Cư dân KĐT Thanh Hà “nhức nhối” với chất lượng nước sinh hoạt

Vân Nga
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hơn 4 năm nay, kể từ khi mới vào nhận nhà sinh sống đến nay hàng nghìn cư dân sinh ở KĐT Thanh Hà, Mường Thanh (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) phải sử dụng nước không đảm bảo tiêu chuẩn. Cư dân đã nhiều lần phản ánh, làm việc với các bên liên quan đến đơn vị cung cấp nước song vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cư dân KĐT Thanh Hà “nhức nhối” với chất lượng nước sinh hoạt - ảnh 1
Nước chảy tại vòi ra nhiều giun thời điểm năm 2021 Ảnh: Cư dân cung cấp

4 năm, hàng nghìn cư dân vẫn lo lắng về nước sinh hoạt
Phản ánh đến báo chí, đại diện cư dân hiện đang sinh sống tại 5 tòa HH02A, B, C, D, E, B2.1 - KĐT Thanh Hà, thuộc Tổ dân phố số 8, 9 xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cho biết: “Chúng tôi là những khách hàng mua và sử dụng nước do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cung cấp. Từ khi cư dân nhận nhà về ở đến nay, vấn đề nước sinh hoạt luôn là vấn đề nhức nhối. Chất lượng nước sinh hoạt về cảm quan là không ổn định mà lúc trong lúc đục, có cặn đen, thậm chí có giai đoạn có cả giun đỏ trong nước. Trước thực trạng này, cư dân chúng tôi đã nhiều lần có đơn phản ánh, làm việc với Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Thanh Hà và Công ty nước sạch Thanh Hà. Đã có thời điểm cư dân cùng nhau tạm ngừng đóng tiền nước sinh hoạt để phản đối chất lượng nước. Tuy nhiên, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Thanh Hà và Công ty nước Thanh Hà mới chỉ đưa ra giải pháp thau rửa bể và sục rửa đường ống, tình trạng nước sinh hoạt vẫn không được giải quyết triệt để”.

Từ năm 2018 đến nay, lo lắng cho sự an toàn và những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng nghìn người sinh sống ở KĐT Thanh Hà, có những thời điểm cư dân đã phải dùng đến biện pháp treo băng rôn phủ đỏ các tòa nhà, yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý dự án cung cấp nước sạch cho người dân. 

Đồng thời, để ứng phó với chất lượng nước không đảm bảo, nhiều hộ dân đã phải mua nước đóng bình để ăn uống và chỉ dùng nước máy để tắm giặt. Một số hộ dân đã sử dụng máy lọc nước, tuy nhiên họ vẫn không khỏi lo lắng cho sự an toàn lâu dài. 

Anh Đ.C.B, cư dân ở tòa HH02B cho biết: “Năm 2021, có thời điểm nước có nhiều giun, vàng, mùi, cư dân phản ứng mạnh mẽ, các cơ quan vào cuộc thì nước mới đỡ hơn. Hiện tại, dù không còn thấy giun trong nước nhưng nước lúc trong lúc đục, nhớt, nhanh đóng cặn, lọc nước nhanh vàng và đen”.

Tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc
Nghi ngờ nguồn nước mà Công ty Thanh Hà bán cho cư dân có sự pha trộn, ngày 6/7/2022 cư dân đã gửi đơn đến đơn vị cung cấp nước mặt là Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống (Công ty Sông Đuống) để được làm rõ. Theo đó, trả lời cư dân tại văn bản số 187/2022/CV-SDWTP ngày 19/7/2022, Công ty Sông Đuống thông tin, hiện nay công ty đang cung cấp nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống cho KĐT Thanh Hà thông qua các đơn vị phân phối là Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch số 3 AquaOne và Công ty cổ phần nước sạch Nam Hà Nội (Công ty Nam Hà Nội) để cấp nước trực tiếp cho khách hàng, cư dân trong KĐT với sản lượng trung bình 1.500 m3/ngd, chất lượng nước đảm bảo theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Công ty Sông Đuống khẳng định: “Thời gian qua đã nhiều lần tiến hành lấy mẫu nước trong KĐT để kiểm tra và kết quả cho thấy nguồn nước cấp không hoàn toàn là nguồn nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Nguồn nước đang được pha trộn giữa nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống và nguồn nước khác, chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, Công ty Sông Đuống đã gửi văn bản cho Công ty cổ phần nước sạch Nam Hà Nội kèm theo Phiếu xét nghiệm mẫu nước và khuyến nghị có ngay các biện pháp điều chỉnh, vận hành hệ thống cấp nước trong KĐT để đảm bảo người dân được sử dụng 100% nguồn nước đạt chuẩn từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Tuy nhiên, các khuyến nghị của Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã có thể không được Công ty cổ phần nước sạch Nam Hà Nội thực hiện”. 

Điều đáng nói là Công ty Sông Đuống cũng thực hiện xét nghiệm nước và kết quả luôn có các chỉ số không đạt, vượt ngưỡng cho phép cũng như cao hơn so với nguồn nước của công ty này. Cụ thể là, các chỉ số: Nitrate, E.coli, Coliform, Clo dư, Sunfat, Pecmanganat, Amoni... Trong khi đó, phía Công ty Thanh Hà thì đưa ra kết quả các chỉ số đều đạt.

Thực tế hằng ngày sử dụng nước, người dân KĐT Thanh Hà vẫn nhận thấy nước chưa đạt về mặt cảm quan, nước lúc trong lúc đục, nhanh đóng cặn, lọc nước nhanh vàng và đen chưa thể yên tâm được. Vì vậy, đại diện cư dân, với lá đơn có chữ ký của hàng loạt các trưởng tầng của 5 tòa nhà đã gửi kiến nghị tới chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng như các đơn vị cung cấp nước sớm vào cuộc làm rõ.  

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.