Sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân

Chia sẻ

Thông tin này được ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trao đổi tại toạ đàm “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 3/11.

Theo thống kê, đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn với tổng diện tích khoảng 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020). Đã có 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp hoàn thành đầu tư xây dựng, với quy mô khoảng 54.000 căn hộ trên tổng diện tích 2,7 triệu m2.

Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội)Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội)

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhất là ở các tỉnh phía Nam chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động. Vì vậy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, các độ vênh giữa quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển loại hình này như chưa có cơ chế chính sách ưu đãi riêng về 10 nhóm đối tượng, trong đó có công nhân khu công nghiệp; chế độ ưu đãi chưa thực chất, chưa thiết thực để chủ đầu tư tham gia, trong Luật Nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư nên chính sách chỉ dành cho người dân, chưa thực chất đối với chủ đầu tư, chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh: nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề hết sức cấp thiết, đặc biệt qua dịch bệnh Covid - 19. Hình ảnh đoàn người “di cư” khỏi các trung tâm kinh tế đã cho thấy những vấn đề liên quan nơi ở, người lao động chưa thể “an cư lạc nghiệp” nên khi biến cố xảy ra các vấn đề về an sinh, phúc lợi không đảm bảo thì hệ quả là những hình ảnh đau lòng trên.

Song, theo TS. Nhạc Phan Linh, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hiện, phần lớn công nhân, người lao động sống trong các khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng tự phát không đảm bảo môi trường sinh hoạt tối thiểu và sức khỏe cho người lao động, nhất là khi có dịch bệnh Covid - 19.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tổ chức các đoàn công tác làm việc với thường trực Tỉnh uỷ  ở 5 tỉnh phía Nam đề xuất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Trước đó, Tổng Liên đoàn Laođộng Việt Nam đã làm việc với 22 địa phương trong cả nước để triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020. Song việc thu hút đầu tư này gặp nhiều khó khăn”TS. Nhạc Phan Linh thông tin. 

ông Hà Quang Hưng -Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, theo ông Hà Quang Hưng, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 trị giá 65.000 tỷ đồng. 

Gói tín dụng này gồm: gói 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó: cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Gói 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất thêm các giải pháp và cơ chế, chính sách để “mở đường” cho nhà ở công nhân như quy hoạch, quỹ đất; cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, giá thuê, giá bán nhà. 

“Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa gói tín dụng theo hình thức tái cấp vốn vào nội dung Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 và các cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện chương trình, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất nội dung liên quan đến gói tín dụng của chương trình và ban hành Thông tư hướng dẫn sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận” - ông Hà Quang Hưng nói.

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.