Cảnh giác trước các chiêu lừa chiếm đoạt tiền

Chia sẻ

Thời gian qua, nhiều người dân do chủ quan đã “sa bẫy” của các đối tượng lừa đảo dẫn đến bị mất tiền. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào khi chưa xác minh được thông tin chính xác.

Mất tiền trong nháy mắt từ cuộc gọi, tin nhắn lạ

Nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung: “Ban da dang ky dich vu toan cau, moi thang thu phi 12.000.000 dong. Neu khong phai ban dang ky vui long vao w.w.wscbebank.vip de huy”, chị P.T.T ở Hà Nội tin rằng ngân hàng gửi nên đã nhấp vào link, khai báo tài khoản, mật khẩu, OTP. Sau khi hoàn tất, tài khoản của chị bị trừ tiền liên tiếp 4 giao dịch với tổng số tiền là hơn 686 triệu đồng. Vào tháng 9/2021, Công an TP Hà Nội nhận được trình báo từ ông N.T ở quận Hoàng Mai với vụ việc tương tự. Ông N.T nhận được tin nhắn với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18/9/2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”. Nghĩ rằng ngân hàng nhắn nên ông N.T đã đăng nhập vào đường link trên điện thoại, giao diện giống ngân hàng, và chỉ ít phút sau ông phát hiện tài khoản bị rút 399 triệu đồng. Ông N.T mới biết mình bị lừa và đến trình báo với cơ quan công an.

Trước thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo và yêu cầu các ngân hàng tăng cường bảo mật, tăng xác thực khách hàng. Đồng thời, có công văn gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Các ngân hàng cũng đã có nhiều khuyến cáo với khách hàng về tình trạng lừa đảo, giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Về vấn đề này, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng cảnh báo nạn giả mạo tin nhắn thương hiệu bằng các chiêu thức lừa đảo rất tinh vi và nguy hiểm.

Về phía Bộ Công an cũng chỉ ra rằng, trước đây thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sử dụng số điện thoại bất kỳ (sim rác) để phát tán nội dung lừa đảo. Nay các phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn là giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng, tổ chức… Điều này khiến khách hàng dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ ngân hàng. Khi truy cập vào đường dẫn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có logo, giao diện tương tự website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… Khi có được các thông tin, các đối tượng kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được nhiều chức năng như chuyển khoản, mở thấu chi, đăng ký vay tiền online…

EVN cảnh báo cuộc gọi lừa đảo mạo danh nhân viên Điện lựcEVN cảnh báo cuộc gọi lừa đảo mạo danh nhân viên Điện lực (Ảnh: EVN)

Lừa hưởng chế độ bảo hiểm, thuế

Thời gian gần đây, xuất hiện một số trường hợp nhận được tin nhắn có đầu số “052...” thông báo việc nhận tiền trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với nội dung “Ban chua nhan duoc tro cap C0VID-19, vui long dang nhap tinyurl.com/kxytdc8z (hoặc shorturl.at/frFHU) de lay, qua han se khong duoc chap nhan". Ngày 30/10, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định, cơ quan Bảo hiểm Xã hội không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.

Tin nhắn trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm trục lợi, lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân. Theo đó, người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn (link) nào. Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ cần truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn xuất hiện thủ đoạn đối tượng thực hiện cuộc gọi đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp bằng việc mạo danh, giả danh là công chức của ngành Thuế để thực hiện hành vi lừa đảo. Cụ thể là, các đối tượng sử dụng hình thức gọi điện thoại thông báo cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về việc Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị tổ chức Hội nghị tập huấn và thực hiện chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với số tiền 5 triệu đồng. Song các cá nhân, đơn vị này phải thanh toán chuyển khoản từ 1,5 đến 2 triệu đồng để mua tài liệu tập huấn.

Sự việc trên đã được Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh khẳng định là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời lưu ý các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân người nộp thuế cần thông tin và phản ánh đến Cơ quan Công an hoặc Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh để phối hợp xử lý.

Tổng cục Thuế cũng đã nhiều lần cảnh báo trên website của cơ quan thuế và yêu cầu các đơn vị trong chuyển tải đầy đủ nội dung thông báo đến người nộp thuế bằng các hình thức như: email, gửi qua đường bưu điện, công khai tại trụ sở, tại "Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ về thuế"… để người nộp thuế biết, chủ động phòng ngừa các hành vi lừa đảo.

HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.