Dẹp “loạn” thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng
PNTĐ-Báo PNTĐ số 02, ngày 10/1/2018, đăng bài: “Bị lừa mua thuốc giá cao khi tham gia Hội thảo”, nhiều bà con ở các địa phương phản ánh, họ cũng bị mất tiền oan như vậy.
Báo PNTĐ số 02, ngày 10/1/2018, đăng bài: “Bị lừa mua thuốc giá cao khi tham gia Hội thảo” phản ánh việc: người dân một số phường nội thành Hà Nội do tin vào quảng cáo thổi phồng về công dụng của một số loại thuốc nên bỏ tiền mua sản phẩm với giá đắt. Sau khi báo phát hành, nhiều bà con ở các địa phương phản ánh, họ cũng bị mất tiền oan như vậy. Thể theo yêu cầu bạn đọc, PNTĐ tiếp tục đăng bài bàn về vấn đề này của tác giả Kim Lý.
![]() |
Cần kiểm soát chặt chẽ quảng cáo sản phẩm TPCN để . bảo vệ người tiêu dùng. (Ảnh minh họa) |
Quảng cáo TPCN khó kiểm soát
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian vừa qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện và tử vong do mắc viêm gan song không tuân thủ điều trị bệnh, lại tự tiện sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc các bài thuốc Nam. Đến khi bệnh trở nặng, tiến triển thành ung thư gan mới tới cơ sở y tế điều trị, khi đó khả năng điều trị bệnh là không thể…
Thực tế thời gian qua, nhiều loại sản phẩm TPCN chỉ có một vài công dụng song khi quảng cáo không ít doanh nghiệp đã “có ít xuýt ra nhiều” để câu kéo người mua. Chẳng hạn, nhiều cơ sở chế ra TPCN và quảng cáo có thành phần hoạt chất chiết xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung có hiệu quả điều trị bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm thì một số sản phẩm lại không có thành phần này, hoặc hàm lượng rất thấp. Thậm chí, một số nhà sản xuất còn nhầm lẫn Trinh nữ hoàng cung với loại cây tương tự có thành phần gây vô sinh.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN còn lợi dụng uy tín của nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm. Vụ việc gần đây nhất, một DN lợi dụng danh nghĩa của bác sĩ đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai để quảng cáo cho sản phẩm giảm mỡ máu (mặc dù hành vi lợi dụng danh nghĩa nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm đã bị cấm - PV), càng gióng lên hồi chuông báo động về sự tràn lan trong quảng cáo các sản phẩm TPCN thông qua đội ngũ nhân viên y tế.
Cần quản lý nghiêm ngặt
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, những tháng gần đây cơ quan này phát hiện rất nhiều website quảng cáo TPCN có sai phạm, song khi kiểm tra thì các cơ sở cung cấp các sản phẩm TPCN đó đều cho rằng không biết ai đã thực hiện quảng cáo này. “Với những cơ sở vi phạm quảng cáo về TPCN đã được xác minh rõ ràng như vậy, việc xử phạt và yêu cầu cơ sở khắc phục hành vi sai phạm sẽ dễ dàng. Song với những quảng cáo sai phạm mà không xác định được chủ thể đã quảng cáo thì việc xử lý, xử phạt khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí là không xử phạt được”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, DN được quyền quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, song phải có sự kiểm duyệt về nội dung của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, ngoài ra cũng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ văn bản, hồ sơ giấy phép Giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo maket quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp. Chỉ chuyển tải thông tin về công dụng của sản phẩm đã được cấp phép, tránh việc nói theo ý muốn chủ quan của DN, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.
Chấn chỉnh thực trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt về lĩnh vực quảng cáo, tăng cường tổ chức thanh kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm, nhất là trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; yêu cầu các cơ quan chuyên môn về y tế thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; phối hợp tích cực với Bộ, ngành, hiệp hội liên quan rà soát và dẹp “loạn” quảng cáo kiểu thổi phồng sản phẩm.
Kim Lý