Xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, Hà Nội):

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền! - ảnh 1
Ngôi nhà gia đình bà Lê Thị Nho đang xây dựng trên đất đấu giá từ 22 năm trước, đang bị đình chỉ thi công.

Chỉ vào ngôi nhà đang xây dựng dở dang, bà Lê Thị Nho chia sẻ: “Tháng 12/2002, địa phương ra thông báo, tổ chức họp dân để thông tin về việc bán đất với hình thức úp thầu - đấu giá. Gia đình tôi khi đó còn nhiều khó khăn song vì có hai con trai nên cũng cố gắng mua mảnh đất để sau này cho các con ở riêng. Sau khi trúng thầu mảnh đất 618m2 với giá 9,6 triệu đồng, gia đình đã phải bán thóc, bán bò, vay mượn thêm để nộp đầy đủ cho địa phương, có giấy tờ xác nhận. Mua xong mảnh đất, chúng tôi lo làm ăn trả nợ, 2 vợ chồng làm nông nghiệp lại nuôi 2 con nên chưa có điều kiện để xây dựng nhà, dự định khi các con lớn sẽ xây nhà để ở.

Năm 2022, khi các con bà Nho trưởng thành, gia đình xây dựng nhà cho các con ở riêng thì lại bị chính quyền đình chỉ thi công với lý do đất nằm trong quy hoạch là đất trồng lúa, việc mua bán đất 20 năm trước là “trái thẩm quyền”.

Bà Nho buồn rầu nói: “Việc mua đất của 5 gia đình chúng tôi vào 20 năm trước đã được chính quyền tổ chức công khai, nói rõ là đất xây dựng nhà ở, tiền bán đất cũng được địa phương sử dụng vào việc làm đường bê tông thôn xóm… Vậy mà, quyền lợi của chúng tôi lại không được đảm bảo, bị quy thành mua bán trái thẩm quyền. Trong khi tại thời điểm năm 2002, với số tiền 9,6 triệu đồng chúng tôi cũng mua được đất ở có sổ đỏ. Hà cớ gì chúng tôi mua đất để xây nhà ở do chính quyền bán mà nay lại bị đình chỉ?”. 

Sau khi bị đình chỉ, tháo dỡ công trình nhà đang thi công, gia đình bà Nho cùng các gia đình mua đất cùng đợt đấu giá (ông Đinh Văn Lĩnh, Lê Văn Đạm, Lê Văn Hào, Đinh Văn Thắc) đã làm đơn lên các cấp từ xã, huyện đến thành phố Hà Nội để kêu cứu và đề nghị làm rõ quyền lợi cho cả 5 gia đình.

Trong đơn, các hộ đã trình bày và đề nghị làm rõ: Từ năm 2002 đến nay, UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Tuy Lai đã không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 5 hộ gia đình trúng đấu giá 6 thửa đất ở thôn Cát. Không những thế, tại Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 2/6/2004 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đai huyện Mỹ Đức thời kỳ 2002-2010, diện tích đất của 5 hộ dân mua đấu giá được quy hoạch là đất xây dựng. 

Đến năm 2019 và 2021, (tại Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND huyện Mỹ Đức và Quyết định số 5166/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội) khu đất này lại bị điều chỉnh quy hoạch thành đất trồng lúa, trong khi các hộ dân đã mua qua hình thức đấu giá, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tiền mua đất và đóng thuế thể hiện rõ là đất phi nông nghiệp đến nay là 22 năm.

“Qua nhiều lần có ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như đơn thư gửi đến các cấp, đến nay, 5 hộ dân chúng tôi vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”- bà Nho nói và cho hay Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 12221/VP-BTCD ngày 19/10/2023, nêu rõ: “Về việc này Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn có ý kiến chỉ đạo giao Chánh thanh tra Thành phố làm rõ vụ việc, tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố trước ngày 15/11/2023”. 

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Lê Quang Hướng, công chức địa chính xã Tuy Lai cho biết, 5 hộ dân đã tham gia đấu giá trúng 6 thửa đất ở thôn Cát từ thời điểm năm 2002, đến nay bị vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cũng như thực hiện việc xây dựng nhà ở là bởi việc bán đất của thôn khi đó đã được xác định là “bán đất trái thẩm quyền”. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn đối với địa phương trong công tác quản lý đất đai hiện nay. Bởi trước năm 2004, toàn xã đã có 394 trường hợp được giao đất trái thẩm quyền. Từ năm 2004-2014 có 197 trường hợp. Về việc này, Tòa án cũng đã mở phiên tòa xét xử một số hành vi bán đất trái thẩm quyền đối với cán bộ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xử lý về đất thì không được tuyên cụ thể. 

Về việc điều chỉnh quy hoạch từ đất xây dựng sang đất trồng lúa, ông Lê Quang Hướng cho rằng, giai đoạn 2002-2010 quy hoạch khu đất này là đất phát triển làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và thêu ren. Qua thời gian, do không còn phù hợp thực tế giai đoạn 2021-2030 quy hoạch khu vực trên được điều chỉnh thành đất trồng lúa.

Về việc điều chỉnh quy hoạch, bà Lê Thị Nho cho biết thêm, trong 5 gia đình trúng đấu giá đất cùng đợt, thì có 1 hộ vẫn nằm trong quy hoạch đất xây dựng mà không bị thay đổi quy hoạch thành đất trồng lúa như 4 hộ còn lại. Điều này cũng khiến các hộ dân đặt dấu hỏi? 

Để được nhận quyền lợi chính đáng, hiện nay gia đình bà Nho cùng các gia đình vẫn tiếp tục gửi đơn thư đến các cấp mong được làm rõ về việc 5 hộ đã mua đất thông qua đấu giá công khai ở địa phương, số tiền này đã được thôn sử dụng vào các việc phục vụ cộng đồng dân cư toàn thôn như làm đường bê tông… Trong khi đó, những người nộp tiền mua đất lại chưa được hưởng quyền lợi chính đáng như được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.

Để giải quyết vấn đề trên, được biết, UBND xã Tuy Lai và các cơ quan chức năng đang rà soát điều chỉnh, bổ sung để cập nhật vào đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mỹ Đức đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Về những diện tích đất bán trái thẩm quyền nếu phù hợp sẽ được xử lý theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai sửa đổi năm 2013…
Để làm rõ hơn về vấn đề trên, Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng và sẽ thông tin tới bạn đọc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.