Hà Nội: Nhiều bãi cát, sỏi không phép ngang nhiên tồn tại

Chia sẻ

Hiện nay, dọc hai bên bờ các sông Công, Đuống, Cà Lồ… trên địa phận huyện Đông Anh và huyện Sóc Sơn vẫn có các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông hoạt động không phép. Điều này gây ảnh hưởng đến bảo vệ hành lang đê, kè và tiềm ẩn nạn khai thác trái phép cát sỏi lòng sông, gây bức xúc trong nhân dân, cần được xử lý dứt điểm.

Nhiều bến bãi không phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Tại huyện Sóc Sơn, khảo sát thực tế tại địa bàn xã Trung Giã, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô ghi nhận các bãi chứa cát, sỏi ven sông Công vẫn chất đầy cát mặc dù đang vào mùa mưa bão, theo quy định các bãi này không được hoạt động.

Theo bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn thừa nhận, toàn huyện có 9 bãi chứa, trung chuyển cát sỏi hoạt động không phép nằm trên địa bàn các xã Kim Lũ, Bắc Phú, Xuân Giang...

Còn tại Đông Anh, toàn huyện có 16/21 bãi tập kết vật liệu xây dựng ven các sông Hồng, Đuống, Cà Lồ hoạt động với tổng diện tích 149.580m2 đất sản xuất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý, đều đã hết hạn hợp đồng cho thuê.

Lý giải về việc tồn tại vi phạm ngang nhiên vẫn diễn ra, bà Lê Thị Hải cho rằng, hiện một số bãi chứa, trung chuyển cát sỏi tồn tại mang tính lịch sử. Chẳng hạn ở xã Trung Giã từ năm 1971 đã có công trường khai thác cát sỏi sông Công và HTX cát, sỏi Đa Phúc. Khi thực hiện Nghị định 64/CP, ngày 27/9/1993 về quy định giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, các hộ dân này không được giao đất để sản xuất nông nghiệp, không có nghề gì khác mà chỉ kinh doanh cát, sỏi, nên khi chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đây cũng là khó khăn chung trong việc xử lý dứt điểm các bến bãi chứa cát sỏi không phép ở nhiều địa bàn thuộc huyện Sóc Sơn và Đông Anh. Hơn nữa, các con sông là ranh giới hành chính giữa các tỉnh khác nơi vẫn cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp khai thác cát sỏi nên khi bị lực lượng chức năng của hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn phát hiện, đối tượng vi phạm lại “rẽ sang” địa bàn tỉnh bạn để trốn tránh.

Bãi trung chuyển cát sỏi ven sông Công thuộc địa phận xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn vẫn đang hoạt độngBãi trung chuyển cát sỏi ven sông Công thuộc địa phận xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn vẫn đang hoạt động

Sẽ thu hồi, cưỡng chế diện tích đất sử dụng trái phép

Hàng năm, UBND huyện Đông Anh và Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc xử lý khai thác cát, sỏi, bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn. Đồng thời, đã xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, bến thuỷ nội địa. Lực lượng công an các huyện vẫn thường xuyên tuần tra, xử lý đối với các vi phạm. Tuy nhiên, các bến bãi không phép chỉ tạm dừng hoạt động một thời gian ngắn cũng như sau xử phạt, nhiều hộ dân lại tiếp tục tái phạm.

Thượng tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn đề nghị chính quyền các địa phương cần kiên quyết giải tỏa dứt điểm các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, góp phần ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông.

Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Môi trường, Công an huyện Đông Anh cũng cho biết, từ tháng 12/2020 đến nay, Công an huyện đã bắt giữ, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị UBND huyện trình UBND Thành phố xử phạt 3 trường hợp khai thác cát không phép 100 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 1 trường hợp. Đồng thời, Công an huyện đã kiến nghị UBND Huyện chỉ đạo UBND các xã nằm ven các sông Hồng, Cà Lồ, Đuống, giải tỏa dứt điểm, thu hồi diện tích đất bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng làm bãi chứa vật liệu trái phép; cưỡng chế phá dỡ bến thủy nội địa không phép, ngăn chặn các tàu, thuyền cập bến, vận chuyển cát, sỏi lên bãi.

Ngày 30/3/2021, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm về pháp luật đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý, thu hồi diện tích đất bị sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

HOÀNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.