Bất hạnh không nằm ở giới tính

Chia sẻ

Hiện nay, việc những gia đình, dòng họ không có con, cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng là một thực tế còn tồn tại. Thế nên phần lớn các gia đình vẫn phải cố đẻ cho được con trai...

Những câu chuyện “tưởng lâu lắm rồi” mà vẫn rất mới

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng chị X.H, một nữ doanh nhân thành đạt vẫn bị chồng “thúc” đi can thiệp bằng khoa học để có đứa con trai. Hành trình ấy đằng đẵng từ ngày chị sinh con thứ 3 vẫn là gái. Cho đến bây giờ, khi hai con gái lớn đã lấy chồng, sinh con, con gái út vào đại học, bà ngoại vẫn chưa làm tròn trách nhiệm “nối dõi tông đường”. Kinh tế không còn là gánh nặng, nên sau rất nhiều lần đưa nhau đến các bệnh viện, dù kết quả ngày một bớt khả quan, chồng chị X.H vẫn nuôi hy vọng, ước mơ về một ngày được bế cậu quý tử. Nhìn bên ngoài, người ta thấy chị X.H có một gia đình bề thế, hạnh phúc, nhưng nỗi đau những lần đi can thiệp, thăm khám ám ảnh đến mức những đủ đầy vật chất kia không thể nào an ủi chị được.

Là một người nghiên cứu nhiều về nhân học và văn hóa, các nền văn minh của thế giới, nhưng PGS.TS Đinh Hồng Hải, khoa Nhân học, trường ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn phải thừa nhận, chính anh cũng đôi lúc bị ràng buộc bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. “Từ trong suy nghĩ của mình, tôi vẫn cho rằng, có con trai là tốt nhất, còn nếu không có nhiều con trai, thì có “đủ nếp, đủ tẻ” vẫn hơn chỉ có một bề”. Dù biết, tư tưởng này đã là lạc hậu, cần phải thay đổi để tự mình cảm thấy hạnh phúc với những điều mình có, nhưng anh Hải cho rằng, khoảng cách giữa nói được và làm được, vẫn còn xa.

Bức tranh của nữ họa sỹ Xuân Lan, thể hiện sự chê bai, xem thường “con gái là vịt giời” - tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu suốt hàng nghìn năm quaBức tranh của nữ họa sỹ Xuân Lan, thể hiện sự chê bai, xem thường “con gái là vịt giời” - tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu suốt hàng nghìn năm qua

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Namđã ở mức báo động. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, đưa ra bằng chứng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; Năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân như: Sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền và việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính… PGS.TS Đinh Hồng Hải nhận định, sự mất cân bằng này ở khu vực thành thị còn nhiều hơn nông thôn, trong những gia đình có điều kiện, khá giả nhiều hơn những gia đình khó khăn, bởi họ dễ dàng được tiếp cận với các dịch vụ, khoa học kỹ thuận tiên tiến để can thiệp và được như ý muốn. “Nghĩa là, tư tưởng trọng nam khinh nữ không những không hề cũ, mà còn được thể hiện bằng nhiều hình thức hiện đại”, anh Hải nói. Chính chị X.H cũng thừa nhận, càng có kinh tế, chồng chị càng muốn có con trai để khẳng định vững chắc vị thế của mình trong cả xã hội và dòng họ.

Bất hạnh không nằm ở giới tính

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) khẳng định rằng, bất hạnh không nằm ở giới tính đứa con, mà là ở quan niệm của mỗi người. “Nếu không tham lam, ta sẽ thấy hài hòa và vừa đủ với những gì được cuộc sống này ban tặng. Bạn cứ nhìn vào những cặp gia đình hiếm muộn, phải vất vả lắm mới có được một đứa con, thì đứa con ấy dù là trai hay gái cũng vẫn là điều quý giá nhất với họ”.

Là người tham gia và nghiên cứu nhiều vấn đề về giới, bà Vân Anh chứng kiến và nghe rất nhiều những câu chuyện về bất bình đẳng giới, nhiều nhất là “thói” hỏi giới tính gái hay trai. “Cứ đến những chỗ khám thai hay gặp những người có bầu, thế nào cũng được nghe câu hỏi “con trai hay gái đấy?”. Tôi vẫn nhớ có một người rất cáu, trả lời gay gắt lại rằng con trai thì sao, con gái thì sao, con nào cũng là con em hết. Hay nhiều người lại cảm thấy thương, thấy thiệt thòi cho những gia đình sinh con gái một bề… Những câu chuyện như vậy nhan nhản khắp nơi, và tất nhiên, để thay đổi được, không chỉ một cá nhân, một gia đình thay đổi là được”.

Kể lại câu chuyện của gia đình mình, anh Đinh Hồng Hải cũng thừa nhận, những quan niệm sai trái, cổ hủ không hề làm cuộc sống tốt lên mà chỉ mang lại gánh nặng bởi ta cứ sống mãi bằng cái nhìn của người khác. Anh Hải kể, “nhà tôi có 5 anh em nhưng chỉ có em út là con gái. Ấy thế nhưng khi mẹ tôi ốm, người chăm bà nhiều nhất chính là cô út. Vậy tại sao ta cứ xem con gái là con người ta rồi xem nhẹ phái nữ? Tại sao không nghĩ rằng, con nào cũng là con, chỉ cần có hiếu với mẹ cha và có ích với xã hội, như vậy đã là hạnh phúc?”.

Bất hạnh không nằm ở giới tính - ảnh 2

Những lỗ hổng cần được lấp đầy

Tiến trình bình đẳng giới đang ngày càng có nhiều kết quả tích cực. Nhưng những “hạt sạn” về định kiến giới, khuôn mẫu giới vẫn còn nhiều, nhất là trong các sản phẩm truyền thông, bởi lẽ người làm ra nó vẫn khó thoát ra được những tư tưởng cũ. “Ta vẫn gọi con trai là “quý tử” (đứa con quý báu), vẫn mỉa mai con gái là “lũ vịt giời”, vẫn cho rằng người đàn ông có quyền lực tuyệt đối, làm trụ cột trong nhà… và vô vàn những cách hiểu còn thiển cận, “đặc quánh” định kiến giới nhan nhản trên khắp các phương tiện truyền thông”, bà Vân Anh cho biết.

PGS.TS Đinh Hồng Hải thì cho rằng, nhận thức, suy nghĩ của một con người được hình thành từ sự dạy dỗ, ảnh hưởng của gia đình và những người đi trước, vậy nên, để thay đổi được quan niệm của một người, nó không phải là ngày một ngày hai. Đơn giản như chuyện tiết lộ giới tính khi sinh, ta biết nó là định kiến giới, khuôn mẫu giới, nó đã là luật thì không được phép làm sai, không được tiết lộ. Nhưng với những người cảm thấy “không vấn đề gì”, bố mẹ nào mà chẳng mong biết sớm con mình là trai hay gái, thì thấy chuyện tiết lộ chẳng có gì đáng lo. “Cái sự “chẳng vấn đề gì” này nó rất đáng lo, bởi nếu cứ “vô tư” một cách vô tình như vậy, thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Đàn ông mà cứ vô tâm, thì bao nhiêu hậu quả dồn hết lên người phụ nữ, xã hội mà cứ vô tâm thì cuộc sống và thân phận người phụ nữ vẫn chỉ gói gọn phía sau người chồng. Tôi nghĩ, nam giới cần nhìn nhận lại về “quyền lực” của mình. Không có gì là tuyệt đối. Đàn ông hay phụ nữ làm trụ cột không quan trọng, quan trọng là ai chèo lái tốt ngôi nhà của mình. Tất nhiên, cả hai phải biết cân đối trách nhiệm và chia sẻ gánh nặng”.

“Luật Bình đẳng giới đang trong quá trình góp ý và sẽ có nhiều thay đổi, mong rằng sẽ có nhiều sự siết chặt cho những sản phẩm truyền thông có yếu tố nhạy cảm giới, để mọi người hiểu đúng đâu là điều nên làm, để cùng chung tay thay đổi những định kiến giới”, bà Vân Anh bày tỏ.

HẢI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.