Khói độc “bao vây” người dân đến bao giờ?
PNTĐ-Bất kể đêm hay ngày, những cột khói cuồn cuộn nhả ra ở khu vực ga Cổ Loa, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.
Bất kể đêm hay ngày, những cột khói cuồn cuộn nhả ra từ những ống khói tại các cơ sở sản xuất gỗ dán, tái chế phế liệu, đúc phôi thép, chiết xuất dầu ở khu vực ga Cổ Loa, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.
![]() |
Khung cảnh bên trong một doanh nghiệp sản xuất thép tại khu vực ga Cổ Loa |
Người dân khốn khổ vì ô nhiễm
Trên địa bàn thôn Trung, xã Việt Hùng từ nhiều năm nay tồn tại 23 cơ sở sản xuất tập trung ở các địa điểm Bãi Thó, Lò Vôi, Bãi Than, đặc biệt là khu vực ga Cổ Loa, hoạt động có nhiều dấu hiệu vi phạm về việc sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó có 17 cơ sở thuê lại đất của 3 công ty được thành phố cấp phép cho thuê đất nông nghiệp của UBND xã Việt Hùng để sản xuất kinh doanh là Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy Bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh; Công ty CP dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh; Công ty CP sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI; 6 cơ sở còn lại được xây dựng trên đất nông nghiệp thuê của UBND xã Việt Hùng đều thiếu cơ sở pháp lý.
Theo phản ánh của người dân, từ năm 2016 trở lại đây, hoạt động xả khói của các cơ sở sản xuất này chủ yếu vào khoảng 17h chiều hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thậm chí có thể diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Chị Hồ Thị Thoa, số nhà 77 đường Đức Nội, xã Việt Hùng cho biết, trước đây, khu vực này không khí trong lành. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, hàng chục cơ sở hoạt động sản xuất đã gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Trong đó, những nhà ở mặt đường Đức Nội, xã Việt Hùng phải hứng chịu nặng nề nhất. Các hộ dân ở số nhà 77, 79, 81 phải làm cửa kính kín mít, đóng cửa suốt ngày đêm bởi chỉ cần mở cửa ra là khói bụi bám lên đồ đạc đen kịt. “Bản thân tôi thường xuyên hít phải khói bụi ô nhiễm nên bị tức ngực, khó thở. Nhiều trẻ em trên địa bàn mắc bệnh về hô hấp. Người dân đã phản ánh tình trạng ô nhiễm trên tới chính quyền từ cuối năm 2016 nhưng chưa được giải quyết” – chị Thoa nói.
Thừa nhận vi phạm nhưng xử lý còn chậm?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết, cuối năm 2016, xã đã nhận được phản ánh của người dân thôn Trung về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tháng 5/2017, UBND xã Việt Hùng đã thành lập đoàn kiểm tra về tài nguyên môi trường, an ninh trật tự với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Việt Hùng. Qua đó xác định 3 công ty kể trên đã tự ý tách đất cho 17 cơ sở sản xuất, xây nhà xưởng không giấy phép, sai mục đích, không có hồ sơ bảo đảm môi trường.
Sau đó, UBND huyện Đông Anh cũng đã ra nhiều thông báo về việc kiểm tra về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường đối với 3 công ty đã được thành phố cho thuê đất. Cụ thể là Chi nhánh Công ty CP đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy Bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh tự ý cho 7 tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng để sản xuất, xây nhà xưởng sản xuất không có giấy phép xây dựng, việc xả thải vượt quy chuẩn từ 1,5 đến 3 lần vi phạm về môi trường.
Năm 2017 và 2018, UBND huyện Đông Anh đã quyết định xử phạt hành chính, đơn vị này đã nộp tiền phạt nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Công ty CP dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh, dù toàn bộ diện tích đất được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 để sản xuất vật liệu xây dựng gốm sứ nhưng công ty này tự ý góp vốn, cho các nhà xưởng sản xuất khác thuê lại để sản xuất sắt thép tái chế và gỗ ván ép, ảnh hưởng môi trường là không đúng mục đích. Công ty CP sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI đã hết hạn hợp đồng, chưa làm thủ tục cho thuê đất. Chính quyền đang có kế hoạch kiểm tra và xử lý Công ty CP sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI trong tháng 7/2018.
Ông Nguyễn Lê Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Đông Anh cho biết thêm, UBND huyện đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã phải tổ chức lập hồ sơ xử lý và áp dụng giải tỏa các nhà xưởng sản xuất, công trình vi phạm xong trước ngày 20/7/2018, báo cáo kết quả việc xử lý gửi về Huyện trước ngày 25/7/2018.
“Nếu đồng chí Chủ tịch UBND xã Việt Hùng không thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các công trình vi phạm... thì UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân đồng chí Chủ tịch, các tập thể, cá nhân có liên quan” – ông Hiến nhấn mạnh. Ngày 2/7/2018, UBND huyện đã có Báo cáo số 253/BC-UBND đề nghị UBND thành phố thu hồi đất đối với 3 công ty nói trên để chấm dứt các sai phạm kéo dài tại xã Việt Hùng.
Cho đến thời điểm này, mặc dù chính quyền địa phương đã thừa nhận sai phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại khu vực ga Cổ Loa, thế nhưng người dân vẫn tiếp tục phải mòn mỏi chờ đợi từng ngày để được trả lại bầu không khí trong lành. Phải chăng, chính quyền xã này đã quá chậm trễ trong việc giải quyết dứt điểm hay cố tình làm ngơ để các doanh nghiệp làm bừa và rốt cuộc, hậu quả là người dân phải gánh chịu?
Hà My