“Điên đầu” với quảng cáo, rao vặt trên điện thoại

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong thế giới phẳng, ngoài việc mua bán hàng hóa, nhu yếu phẩm, còn một loại “hàng hóa đặc biệt” là thông tin của người dân cũng được rao bán, đổi chác qua lại. Đối tượng “tiêu thụ” loại hàng đặc biệt này là các cá nhân, công ty kinh doanh, dịch vụ… Trong khi, nhiều người tiêu dùng lại chưa quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân nên đã vô tình “phơi mình” trên mạng.

“Điên đầu” với quảng cáo, rao vặt trên điện thoại - ảnh 1
Một quảng cáo rao bán thông tin của người dùng-được cho là các “khách hàng tiềm năng” của các công ty, đơn vị bán hàng, kinh doanh dịch vụ Ảnh: int

Lộ bí mật chỉ từ một… dấu chấm?
Trong số báo 28 ra ngày 13/7/2022, báo Phụ nữ Thủ đô đã phản ánh trường hợp của gia đình chị Vũ Thị Thu Thủy ở Hà Nội bỗng dưng bị một đối tượng lạ mặt gọi điện tới liên tục khủng bố phải trả nợ mua hàng trả góp thay cho người thân đã chết cách đây 2 năm mà không đưa ra bất kỳ giấy tờ chứng minh nào. Đối tượng còn lần ra cả địa chỉ công ty nơi mẹ chị làm việc để dọa sẽ bôi nhọ danh dự mẹ chị tại công ty.

Sau khi hiện tượng trên bị báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh, chị Thủy cho biết, đối tượng “lặn mất tăm” cũng nhanh hệt như lúc gọi điện đòi nợ. Song, qua sự việc này, chị nhận thấy thông tin về gia đình mình đã bị lộ lọt khiến đối tượng lừa đảo nắm được để thực hiện hành vi lừa đảo. Chị suy đoán, có thể nguyên nhân từ việc chị đã tham gia bình luận trên các trang mạng xã hội. 

“Trước sự việc này, tôi cũng đã từng gặp rắc rối với các cuộc gọi điện chèo kéo bán hàng. Là một giáo viên tiếng Anh, khi đọc được một bài viết về việc cần thuê gia sư dạy tiếng Anh đăng trên mạng xã hội. Vốn cẩn thận và hiểu việc để lại thông tin cá nhân trên mạng xã hội sẽ có nhiều hệ lụy, tôi chỉ đánh một dấu chấm trong phần bình luận nhằm mục đích lưu lại bài viết đó”- chị Thủy cho biết.

 Ấy vậy nhưng, chỉ từ một dấu chấm tưởng chừng vô hại, không biết bằng cách nào, từ những ngày sau, hàng loạt công ty gia sư biết chị có nhu cầu đang tìm việc làm. Sau đó, họ đã lần ra số điện thoại và liên tục gọi điện tới mời chào tuyển dụng. Quá bức xúc vì bị làm phiền, chị Thủy đã viết bài trên facebook cá nhân để thuật lại sự việc và cảnh báo những người khác thận trọng khi lưu lại “vết tích” trên mạng xã hội.

Theo một nhân viên của một công ty kinh doanh, việc tìm kiếm thông tin khách hàng bây giờ rất dễ dàng. Chẳng hạn, có một cách nhanh và ít tốn kém là tải các phần mềm quét các số điện thoại miễn phí trên các diễn đàn, trang web như “AK...”. Công ty bất động sản, môi giới… muốn tìm khách hàng đang có nhu cầu cho thuê/bán hay mua nhà đất, căn hộ chung cư thì vào diễn đàn mua bán nhà đất; trung tâm gia sư muốn tìm học sinh thì vào các trang về học tập, diễn đàn của các cha mẹ.

Muốn bán bỉm, sữa thì vào các diễn đàn mẹ và bé để tìm kiếm khách. Sau đó, người dùng chỉ cần chạy phần mềm, dán website cần thu thập thông tin và thiết lập điều kiện lọc (lọc theo đầu số hoặc tất cả) là có thể quét số điện thoại từ website, diễn đàn đó. Hay có phần mềm “Uh…” thì có thể giúp thống kê để theo dõi khách hàng và để lại số điện thoại.

Nếu muốn thu thập thêm số điện thoại khách hàng chỉ truy cập nhưng không để lại số điện thoại, người dùng cần trả phí để sử dụng là 500.000 đồng/ năm. Thậm chí có phần mềm như “Mobile…” còn quảng cáo lấy được cả số điện thoại từ các khách hàng truy cập website thông qua các thiết bị di động, địa chỉ IP, số lần truy cập website, thời gian truy cập… với chi phí từ 2-10 triệu đồng.

Rao bán thông tin cá nhân như... bán rau
Cùng với phần mềm quét thông tin, nhiều công ty kinh doanh lại chọn cách mua đứt dữ liệu khách hàng. Vì vậy mà thị trường mua bán dữ liệu diễn ra khá nhộn nhịp, thậm chí là công khai.

Hiện nay, không khó để có thể tiếp cận các trang rao bán bộ dữ liệu khách hàng vì mục đích lợi nhuận. Chẳng hạn, trên trang web “danhsach…”, bên bán công khai quảng cáo chuyên “cung cấp danh sách khách hàng tiềm năng tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển vượt mặt đối thủ một cách nhanh chóng. Đây là những khách hàng có khả năng mua hàng, mua sản phẩm cho doanh nghiệp”.

Trang web còn phân loại sẵn các data khách hàng như: Khách hàng ngân hàng, khách hàng là phụ huynh học sinh, khách hàng xe hơi, khách hàng tiềm năng ngành bất động sản, chứng khoán… để người mua chọn lựa đúng và trúng đối tượng khách hàng cần… “tấn công”. Chỉ cần gọi điện theo số điện thoại của bên bán là sẽ có người gọi lại và giao dịch sẽ bắt đầu. 

Sau khi nắm được các data khách hàng này, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh sẽ cho các nhân viên chia nhau gọi điện cho khách hàng, gửi tin nhắn, email… quảng bá, chào mời sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm. Chưa hết, nhiều người dùng còn nghi ngờ có sự móc ngoặc hay trao đổi danh sách khách hàng giữa các cửa hàng điện máy, siêu thị… với các công ty kinh doanh bên ngoài.

Chẳng thế mà khách hàng vừa mua máy lọc nước, điều hòa, bỉm, sữa… ở cửa hàng nhưng ngay sau đó đã có đơn vị khác gọi điện tới giới thiệu dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa, mời tham gia hội thảo dành cho mẹ và bé… 

 Mới đây, vào ngày 8/7/2022, trên một diễn đàn trực tuyến đã xảy ra việc rao bán dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng, được thu thập từ website về giáo dục, kèm theo mẫu dữ liệu là thông tin của một số giáo viên và học sinh ở Việt Nam. Việc này đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, rà soát. Kết quả kiểm tra, xác minh ban đầu từ các mẫu dữ liệu (do người rao bán chia sẻ) thông qua dung lượng dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, trường dữ liệu, độ chính xác dữ liệu, và logic sắp xếp dữ liệu cho thấy nguồn dữ liệu này khác với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục do Bộ GD-ĐT quản lý. “Thở phào” vì hệ thống thông tin của mình chưa bị lộ lọt.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã phải lên tiếng cảnh báo và lưu ý các doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp các dịch vụ ứng dụng CNTT cho ngành giáo dục như: Hệ thống học trực tuyến, hệ thống thi trực tuyền, hệ thống quản lý trực tuyến chủ động rà quét, kiểm tra và khắc phục các lỗ hổng về bảo mật (nếu có) để đảm bảo an toàn cho các hệ thống dịch vụ. 

Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, văn phòng Luật sư Chính pháp, quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân và trở thành một nguyên tắc hiến định ở nước ta trong xu hướng bảo vệ quyền con người trên thế giới. Trong đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chính quyền vào cuộc, vi phạm vẫn tồn tại?

Chính quyền vào cuộc, vi phạm vẫn tồn tại?

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga ở số 13 Hàng Đào, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phản ánh việc một hộ dân ở cùng số nhà, thuê căn hộ của Nhà nước nhưng tự ý cơi nới, trổ thêm ban công, làm thêm tầng… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân xung quanh. Mặc dù chính quyền sở tại đã vào cuộc, song đến nay vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Phụ huynh học sinh nộp đơn tố giác tập thể

Phụ huynh học sinh nộp đơn tố giác tập thể

(PNTĐ) -Liên tục trên 3 số báo 8, 9, 10 ra vào các ngày 22/2/2023; 1/3/2023 và 8/3/2023, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có loạt bài phản ánh Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders thu tiền học phí của học sinh nhưng không dạy học, nợ lương, không đóng bảo hiểm cho nhiều giáo viên trong thời gian dài.
Kỳ 3: Bưng bít thông tin khủng hoảng, có dấu hiệu lừa đảo?

Kỳ 3: Bưng bít thông tin khủng hoảng, có dấu hiệu lừa đảo?

(PNTĐ) -Khẳng định luôn đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, nhưng những gì mà hệ thống Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders đang làm lại chứng minh điều ngược lại. Tiếp tục tìm hiểu sự việc, chúng tôi nhận thấy, Trung tâm này có dấu hiệu lừa đảo, cố tình dụ dỗ cha mẹ học sinh nộp tiền học phí ngay giữa lúc đang xảy ra khủng hoảng và chuẩn bị đóng cửa hàng loạt cơ sở.
Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương

Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô số 08 ra ngày 22/2/2023 đã đăng bài “Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders: Thu tiền học nhưng… không dạy học”, phản ánh sự việc trung tâm này đã thu tiền học phí của học viên nhưng không dạy học, cắt đứt liên lạc. Sau bài báo, Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều giáo viên nước ngoài, tố cáo họ cũng đang bị trung tâm này nợ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tiền lương, khiến cuộc sống rơi vào cảnh kiệt quệ.
Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương

Nhiều giáo viên kiệt quệ vì bị nợ lương

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô số 08 ra ngày 22/2/2023 đã đăng bài “Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders: Thu tiền học nhưng… không dạy học”, phản ánh sự việc trung tâm tiếng Anh Apax Leaders thu tiền học phí của học viên nhưng không dạy học, cắt đứt liên lạc. Sau bài báo, Báo tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều giáo viên nước ngoài, khẳng định họ cũng đang bị trung tâm này nợ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tiền lương khiến cuộc sống rơi vào cảnh kiệt quệ.