Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Thăng Long Việt Nam:

Chưa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, nhiều tháng nợ lương nhân viên

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được phản ánh về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Thăng Long Việt Nam, Hội sở ở phố Tú Mỡ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội nhiều tháng qua nợ lương nhân viên, trong đó có những người bị nợ tới hàng chục triệu đồng; đồng thời, quyền lợi của nhiều khách hàng, nhà đầu tư cũng chưa được đảm bảo như thỏa thuận.

Chưa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, nhiều tháng nợ lương nhân viên - ảnh 1
Anh N (người phía trong, đang cúi) lúc đang làm nhân viên của công ty cho biết đến nay vẫn chưa được nhận lương Ảnh: NVCC

Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Thăng Long Việt Nam (gọi tắt là Công ty Thăng Long - PV), theo lời tự giới thiệu trên trang web ra đời với sứ mệnh bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa nghệ thuật và ẩm thực dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của công ty khá đa dạng gồm bất động sản, sức khỏe, nhà hàng, thương mại, giáo dục đào tạo, nghệ thuật…

 Voucher ăn buffe thành... giấy lộn
Cách đây ít lâu, chị M ở Hà Nội, được nghe giới thiệu Công ty Thăng Long phát hành voucher ăn buffee đã mua cho gia đình và tặng bạn bè. Theo thông tin in trên các voucher này, khách hàng được ăn buffee tại nhà hàng Vườn Thượng đế ở 35B Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giá một suất ăn là 159 nghìn đồng, khách có thể sử dụng nhiều voucher cho một lần tính tiền, trên voucher ghi rõ hạn sử dụng đến tháng 1/2026.

Dịp Tết Quý Mão, chị M rủ người nhà đi ăn buffee gặp mặt đầu xuân. Nhưng đi dọc phố Lê Văn Thiêm, chị không thể tìm thấy có nhà hàng nào tên “Vườn Thượng đế”. Gọi điện tới số điện thoại in trên voucher và nhiều số điện thoại khác mà công ty công bố để được giải đáp đều không được. Địa chỉ trang web in trên voucher cũng không tồn tại. Lúc này, chị M mới biết các suất ăn buffee của chị giờ chỉ tồn tại… trên giấy. 

Tương tự, chị N cũng rơi vào tình cảnh có voucher buffee của Công ty Thăng Long nhưng không thể sử dụng. Cuối năm 2022, công ty này quảng cáo phát hành 3 loại vé ăn uống với các giá: 375 nghìn đồng (khách được sở hữu 15 suất ăn uống thả ga tương đương 25 nghìn đồng/suất); giá 690 nghìn đồng (sở hữu 30 suất ăn uống thả ga, tương đương 23 nghìn đồng/suất) và giá 1,2 triệu đồng (sở hữu 60 suất ăn uống thả ga tương đương 20 nghìn đồng /suất). 

Tin tưởng, chị N đã mua loại voucher có mệnh giá cao nhất. Thế nhưng, voucher mua xong đến nay, chị N vẫn chưa có cơ hội sử dụng vì khi tìm đến một số địa chỉ cửa hàng ăn uống được công ty này công bố cũng chẳng thấy đâu. 

Nợ lương nhân viên nhiều tháng
Ngoài khách hàng, Công ty Thăng Long hiện cũng bị phản ánh là nợ lương của nhân viên nhiều tháng chưa trả. Phản ánh tới Báo Phụ nữ Thủ đô, chị T.L cho biết bắt đầu làm nhân viên cho Công ty Thăng Long từ tháng 7/2022. Lúc đó, chị L là sinh viên năm cuối của một trường đại học tại Hà Nội tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Sau khi đọc thông báo tuyển dụng của Công ty Thăng Long với những điều kiện rất đơn giản, chị L đã nộp hồ sơ và được tiếp nhận. Mức lương chị L được trả khoảng 7 triệu đồng/tháng, làm từ 8h sáng đến 5h chiều, từ thứ 2 đến thứ 7. 

Tuy nhiên, theo chị L, ngay tháng đầu tiên đi làm, chị L đã bị nợ lương. Sau đó, đến khoảng giữa tháng 9, chị L mới được nhận lương của tháng 7. Sau đó, chị L đành tìm công việc khác để có thu nhập. Đến bây giờ, chị L cho biết, các tháng lương còn lại của chị L vẫn… chưa được công ty chi trả.  

Anh T.H.N, một nhân viên khác phản ánh vào làm fulltime tại Công ty Thăng Long qua giới thiệu của người quen từ cuối tháng 5 đến ngày 15/11. Ban đầu, anh N là nhân viên bán hàng, sau đó được điều chuyển sang vị trí thiết kế đồ họa. Anh N cho biết từ tháng 6 đến khi nghỉ việc, anh N bị công ty nợ lương với tổng số tiền là gần 30 triệu đồng. 

Liên quan đến việc này, anh N.N.H làm tại Công ty Thăng Long cho biết, ngày 24/10/2022, anh đã đại diện cán bộ nhân viên dự án F&C (dự án cung cấp dịch vụ ăn uống - PV) ký “Biên bản xác nhận lương” với Giám đốc điều hành Công ty Thăng Long Phạm Hồng Phong. Trong biên bản này hai bên đã chốt số lương còn lại công ty chưa chi trả cho cán bộ, công nhân viên dự án F&C và nhà hàng Lê Văn Thiêm, nhà hàng Bắc Ninh tháng 7, 8, 9/2022 theo bảng lương. Đồng thời phía công ty cam kết đến 15/11/2022 sẽ chi trả số tiền lương còn lại của kỳ lương tháng 7 và chậm nhất vào ngày 30/12/2022 sẽ chi trả toàn bộ lương của tháng 8, 9. 

Tuy nhiên, theo anh N.N.H, tính đến ngày 9/2/2023, việc chi trả lương như biên bản vẫn chưa được thực hiện. Bản thân anh cũng đang bị nợ tới hàng chục triệu đồng tiền lương. 

Quá bức xúc, nhiều người đã vào facebook của Công ty Thăng Long để viết bình luận, bày tỏ thái độ bất bình và yêu cầu công ty phải khẩn trương trả lương cho nhân viên.

Mong được đảm bảo quyền lợi
Trong quá tình tìm hiểu sự việc, chúng tôi tiếp tục ghi nhận còn một đối tượng nữa cũng chưa được Công ty Thăng Long đảm bảo quyền lợi. Đó là nhiều nhà đầu tư đã tham gia đóng góp kinh phí để công ty triển khai các dự án, hoạt động và được công ty cam kết sẽ trả lãi suất và gốc đầy đủ khi đến hạn. Chẳng hạn ông T, một nhà đầu tư cho biết gia đình ông đầu tư vào công ty khoảng 1 tỷ đồng. Trong thời gian đầu, công ty trả lãi đầy đủ (khoảng 20%/tháng) nhưng mấy tháng gần đây, việc trả lãi bị chậm rồi… dừng hẳn. Sau đó, ông T và một số nhà đầu tư đã được công ty mời lên làm việc, cam kết trả gốc và lãi. Tuy nhiên, đến nay, các nhà đầu tư vẫn đều chưa nhận được cả tiền lãi và gốc. Sốt ruột, ông T đã tìm tới tận hội sở của công ty Thăng Long để hỏi tình hình nhưng chưa có kết quả vì “ban lãnh đạo công ty đi công tác vắng”.

Ông T cho biết, ngoài ông ra, có nhiều nhà đầu tư đã bỏ khá nhiều tiền vào dự án của công ty. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều cố gắng bình tĩnh, tạo điều kiện để công ty có thời gian thu xếp tài chính, song họ chưa biết thời gian chính xác lúc nào được nhận lại tiền.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, các nhân viên đều bày tỏ mong muốn công ty sẽ thực hiện chi trả tiền lương cho nhân viên theo đúng thời gian cam kết chứ không liên tục thất hẹn và sai hẹn. Với các khách hàng đang sở hữu voucher của Công ty Thăng Long cũng đang chờ đợi được đảm bảo quyền lợi. Bởi các voucher mà khách hàng mua của công ty là thật, nhưng hiện nay, trên trang web (còn đang hoạt động), facebook của công ty không có sự giải thích rõ ràng nào cho sự biến mất của hệ thống các cửa hàng, nhà hàng… cũng như không hướng dẫn, trợ giúp khách hàng đã mua voucher cần làm gì. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.