“Gỡ khó” trong bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng
(PNTĐ) - Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do chế độ bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khác với Luật Đất đai 2013 và các quy định trước đó. Đặc biệt là các trường hợp hỗ trợ bị giảm về không đồng (0 đồng), chênh lệch trên cùng dự án, gây bức xúc trong nhân dân.

Toàn thành phố hiện có tới hơn 1.000 dự án dở dang, thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013, phần diện tích còn lại sẽ thực hiện theo Luật Đất đai 2024. Trong đó, có dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường tỉnh 414 đi qua địa bàn các xã thuộc thị xã Sơn Tây đang có ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Cử tri tổ 5, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây phản ánh, từ tháng 4/2023, các hộ trong diện thu hồi đất đã được Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng thị xã kiểm đếm. Đến ngày 15/4/2024, các hộ được nhận dự thảo chi tiết về phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Theo đó, các hộ đều không có ý kiến, kiến nghị gì, và chưa thấy thực hiện chi trả bồi thường hỗ trợ. Ngày 2/12/2024, một số hộ lại nhận được bản dự thảo bồi thường hỗ trợ với mức “0 đồng”.
Trong buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND TP Hà Nội, cử tri xã Xuân Khanh đã nêu ý kiến và đề nghị cấp có thẩm quyền giải đáp, đồng thời cử tri nêu ý kiến không đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ “0 đồng” và đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hộ dân.
Tìm hiểu, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô được biết, Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 414 đi qua địa bàn xã Xuân Khanh và Thanh Mỹ, đã có 523/786 hộ gia đình, cá nhân được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; còn 263 hộ chưa được bồi thường. Đa phần các hộ bị thu hồi đất nằm trong hành lang giao thông nên không được bồi thường về đất mà chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất (không hợp pháp) với các tỷ lệ, được áp dụng tùy theo thời điểm xây dựng (áp dụng theo Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội).
Tuy nhiên, thực hiện Luật Đất đai năm 2024, tại Điều 105 quy định, trường hợp tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Cùng với Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ, Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND ngày 6/9/2024 của UBND TP Hà Nội không có quy định về hỗ trợ đối với nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng không hợp pháp.
Như vậy, các hộ chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thực hiện dự án đường tỉnh 414 nêu trên sẽ không được hỗ trợ công trình xây dựng.
Không chỉ với dự án đường tỉnh 414 mà việc thực hiện các dự án trong thời gian giao thời giữa áp dụng Luật Đất đai năm 2024 và Luật Đất đai 2013 cũng gặp khó khăn khi chế độ bồi thường hỗ trợ khác nhau khiến người dân có đất và tài sản thu hồi trên cùng một tuyến đường có phản ứng. Trên địa bàn thành phố, nhiều dự án thông báo thu hồi đất đã quá 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2024, không thuộc trường hợp chuyển tiếp cũng phát sinh vướng mắc.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây Phan Thị Minh Hạnh, việc áp dụng theo quy định mới này đang gây bất cập, do trong cùng một dự án mà chính sách bồi thường, hỗ trợ không đồng nhất. Để gỡ khó, cuối năm 2024, UBND thị xã Sơn Tây đã báo cáo UBND TP Hà Nội và đề xuất Thành phố cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ cũ (theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội).
Theo báo cáo cuối năm 2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.000 dự án đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai năm 2013 và tiếp tục thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024.
Hy vọng, Thành phố sớm có quy định gỡ vướng, hỗ trợ người dân trong thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án chuyển tiếp giữa việc thực hiện Luật Đất đai năm 2024 với Luật Đất đai năm 2013 và các quy định pháp luật để có sự đồng bộ, thống nhất trong cùng một dự án.