Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hàng chục hộ dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế nhà lạnh bảo quản hoa xây dựng trên đất nông nghiệp. Các hộ dân ở đây mong muốn được cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ tạo điều kiện cho giữ lại những cơ sở thiết yếu nhất để được ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản hoa khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan - ảnh 1
Người dân làng hoa Tây Tựu lo lắng không biết lưu giữ, bảo quản hoa ở đâu khi nhà lạnh bị cưỡng chế.

Khó chồng thêm khó 

Cuối tháng 10/2024, UBND phường Tây Tựu tổ chức cưỡng chế hàng chục công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, trong đó có nhiều nhà lạnh bảo quản hoa và giống cây trồng của người dân làng nghề truyền thống. 

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, công tác cưỡng chế thực hiện theo đúng quy định pháp luật, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Bắc Từ Liêm chủ trì và chính quyền phường Tây Tựu trực tiếp thực hiện. “Mặc dù việc cưỡng chế sẽ gây khó khăn cho người dân làng nghề trồng hoa truyền thống trong việc bảo quản hoa và giống cây trồng. Tuy nhiên trước đó chính quyền địa phương đã ra thông báo để người dân có thời gian chuẩn bị, đồng thời việc xây dựng phải đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích…”, đại diện UBND phường Tây Tựu cho biết.

Đa số những công trình kho lạnh bị cưỡng chế nằm trên đường Trung Tựu, phường Tây Tựu. Khoảng 20 hộ gia đình sử dụng ruộng mà Nhà nước giao cho để làm kho lạnh bảo quản sản phẩm nông nghiệp và lều lán tạm. Hầu hết được làm tạm bợ, có thể di chuyển hoặc trả về nguyên trạng đất khi cần, xung quanh được rào chắn, che đậy bằng vật liệu tự nhiên. Mục đích chính của các công trình này là bảo quản hoa sau thu hoạch, củ - cây hoa trước khi được đem ra ruộng trồng, giúp người dân nâng cao năng suất kinh tế hơn rất nhiều so với phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết như trước kia.

Để phát triển kinh tế theo chính sách và định hướng của Nhà nước, nhiều hộ nông dân đã chủ động thay đổi cách thức, mô hình sản xuất để thích nghi với tình hình mới. Trong làng chật chội, khó di chuyển, nên nhiều hộ đã chủ động rời địa điểm giao thương ra phía rìa làng. Những thửa ruộng giáp đường được tận dụng một phần diện tích làm kho chứa, bảo quản, tiện vận chuyển, buôn bán. Việc thích nghi này vừa giúp phát triển kinh tế làng nghề, vừa góp phần giảm ách tắc giao thông ở khu vực trung tâm làng hoa. 

Người dân làng hoa Tây Tựu khẳng định: Làm hoa bắt buộc phải có kho lạnh thì mới phát triển được, không có kho lạnh thì sẽ rất khó cạnh tranh với những sản phẩm hoa từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyển ra hoặc hoa nhập khẩu từ nước ngoài. Năm nay do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, vùng trồng hoa Tây Tựu bị ngập úng khiến diện tích và sản lượng hoa bị giảm sút. Để kịp có hoa phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân nơi đây phải gấp rút nhập vật tư, giống cây trồng bảo quản tại nhà lạnh trước khi khẩn trương trồng ngoài ruộng. Ngoài ra, để có hoa phục vụ đúng dịp, việc bảo quản hoa trong nhà lạnh cũng rất quan trọng, nếu không hoa rất nhanh bị hỏng, người dân không dám thu hoạch…

Trong lúc đang gấp rút chuẩn bị hoa cho dịp Tết Nguyên đán thì người dân Tây Tựu nhận được thông báo cưỡng chế của chính quyền địa phương. Thiếu kho lạnh, nông dân làng hoa Tây Tựu sẽ gặp khó khăn lớn. Hoa nhanh héo, giảm chất lượng, khiến thu nhập giảm sút và tăng áp lực tài chính. Hệ lụy này không chỉ đe dọa nghề trồng hoa truyền thống mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

“Kho của tôi chứa số lượng rất nhiều củ giống hoa với giá trị rất lớn, hơn 1 tỷ đồng một kho. 3 anh em tôi chung với nhau có 3 kho. Hiện 3 anh em tôi đang làm tới 20 mẫu hoa, nên phải cần từ 3-5 cái kho lạnh để bảo quản củ giống. Mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho dân làng hoa chúng tôi để phát triển làng nghề Tây Tựu. Chuẩn bị Tết 2025 sắp đến, chúng tôi rất cần kho lạnh nên tha thiết các cấp các ngành giúp đỡ. Nếu mà phá dỡ kho lạnh, chúng tôi thực sự khó khăn. Mong rằng các cấp, các ngành sẽ lắng nghe được tiếng nói của người dân làng hoa”- ông Nguyễn Khắc Quân - người dân làng hoa Tây Tựu bày tỏ.

Một người dân khác trên địa bàn phường Tây Tựu cho biết thêm: “Kho lạnh rất cần thiết đối với người dân làng hoa chúng tôi. Kho lạnh thứ nhất là ươm củ giống ly - cây kinh tế rất cao, mang lại thu nhập nhiều tiền. Củ giống ly nhập từ nước ngoài phải có kho lạnh để ươm mầm. Thứ hai là hoa cắt về không kịp vụ cần có kho lạnh bảo quản hoa thì hoa tươi không bị thiệt hại kinh tế...”.

Gia đình anh Tự Ngọc Huỳnh đang trồng gần 10 mẫu hoa đồng tiền ở phường Tây Tựu hiện cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi nhận được thông báo cưỡng chế công trình nhà lạnh trên đất nông nghiệp của UBND phường. Anh Huỳnh chia sẻ: “Thu nhập của cả gia đình đều dựa vào những cây hoa. Sau cưỡng chế, hy vọng thời tiết không mưa nắng thất thường thì gia đình còn có thêm nhu nhập chứ không vừa mất công lại còn phải bù lỗ”.

mong sống tốt từ nghề truyền thống
Năm 2016, phường Tây Tựu đã được công nhận là làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu theo Quyết định số 7286/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Đây là vinh dự lớn đối với người dân phường Tây Tựu và cũng là niềm vui, niềm vinh dự của quận Bắc Từ Liêm. Cũng từ đó, người dân Tây Tựu đã không ngừng học hỏi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng hoa như: Đầu tư nhà kính theo tiêu chuẩn Nhật Bản, làm kho lạnh để bảo quản sản phẩm và giống; tìm tòi trồng nhiều giống hoa mới mà trước đây phải nhập khẩu và chỉ trồng phù hợp tại những địa phương có thời tiết phù hợp thì nay các giống hoa ấy đã được người dân Tây Tựu trồng đại trà trên vùng đất quê hương đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Trước đây hoa chỉ trồng có hai vụ là Thu Đông và Đông Xuân nhưng hiện nay người dân Tây Tựu đã trồng hoa cả bốn mùa và có hoa bán quanh năm. 

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan - ảnh 2
Nhiều công trình nhà lạnh của người dân làng hoa Tây Tựu bị cưỡng chế.

Để đảm bảo nghề trồng hoa phát triển bền vững, chính quyền phường Tây Tựu đã xây dựng nhiều giải pháp để bảo tồn làng hoa cũng như giải quyết việc làm cho nông dân khi không còn đất. Chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao. Phường Tây Tựu cũng vận động nhân dân chuyển một phần diện tích sang trồng các loại hoa chất lượng cao như hoa lan, ly, tuylip để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh những loài hoa truyền thống như hoa hồng, cúc, đồng tiền, nhiều giống mới cũng được trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao như hoa ly, hướng dương, hoa tulip, hoa đồng tiền, loa kèn…

Nghề trồng hoa đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Chính nhờ cây hoa mà thu nhập của người dân ở đây được nâng cao rõ rệt. Vùng ngoại thành này đã có nhiều thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng đã ngày một nhiều lên, bắt nhịp với sự phát triển của Thủ đô.

Tuy nhiên, quyết định cưỡng chế nhà lạnh bảo quản hoa, giống cây trồng của UBND phường Tây Tựu đang khiến người dân hoang mang, làm đơn gửi tới Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ ý kiến và đề xuất mong muốn của mình. Khi được hỏi về quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương, tất cả những hộ dân có nhà lạnh nằm trong diện cưỡng chế trên địa bàn phường Tây Tựu đều thừa nhận cơ quan chức năng đang làm đúng theo quy định pháp luật. Không ai phản đối về việc cưỡng chế, thậm chí họ còn sẵn sàng tự dỡ bỏ nếu Nhà nước có quyết định thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng. Người dân trồng hoa chỉ mong muốn chính quyền địa phương để người dân có thời gian sắp xếp, đồng thời hướng dẫn người dân phương pháp bảo quản hoa, giống cây hoa khi không có phòng lạnh.

Anh Tự Ngọc Huỳnh cho rằng: “Trên địa bàn có nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích làm nhà xưởng sửa chữa đồ cơ khí. Những công trình đó thì nên xử lý, cưỡng chế ngay, nhưng đối với những gia đình làm nhà lạnh, lán trại tạm bảo quản hoa để phục vụ sản xuất, phát triển nông nghiệp, chính quyền địa phương cần để cho người dân có thêm thời gian để chuẩn bị, chuyển đổi dần dần, nhất là khi dịp Tết đang tới gần nhu cầu thị trường đang rất cần hoa để đáp ứng”. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 44 ra ngày 30/10/2024 có bài “Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?” ghi nhận tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Đến nay, bạn đọc của Báo phản ánh, các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động rầm rộ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

(PNTĐ) - 14 năm trước, chợ Mai Lĩnh nằm bên đường Quốc lộ 6, gần cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông được đầu tư xây dựng, sau khi đưa vào sử dụng thì lại gặp phải hàng loạt những hạn chế, nhất là không thuận tiện cho việc mua bán của tiểu thương với người dân dẫn đến nhiều diện tích bỏ không, trong khi người dân lại thiếu chỗ họp chợ.
Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài viết Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình? đăng ngày 30/10/2024 về tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Bạn đọc tiếp tục phản ánh, các cơ sở vi phạm hiện đang hoạt động rầm rộ, khiến dư luận bức xúc bởi ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường.
Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

(PNTĐ) - Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (nay là đường Phạm Tu) đã được thông xe từ cuối tháng 1/2020. Sau hơn 4 năm, hạng mục cầu vượt vẫn chưa được thực hiện, dồn áp lực về nút giao đường Phạm Tu - đường Tỉnh lộ 70, biến nơi đây thành điểm đen về ùn tắc giao thông.