Mang yêu thương đến những người cùng cảnh nhiễm HIV
Vô tình nhiễm bệnh HIV/AIDS từ chồng, chị M.H.A (sinh năm 1977, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) đã dũng cảm đối mặt với căn bệnh thế kỷ, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đồng thời đứng ra thành lập nhóm Ban Mai nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ vượt qua nỗi đau có “H”
Gặp chị H.A vào một buổi sáng tại phiên chợ làng, với sự tươi tắn, tự tin trong giao tiếp, không ai nghĩ, đã có một thời gian chị sống cơ cực tưởng chừng không thể đứng dậy bởi sự kỳ thị và mặc cảm khi mang trong mình “án tử” HIV/AIDS. Chị cười, có được ngày hôm nay, chị đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua mặc cảm tự ti và giúp mọi người hiểu căn bệnh HIV/AIDS không quá đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ.
Năm 2005, chồng chị ốm nặng. Sau khi làm xét nghiệm, anh phát hiện mình nhiễm HIV/AIDS. “Tôi cũng nhiễm căn bệnh thế kỷ này từ chồng. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, tôi vô cùng sợ hãi. Đau khổ, sụp đổ, tôi không biết phải sống tiếp như thế nào…” - chị H.A trầm ngâm nhớ lại.
5 tháng sau, chồng chị qua đời. Ở tuổi 28, chị H.A đã thành goá phụ với một nách hai con nhỏ. Câu chuyện về việc vợ chồng chị H.A có “H” nhanh chóng lan nhanh khắp thôn làng, ngõ xóm. Ai cũng tỏ ra sợ hãi, xa lánh chị. Thậm chí, con trai út của chị 2 tuổi bị nhà trường từ chối nhận học vì lý do có bố mẹ nhiễm “H” và nhiều phụ huynh sợ cháu sẽ lây bệnh cho trẻ khác. “May mắn là hai con tôi không bị nhiễm “H”, nhưng tôi có giải thích thế nào cũng không ai tin. Họ bảo, chung sống với người có “H” thì trước sau gì cũng bị lây nhiễm” - chị H.A kể.
Một buổi tuyên truyền của nhóm Ban Mai Đông Anh (Ảnh: NVCC)
Trước búa rìu dư luận, chị H.A từng bị gục ngã. Thế nhưng, nghĩ đến hai đứa con thơ dại, chị lại cố gắng gượng dậy để làm lại cuộc đời. Chị bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh HIV/AIDS, về việc tại sao người ta lại sợ nó đến vậy? Chị tích cực tham gia các nhóm cộng đồng người nghi nhiễm HIV/AIDS để tìm kiếm sự đồng cảm và hỗ trợ. “Hồi ấy, thông tin về HIV/AIDS còn quá ít. Ai cũng truyền tai nhau việc bị nhiễm HIV là mang án tử, kiểu gì cũng chết, cùng lắm chỉ sống vài tháng hoặc vài năm…” - chị H.A kể.
Nhờ sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ và mong mỏi của người cùng cảnh ngộ tại địa phương, chị H.A đứng ra thành lập nhóm Ban Mai Đông Anh. Trong suốt quá trình hoạt động, nhóm Ban Mai Đông Anh đã hỗ trợ những phụ nữ sống chung với HIV lây từ chồng trên địa bàn huyện, động viên về tâm lý, cung cấp thông tin liên quan đến HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV, cùng đó là giới thiệu việc làm cho các thành viên trong nhóm…
Qua 16 năm, chị H.A luôn tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ thông tin, giúp mọi người hiểu hơn về HIV/AIDS, xóa bỏ ngăn cách giữa trẻ có H và những trẻ bị ảnh hưởng của H để các em có thể đến lớp như bao bạn bè khác. Đồng thời, chị còn vận động và giúp các thành viên trong nhóm tiếp cận dùng thuốc điều trị ARV theo Dự án thử nghiệm ngăn chặn sự phát triển của virus HIV và sức khoẻ ổn định theo chiều hướng tốt. Ngoài ra, nhóm còn hỗ trợ đỡ đầu cho trẻ em bị tổn thương là con của phụ nữ sống chung với HIV.
Để giúp các thành viên có điều kiện sinh kế, nhóm đã kết nối với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi gà thịt và gà ác, Sau đó, chị em tự tìm đầu ra với mục đích tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên trong nhóm. Nhiều chị em đã thoát nghèo từ nghề này. Hay trong năm 2021, nhờ sự tư vấn của chị, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư bán các đồ khô, thu nhập ổn định. Có chị em còn được hướng dẫn, giới thiệu việc làm tại một số công ty…
Hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhóm đã xin hỗ trợ về dinh dưỡng, lương thực thực phẩm cho hơn 100 trường hợp. Ngoài ra, nhóm cũng xin được 7 suất học bổng cho 7 em trị giá 2 triệu đồng/trẻ. Kết nối với các tổ chức cho các thành viên nòng cốt của nhóm trẻ vị thành niên có các buổi tập huấn để nâng cao năng lực cũng như kiến thức, giao lưu trao đổi kiến thức cho nhóm trẻ vị thành niên dưới sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ…
Với những người nhiễm “H” dám đối diện với sự thật và vượt qua sóng gió cuộc đời như chị H.A là tấm gương về nghị lực sống dù trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt nhất. Bỏ lại phía sau sự tự ti, mặc cảm, họ đã góp sức cùng cộng đồng làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng chính câu chuyện thật của đời mình. Chị H.A cười: “Giờ mọi người đã hiểu hơn về căn bệnh HIV/AIDS và con đường lây nhiễm bệnh nên không còn kỳ thị nhiều như trước. Nhưng tôi vẫn hy vọng các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức, cách nhìn của cộng đồng về người nhiễm “H” để họ vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống”.
HỒNG NHUNG