Hàng trăm công nhân môi trường bị nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội

Chia sẻ

Từ tháng 6-7/2020 đến nay, hàng trăm công nhân môi trường ở quận Nam Từ Liêm trở thành "chủ nợ bất đắc dĩ" khi bị công ty Minh Quân nợ lương. Đáng nói, công ty này vẫn tiếp tục trúng thầu ở quận Hà Đông với cái tên mới - Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội, nhưng vẫn không trả lương cho người lao động.

Bị nợ lương, người lao công rơi vào khốn cùng

Lao công Nguyễn Thị Hoa cùng chồng là Phạm Hữu Sót, quê ở tỉnh Bắc Kạn gửi con ở quê xuống Hà Nội làm công nhân thu gom rác cho công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân. Bà Hoa chia sẻ: Ngày nào, tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng, 5 giờ đã có mặt tại điểm làm đến 15 giờ chiều, về nghỉ rồi lại đi làm tiếp ca tối. Vợ chồng tôi đều làm quần quật suốt ngày đêm (mỗi người làm 2 ca) để kiếm tiền trang trải cuộc sống và gửi tiền về cho 2 con ăn học. Vậy mà chúng tôi bị nợ lương từ tháng 6-12/2020.

Những ngày tháng đi làm vắt kiệt sức mà không có tiền. Thậm chí, vợ chồng bà còn bị chủ nhà không cho thuê tiếp, phải chuyển từ nhà trọ chật hẹp ra lều tạm bợ. Hai vợ chồng bà cũng không gửi được tiền về quê nuôi con. Sự vất vả hiện lên gương mặt đầy khắc khổ của vợ chồng người lao công dù cả hai mới 51 tuổi mà nom già sọm như 65-70 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Hoa và ông Phạm Hữu Sót nhận một phần tiền lương của mình bị công ty nợ từ tháng 6 đến tháng 12/2020Bà Nguyễn Thị Hoa và ông Phạm Hữu Sót nhận một phần tiền lương của mình bị công ty nợ từ tháng 6 đến tháng 12/2020 (Ảnh: Vân Nga)

Còn bà Nguyễn Thị Sơn (60 tuổi) cùng chồng hàng ngày cũng lặn lội đi hơn 60km (hai lượt đi về) từ xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ đến quận Nam Từ Liêm thu gom rác. Từ khi bị thành "chủ nợ bất đắc dĩ", gia đình bà rơi vào cảnh khốn khó, phải vay mượn để sống qua ngày. Cùng cảnh bị nợ, chị Doãn Thị Cam (40 tuổi) ở Đan Phượng, đơn thân nuôi con đang vừa phải nợ tiền nhà thuê, vừa phải mượn tiền để đóng học cho con. “Chúng tôi úp mặt vào rác từ 3h chiều đến 10h đêm, nhiều hôm chờ xe rác đến 11-12h đêm mới được về, tiền công chỉ được 174.000 đồng/ngày, vậy mà vẫn bị công ty nợ” - chị Cam nói. Cơ cực nữa là nhà bà Lương Thị Hoa ở tổ 15 phường Cầu Diễn có tới 3 nhân lực làm cho công ty Minh Quân. Hồi tháng 4/2020, chồng bà bị tai biến, chi phí chữa trị tốn kém, bà vẫn tranh thủ vừa chăm chồng, vừa đi dọn rác. Vậy mà công ty không trả lương khiến cả gia đình rơi vào kiệt quệ…

Chị Doãn Thị Cam ở Đan Phượng làm công nhân thu gom rác ở địa bàn Cầu Diễn, quận Nam Từ LiêmChị Doãn Thị Cam ở Đan Phượng làm công nhân thu gom rác ở địa bàn Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (Ảnh: H.N)

Đó chỉ là một vài trường hợp trong số gần 80 công nhân thuộc các tổ Tây Mỗ, Cầu Diễn, Đại Mỗ đang kêu cứu. Hiện tại, mặc dù công ty Minh Quân đã chấm đứt hợp đồng với các công nhân môi trường quận Nam Từ Liêm từ 31/12/2020, song số lương nợ từ tháng 6 đến hết tháng 12/2020 vẫn chưa được thanh toán cho công nhân.

Chị Nguyễn Thị Phương -  Tổ trưởng Tổ Môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm)Chị Nguyễn Thị Phương - Tổ trưởng Tổ Môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) (Ảnh: Vân Nga)

Chị Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) khẳng định: Tất cả công nhân đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có đến hơn 50% công nhân đều có vợ, chồng hay con, cháu làm việc cùng nên khi bị nợ lương thì cả nhà cùng rơi vào bế tắc. Cực chẳng đã, kêu nhiều lần công ty hứa hẹn rồi thất hứa nên chúng tôi mới phải gửi đơn” - chị Phương cho biết.

Ngoài lương, nhiều công nhân còn không được công ty đóng tiền BHXH tháng 12/2020. Để chốt sổ và chuyển công ty khác, nhiều công nhân đã phải tự đóng tiền và đề nghị công ty hoàn trả số tiền đó. Chị Doãn Thị Cam đã phải chi 1,8 triệu đồng (1,6 triệu đồng tiền BHXH và 200.000 đồng tiền dịch vụ) để đóng tháng 12/2020 để chốt sổ.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Theo bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) quận Hà Đông, UBND quận Hà Đông giao Phòng LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu giải quyết theo quy định. Các thành viên liên ngành quận Hà Đông đã làm việc với công ty và người lao động, qua đó thống nhất phương án giải quyết, việc trả lương cho người lao động là trách nhiệm của Công ty CP tập đoàn Nam Hà Nội. Theo đó, Công ty sẽ trả hơn 1,8 tỷ đồng trong 2 đợt, trả trước 500 triệu đồng (ngày 18 và 19/6/2021); số tiền còn lại trả trước ngày 10/7/2021. Nếu sau ngày 10/7/2021, Công ty không trả số tiền nợ lương cho người lao động thì tập thể người lao động sẽ gửi đơn ra Tòa án để giải quyết.

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Bích, đại diện Công ty CP tập đoàn Nam Hà Nội cho biết, một trong những lý do gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với người lao động là do Công ty Minh Quân chưa được chủ đầu tư quận Nam Từ Liêm ký phụ lục hợp đồng khối lượng rác thải năm 2020 và duy trì ngõ xóm giai đoạn 2017-2020 phát sinh ngoài hợp đồng đã ký với Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Nam Từ Liêm số tiền hơn 38 tỷ đồng (chủ đầu tư đã thanh toán trên 11 tỷ vận chuyển rác). 

Chiều 19/6/2021, với sự chứng kiến của đại diện Sở LĐTB&XH cùng phòng LĐTB&XH Quận, Liên đoàn Lao động quận Hà Đông và các phóng viên, Công ty CP tập đoàn Nam Hà Nội đã trao trả 500 triệu đồng cho 46 công nhân môi trường quận Nam Từ Liêm, mỗi người được 1-2 tháng lương. Bà Trần Thị Bích cho biết, Công ty đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để trả lương cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trước và đến ngày 10/7, công ty sẽ trả nốt 1,365 tỷ đồng cho công nhân 2 tổ Tây Mỗ và Cầu Diễn.

Tại văn bản số 4829/UBND-LĐTBXH do bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông ký ngày 19/6/2021, UBND quận gửi Sở LĐTB&XH Hà Nội nêu, tình hình nợ lương công nhân đối với 13 tổ công nhân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là hơn 3,4 tỷ đồng. Theo đó, lộ trình chi trả của Công ty ngoài hơn 1,8 tỷ đồng cho 52 công nhân có đơn trên, công ty cũng đã cam kết thanh toán dứt điểm số tiền nợ còn lại của công nhân quận Nam Từ Liêm (khoảng 1,6 tỷ đồng) trong tháng 7/2021.

Phải trả cả phần lãi của phần lương chậm trả

Theo luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội, đối chiếu với các quy định pháp luật về lao động hiện hành, Công ty Minh Quân (nay là Công ty CP tập đoàn Nam Hà Nội) nợ lương người lao động (NLĐ) từ thời điểm tháng 6/2020 đến nay đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trả lương. Do đó, ngoài khoản lương chưa trả cho NLĐ, doanh nghiệp (DN) này sẽ phải trả cả phần lãi của phần lương chậm trả. Việc tính lãi chậm lương toàn bộ sẽ được áp dụng theo mức lãi của ngân hàng mà DN mở tài khoản trả lương cho NLĐ.

Căn cứ vào quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm việc chậm trả lương cho NLĐ, Công ty Minh Quân sẽ bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền (tối đa lên đến 50 triệu đồng) theo khoản 1, Điều 3 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, DN có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung theo khoản 2, Điều 3 của Nghị định 28, nhẹ nhất là tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 1-3 tháng hoặc từ 6-12 tháng; nặng có thể tịch thu Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc đình chỉ việc thực hiện hợp đồng cung ứng lao động có thời hạn từ 1-3 tháng hoặc từ 3-6 tháng hoặc từ 6-12 tháng…

Luật sư Khuyên cho biết, mặc dù Công ty Minh Quân đã đổi tên thành Công ty CP tập đoàn Nam Hà Nội, song việc đổi tên hay bán lại cổ phần cho công ty khác cũng không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của DN.

Trong trường hợp các cổ đông Công ty Minh Quân bán lại toàn bộ cổ phần thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần thì các cổ đông mới thụ hưởng toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của Công ty Minh Quân.

Việc các cổ đông chuyển nhượng vốn góp và có các thỏa thuận về trách nhiệm như các bên đã nêu sẽ thực hiện theo phương thức cá nhân hoàn lại cho công ty theo những gì đã thỏa thuận.

Trong sự việc này, ngoài trách nhiệm của Công ty Minh Quân, còn có trách nhiệm của một số bên liên quan khác. Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.

VÂN NGA - HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

(PNTĐ) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007, và tiếp tục được bổ sung nhiều điều khoản trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau. Điển hình mới đây clip một nam DJ đánh người vợ trẻ mới sinh con được 5 tháng, đã gây căm phẫn cho dư luận.
Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

(PNTĐ) - Khi giá nhà đất và chung cư ở nội thành tăng cao, làn sóng đầu tư bất động sản chuyển hướng về vùng ven các huyện ngoại thành khiến giá đất tại đây đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư để lướt lại rơi vào tình cảnh rao bán không ai mua. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền đầu tư đất khu vực này.