Đầu tư hơn 40 tỷ đồng, sau 13 năm đất dự án vẫn chờ quy hoạch

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được phản ánh về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy may Kimono xuất khẩu, tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Công ty CP Ngọc Bích đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng, nhưng 13 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện do chờ quy hoạch.

Khu đất thuộc dự án đã để hoang hóa 13 năm nayKhu đất thuộc dự án đã để hoang hóa 13 năm nay

7 năm vất vả đền bù giải phóng mặt bằng

Ông Tạ Đức Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ngọc Bích cho biết, năm 2007 DN chọn Vĩnh Phúc để tìm kiếm vị trí và làm các thủ tục thuê đất xây dựng nhà máy may Kimono xuất khẩu. Với chủ trương “trải thảm đỏ” chào đón các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, DN nhanh chóng được chính quyền Vĩnh Phúc thẩm định, đánh giá và ủng hộ, hỗ trợ, hướng dẫn làm các thủ tục để thực hiện lập dự án đầu tư, thủ tục thuê đất.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tiến độ dự án 20 tháng, Công ty CP Ngọc Bích còn được hưởng ưu đãi đầu tư là “miễn tiền thuê đất 3 năm kể từ ngày dự án đi vào hoạt động”. Công ty Ngọc Bích Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở của Công ty Ngọc Bích TP Hồ Chí Minh. 24 năm nay, Công ty có 10.000m2 nhà xưởng tại KCN Tân Bình, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động.

Sau khi có hướng dẫn và các văn bản của các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc về thủ tục lập dự án đầu tư, về đền bù, giải phóng mặt bằng, về thuê đất… Đến tháng 5/2008, Công ty đã đền bù giải phóng được 70% diện tích đất dự án. Ngay sau đó, thực hiện Nghị quyết 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII, huyện Mê Linh chính thức được bàn giao sáp nhập vào TP Hà Nội kể từ ngày 1/8/2008. “Từ đây việc đền bù, giải phóng mặt bằng của DN gặp vô vàn khó khăn do người dân đòi tăng giá, tái lấn chiếm, đòi thêm tiền đền bù” - ông Tạ Đức Thuận nói.

Qua nhiều nỗ lực, đến 8/2015, Công ty đã hoàn thành giải phóng đền bù nốt 30% diện tích còn lại của dự án. Sau 7 năm, ngày 14/8/2015, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản số 3808/UBND-BBT xác nhận Công ty CP Ngọc Bích đã hoàn thành xong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Xin chuyển mục đích làm nhà ở xã hội

Theo ông Tạ Văn Thuận, ngay sau khi có mặt bằng sạch, tháng 4/2015, Công ty tiến hành làm lễ động thổ xây dựng nhà máy, đồng thời làm hồ sơ cấp phép xây dựng bổ sung, vì giấy phép do Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cấp đã hết hạn. Liên hệ, làm việc với các cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội thì DN “té ngửa” vì được biết Dự án bị thay đổi quy hoạch. Theo đó, Dự án nằm trong quy hoạch cây xanh, mặt nước (theo phân khu GN tỷ lệ 1/5000). Vì vậy, DN không được cấp phép xây dựng.

Ngày 16/3/2016, Công ty có văn bản 18/CV-NB kiến nghị “điều chỉnh, bổ sung quy hoạch” để sớm được đầu tư xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, sau rất nhiều hội nghị, các sở, ngành và UBND Thành phố, kể cả Bộ Xây dựng, đến nay ý kiến cuối cùng của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1988/BXD-QHKT, ngày 21/8/2019 là: “Đề nghị UBND TP Hà Nội tuân thủ quy hoạch chung và các phân khu đô thị được duyệt, không tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch để thực hiện dự án nêu trên; chỉ đạo các cơ quan chức năng đề xuất giải pháp khác đảm bảo quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng đối với dự án nhà máy may Kimono trên địa bàn huyện Mê Linh”.

Về phía UBND TP Hà Nội, tại văn bản số 9695/VP-ĐT ngày 11/10/2019 vẫn là: “Giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở TNMT, QH-KT, Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp khác đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng đối với nhà máy may Kimono trên địa bàn huyện Mê Linh”.

Theo ông Thuận, với diện tích 26.330m2, dự án khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 1.200 lao động, sản phẩm may mặc Kimono xuất khẩu sang Nhật Bản, DN cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước. Dự án bị ách tắc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và mất đi cơ hội phát triển của DN và việc làm của người lao động.

Ông Thuận chia sẻ: “Có nhiều cổ đông của công ty đã rơi vào cảnh khốn đốn, mất nhà cửa vì phải bán để trả nợ, có trường hợp gia đình chia rẽ, ly tán, khuynh gia, bại sản. Thửa đất hơn 2,6ha bỏ hoang, cỏ dại mọc, lãng phí tài nguyên đất và xã hội. Doanh nghiệp cũng đến lúc kiệt quệ rồi”.

Từ đó, ông Thuận đề nghị, TP sớm giải quyết cho DN tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy may Kimono xuất khẩu trên lô đất mà DN đã dày công theo đuổi. Hoặc, TP thay thế cho DN một khu đất tương đương (DN không bỏ thêm ra chi phí về mặt bằng). Nếu TP thu hồi đất mà DN đã đền bù giải phóng thì bồi hoàn thiệt hại cho DN. Với số tiền đầu tư hơn 40 tỷ đồng, đến nay DN thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nếu không được các phương án trên thì TP cho DN lập dự án đầu tư chuyển mục đích sang dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân, chuyên gia khu công nghiệp và người lao động có thu nhập thấp trong khu vực với nhiều cây xanh và cảnh quan đẹp.

Ông Thuận đề nghị TP chỉ giao cho một đơn vị đầu mối để hướng dẫn, hỗ trợ, đứng ra giải quyết giúp cho DN sớm cởi nút thắt, khu đất hơn 2,6ha không bị bỏ hoang, lãng phí.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.