng, nhưng các nghệ sỹ không hề “ngủ đông”. Họ vẫn âm thầm sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu với nghề, chờ ngày nhà hát sáng đèn trở lại. Đó là lý do bước vào tháng 10 này, một loạt các sự kiện nghệ thuật được công bố.

Vở “Thành Thăng Long thủa ấy” của Nhà hát Thế giới Trẻ sẽ tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 Ảnh: NH Thế giới trẻVở “Thành Thăng Long thủa ấy” của Nhà hát Thế giới Trẻ sẽ tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 Ảnh: NH Thế giới trẻ

Tạo dấu ấn bằng Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chính thức mở màn cho việc tái khởi động hoạt động nghệ thuật biểu diễn với Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói từ ngày 20 – 27/10. Mở đầu là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng các đơn vị Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ... cùng khởi công vở kịch “Chén thuốc độc”. Đây là lần đầu tiên, các diễn viên của nhiều nhà hát cùng kết hợp với nhau trên một sân khấu nhân dịp trọng đại - kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Việc các nhà hát cùng kết hợp trong một vở kịch là điều rất đặc biệt. Chúng tôi huy động tâm huyết của người làm nghề để dựng vở diễn mang dấu ấn 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để chúng ta cùng ôn lại lịch sử của nghệ thuật sân khấu kịch nói mà còn thể hiện sự nối tiếp thế hệ, mang những thành tựu của thế hệ đi trước đến hiện đại. Lần trở lại này của “Chén thuốc độc” trên sân khấu Thủ đô sẽ có những điểm mới. NSƯT Như Lai bày tỏ áp lực khi dựng lại vở diễn đánh dấu sự mở đường cho sự phát triển của loại hình kịch nói hiện đại Việt Nam sau này: Qua tác phẩm “Chén thuốc độc”, tác giả Vũ Đình Long là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự ra đời của sân khấu kịch nói và góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học phát triển song song với hiện đại hóa xã hội. Bản thân tôi khá áp lực khi đối diện với vở kịch khởi điểm cho 100 năm lịch sử kịch nói. Phải làm sao hay, hấp dẫn và có được nhịp sống ngày nay, nổi bật đời sống đương đại, dù là những câu chuyện khá cũ cũng là trách nhiệm nặng nề”.

Vở “Chén thuốc độc” được chọn biểu diễn khai mạc Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói vào tối 22/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tiếp theo sẽ là Hội thảo 100 năm phát triển sân khấu kịch nói, Gala tinh hoa sân khấu kịch hội tụ và 5 đêm diễn kịch.

Nghệ thuật không lùi lại phía sau…

Cục Nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 vào tháng 11 tới tại Hải Phòng. Các đơn vị tham gia sẽ lựa chọn một trong hai hình thức dự thi: Trực tuyến hoặc trực tiếp. Giải pháp này đã nhận được sự đồng thuận cao của giới nghề cũng như đại diện nhiều sân khấu kịch...

Tổ chức Liên hoan sân khấu Kịch toàn quốc 2021 là việc mà các nghệ sĩ kịch nói thể hiện tinh thần không thể khoanh tay “đầu hàng” dịch bệnh mà phải “chiến đấu” với nó. Được biết, các tác phẩm dự thi đều đã được các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng suốt một năm qua và chỉ chờ để được tham gia liên hoan. Các vở kịch tham gia Liên hoan là những tác phẩm mới được dàn dựng công phu và đạt chất lượng cao ở từng đơn vị nghệ thuật. Người dân cả nước sẽ theo dõi Liên hoan qua hình thức trực tuyến.

Tổ chức các sự kiện, chương trình biểu diễn bằng hình thức trực tuyến cũng thể hiện quyết tâm không lùi lại phía sau, không dậm chân tại chỗ của những người làm nghệ thuật ở thời điểm này. Nhiều chương trình đã và đang được thực hiện, tạo nên những dấu ấn trong lòng khán thính giả cũng như giới nghề. Đặc biệt, tín hiệu vui là, công nghệ 4.0 “giải vây” trong đại dịch đã giúp nghệ thuật biểu diễn mở rộng hơn đối tượng khán giả, người dân cả nước biết đến những thương hiệu nghệ thuật quốc gia của các nhà hát ca múa nhạc, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, kịch nói, xiếc, giao hưởng…

LƯƠNG NHI

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.