Chính quyền "bó tay" trước vi phạm

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được phản ánh của một số hộ dân ở số 1 phố Tràng Thi, phường Hàng Trống và số 2A, 2B phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm về một công trình xây dựng, cơi nới không phép tồn tại từ năm 2017 tới nay nhưng không bị xử lý, bất chấp người dân đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tới chính quyền.

Người dân nơm nớp sống trong sợ hãi

Theo đơn phản ánh, một số hộ dân gồm các ông/bà: Hoàng Anh Phương ở số 2A phố Bà Triệu, Vũ Thị Kim Oanh, Vũ Thị Ngát ở số 2B phố Bà Triệu; Nguyễn Xuân Vượng, Nguyễn Hồng Ngọc ở số 1 Tràng Thi, phường Hàng Trống đang sống tại tầng 1 khu biệt thự Pháp cổ ở góc hai phố Tràng Thi và Bà Triệu có tuổi đời đến nay đã khoảng 100 năm. Theo thiết kế, khu nhà chỉ có 2 tầng, trần vôi rơm, tường gạch. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, hộ ông Nguyễn Xuân Thà sống ở tầng 2 đã nhiều lần cơi nới, sửa chữa, chồng thêm 2 tầng nhà làm phá vỡ kiến trúc, kết cấu của khu biệt thự. Điều đáng nói, hộ ông Thà sử dụng vật liệu gồm khung, dầm sắt lớn nặng hàng tấn, đổ bê tông sàn trong khi ngôi biệt thự đã yếu và xuống cấp, gây nguy hiểm cho tính mạng của các hộ dân.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, bà Vũ Thị Ngát, ở số 2B phố Bà Triệu bức xúc cho biết: Công trình xây dựng, cơi nới trái phép của hộ ông Thà đã khiến nhà của bà ở tầng 1 bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dột, nứt tường. Gia đình bà đã phải cho dựng thêm một số cọc sắt để tăng chịu lực cho nhà nhằm giảm thiểu nguy cơ nhà bị sập đổ.

Ghi nhận tại nhà ông Nguyễn Xuân Vượng, số 1 Tràng Thi cũng cho thấy hiện có nhiều vết nứt chạy dọc tường, sàn nhà thì trồi sụt. “Từ năm 2017, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm của hộ ông Thà, chính quyền phường đã cử người xuống kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng cuối cùng vi phạm vẫn tồn tại” - ông Vượng cho biết.

Quan điểm của các hộ dân là hộ ông Thà phải trả lại hiện trạng ban đầu cho khu biệt thự.

Bà Vũ Thị Ngát ở số 2B phố Bà Triệu chỉ vào những cọc sắt được dựng lên để chống đỡ cho ngôi nhàBà Vũ Thị Ngát ở số 2B phố Bà Triệu chỉ vào những cọc sắt được dựng lên để chống đỡ cho ngôi nhà

Chính quyền còn đợi người vi phạm đi… chữa bệnh?

Từ phản ánh của người dân, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Phạm Hùng, Tổ trưởng tổ Quản lý trật tự xây dựng phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Ông Hùng thừa nhận về vi phạm của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Thà, đồng thời cho biết, từ năm 2017, chính quyền phường đã có động thái xử lý vi phạm này (thể hiện qua các biên bản).

Tuy nhiên, sau đó, do ông Thà bị bệnh hiểm nghèo nên phải đi chữa bệnh dài ngày, sau đó lại vướng dịch Covid-19 nên công trình xây dựng luôn ở trong tình trạng dang dở. Đầu năm 2021, ông Thà xin tiếp tục sửa chữa nhà ở nhưng đã vấp phải sự phản ứng của các hộ dân xung quanh.

Ngày 15/1/2021, Tổ công tác của UBND phường Hàng Trống đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng của hộ ông Thà, trong đó, ghi nhận ý kiến của hộ bà Vũ Thị Kim Oanh là ông Thà chỉ được sửa chữa theo đúng phần diện tích được cấp theo sổ đỏ và phải cắt bỏ toàn bộ phần cơi nới (dầm thép, khung thép để lên tầng). Tổ công tác cũng thống nhất với các bên, đề nghị hộ ông Thà khi muốn có nhu cầu sửa chữa phải làm đơn gửi UBND phường và phải được sự đồng thuận bằng việc các hộ ở tầng 1 phải ký vào văn bản để cùng nhau giám sát việc sửa chữa. Nếu hộ ông Thà có thay đổi về kết cấu, kiến trúc, cảnh quan phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền xin cấp phép xây dựng.

Ngày 21/1/2021, Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành họp giải quyết đơn của các hộ dân, kết luận yêu cầu ông Nguyễn Xuân Thà tháo dỡ toàn bộ phần mới phát sinh trong vòng 10 ngày kể từ ngày lập biên bản; đồng thời, khi có nhu cầu sửa chữa phải làm đơn gửi ra UBND phường và phải có sự thống nhất của các hộ dân. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do, ông Thà lại tiếp tục vắng nhà nên việc giải quyết lại tạm dừng.

Ngày 3/12/2021, ôngThà lại có đơn gửi UBND phường Hàng Trống xin sửa chữa nhà. Các hộ dân xung quanh lại tiếp tục gửi đơn khiếu kiện. Ngày 14/1/2022, UBND phường, Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Hàng Trống, Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm đã thực hiện kiểm tra việc cải tạo, sửa chữa của hộ ông Nguyễn Xuân Thà, kết luận hộ ông Thà phải tạm dừng thi công xây dựng sửa chữa; đối với phần cơi nới cũ (thời điểm từ năm 2017 đến 2020), ông Thà phải có sự thống nhất của các hộ dân được giữ lại phần nào, cắt bỏ phần nào và báo UBND phường biết trong vòng 7 ngày tính từ ngày lập biên bản.

Diễn biến mới nhất, ngày 4/3/2022, Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Hàng Trống đã có buổi kiểm tra, lập biên bản hộ ông Thà đang cho thợ sửa chữa lắp khung sắt chữ Y nên đã yêu cầu ông Thà phải tháo dỡ phần khung sắt chữ Y mới làm và cho dừng toàn bộ việc xây dựng sửa chữa tại nhà số 1 phố Tràng Thi.

Giải thích cho việc “biên bản chồng biên bản” nhưng vi phạm vẫn tồn tại, ông Hùng cho biết do cả về lý do chủ quan và khách quan, ông Thà cứ sau một thời gian lại vắng nhà. Hiện tại, ông Thà cũng đang điều trị bệnh ở một bệnh viện trong TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Phạm Hùng, quan điểm của UBND phường là không bao che vi phạm. Tới đây, sau khi ông Thà chữa bệnh trở về, UBND phường sẽ mời các ban, ngành chức năng vào kiểm tra xác minh thời điểm vi phạm, nội dung vi phạm của ông Thà và báo cáo UBND quận Hoàn Kiếm xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy vi phạm trật tự xây dựng của hộ ông Nguyễn Xuân Thà đã rõ ràng. Mong rằng lần này, UBND phường Hàng Trống sẽ có thời hạn giải quyết dứt điểm vụ việc. Về tình, có thể thông cảm với hoàn cảnh của người dân nhưng về lý, không thể chấp nhận chính quyền “đợi” người vi phạm đi chữa bệnh trở về mới xử lý vi phạm. Trong khi đó, những khối sắt thép không biết chờ đợi mà vẫn đang từng ngày từng giờ đe dọa tính mạng của nhiều hộ dân.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.