Dân mòn mỏi chờ ký hợp đồng nước sạch

Chia sẻ

PNTĐ-Đến nay, nước đã được chủ đầu tư cấp trở lại cho cư dân KĐT Tân Tây Đô. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân được ký hợp đồng mua nước sạch vẫn chưa được thực hiện.

 
Báo Phụ nữ Thủ đô số 22 ngày 29/5/2019 đăng tải bài viết: “Mất nước kéo dài ở KĐT Tân Tây Đô: Chậm bàn giao vì hạ tầng cấp nước có vấn đề”. Đến nay, nước đã được chủ đầu tư cấp trở lại cho cư dân KĐT Tân Tây Đô. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân được ký hợp đồng mua nước trực tiếp với Công ty Nước sạch Tây Hà Nội vẫn chưa được thực hiện. 
 
Như báo Phụ nữ Thủ đô đã nêu, tại cuộc họp bàn giải pháp cấp nước sạch cho người dân KĐT Tân Tây Đô ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội) tháng 6/2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao cho Wadaco cung cấp nước cho KĐT Tân Tây Đô. Tạm thời Wadaco sẽ cung cấp nước qua đồng hồ tổng của Khu đô thị; Công ty cổ phần xây dựng và TMDV Tuấn Quỳnh (công ty Tuấn Quỳnh) quản lý toàn bộ hạ tầng nước và quản lý nguồn nước cũng như cung cấp nước từ bể tổng đến các bể của các tòa nhà và thu tiền nước từ cư dân.
 
Sau 3 tháng sử dụng, công ty Tuấn Quỳnh sẽ bàn giao toàn bộ hạ tầng cho Wadaco để đơn vị này trực tiếp quản lý và ký kết hợp đồng nước sạch với toàn bộ cư dân theo quy định. Nếu tỷ lệ thất thoát nước vượt quá 10%, công ty Tuấn Quỳnh có trách nhiệm phải tiếp tục nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng cho đến khi đảm bảo đủ điều kiện để bàn giao cho Wadaco tiếp quản trong thời gian sớm nhất. Tại buổi làm việc với cư dân ngày 15/10/2018, công ty Tuấn Quỳnh cam kết sẽ sửa chữa, đảm bảo thất thoát nước dưới 10% để bàn giao lại cho Wadaco.
 
Dân mòn mỏi chờ ký hợp đồng nước sạch - ảnh 1
Khu đô thị Tân Tây Đô 

 
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài công ty Tuấn Quỳnh còn có sự xuất hiện của Công ty cổ phần thương mại và xây dựng HT - Group (công ty HT - Group), hoạt động dưới hình thức như một công ty con của công ty Tuấn Quỳnh. Theo hợp đồng ủy quyền số 0310/2018/HĐKT/ TMTQ - HT Group ngày 03/10/2018 giữa công ty Tuấn Quỳnh và Công ty HT - Group, ngay sau khi có nước sạch về đến đồng hồ tổng của khu đô thị, HT - Group sẽ thay mặt công ty Tuấn Quỳnh quản lý sẽ thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp hạ tầng và thu tiền nước của người dân.
 
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và vận hành, HT - Group thực hiện các công việc ngoài thẩm quyền và không đúng với các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng ủy quyền, gây bức xúc cho các hộ dân KĐT Tân Tây Đô.
 
Cụ thể, căn cứ vào nội dung hợp đồng ủy quyền, HT - Group có nghĩa vụ xuất hóa đơn GTGT cho cư dân khi thu tiền nước (Mục 1, Điều 3). Tuy nhiên đến nay cư dân không hề nhận được bất cứ hóa đơn nào của HT - Group. Bên cạnh đó HT - Group có trách nhiệm xét nghiệm nước 6 tháng/lần tại nguồn nước cấp trong khu và 1 tháng/1 lần các xét nghiệm nước của Wadaco - đơn vị đang cung cấp nước trên địa bàn cho cư dân; phối hợp cùng với Công ty Tuấn Quỳnh tiến hành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì toàn bộ hệ thống hạ tầng cấp nước (Mục 2, Điều 4). Tuy nhiên đến nay, cư dân Tân Tây Đô chưa nhận được bất cứ bản xét nghiệm nước đúng quy định nào ngoài bản xét nghiệm HT Group tự thực hiện khi không có mặt cư dân hồi tháng 10/2018.
 
Ngoài ra, HT - Group còn ngang nhiên thu của các hộ dân 1.500.000 đồng/hộ để lắp đặt đồng hồ nước. Khi bị cư dân phản ánh, ngày 18/5/2019 HT - Group ra công văn số 07/2019/CV - HT lý giải việc thu tiền đồng hồ là huy động vốn tạm thời và sẽ trả lại cho cư dân bằng cách khấu trừ vào tiền nước 5%/tháng. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận lý do của HT - Group bởi theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với trách nhiệm đầu tư hạ tầng của Chủ đầu tư thì việc tự ý huy động vốn của người dân để lắp đặt đồng hồ nước là trái quy định. 
 
Ngày 3/6 HT - Group ra thông báo yêu cầu cư dân KĐT Tân Tây Đô ký hợp đồng nước với HT - Group, hạn cuối là ngày 12/6. Việc làm này của HT - Group một lần nữa khiến cư dân Tân Tây Đô bất bình bởi đến thời điểm này, đã quá thời hạn bàn giao hạ tầng cơ sở giữa công ty Tuấn Quỳnh với Wadaco theo yêu cầu của Sở Xây dựng. Vì thế công ty Tuấn Quỳnh và HT - Group không còn bất cứ quyền và nghĩa vụ nào liên quan đến việc kiểm đếm và thu tiền nước của cư dân. Chỉ có Wadaco là đơn vị duy nhất có đủ tính pháp lý để đứng ra ký hợp đồng cung cấp nước với cư dân KĐT Tân Tây Đô. 
 
Như vậy đến thời điểm này, đã quá thời hạn quy định nhưng  HT - Group vẫn ngang nhiên hoạt động, Công ty Tuấn Quỳnh cũng chưa thực hiện công tác bàn giao hạ tầng cơ sở cho công ty nước sạch Tây Hà Nội. Đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội cũng như chính quyền địa phương mạnh tay xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, có những biện pháp cứng rắn, không thể để tình trạng người dân phải mòn mỏi ngóng chờ để được ký hợp đồng mua nước sạch theo đúng quy định của pháp luật.
 
Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.