Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 21B: Khó hẹn ngày “về đích“?

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thành phố đang triển khai cải tạo mở rộng, nâng cấp đường 21B gồm nhiều dự án thành phần khác nhau. Trong đó, đoạn qua huyện Thanh Oai dài 16,4km có 4 gói thầu với thời hạn cuối năm 2024 hoàn thành, nhưng đến nay có nguy cơ chưa có ngày hẹn “về đích”.

Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 21B: Khó hẹn ngày “về đích“? - ảnh 1
Tuyến Quốc lộ 21B đi qua huyện Thanh Oai đang thi công dở dang.

 Quốc lộ 21B là tuyến đường “huyết mạch” dài 42km kết nối trung tâm Hà Nội với các huyện phía Nam (từ Hà Đông đi Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức và điểm cuối là thành phố Tam Điệp, tỉnh Hà Nam). 

Dự án chậm hoàn thành, người dân đi lại khó khăn
Là người hằng ngày đi qua tuyến Quốc lộ 21B, chị Nguyễn Thị Tình đi từ chợ Cháy, xã Trung Tú, huyện Ứng Hoà ra phố Khương Trung để bán rau củ quả. Ngày nào, chị Tình cũng đi dọc tuyến đường 21B hai chiều đi sáng, tối về.

Chị Tính phản ánh: “Trước đây đường hẹp, nhiều chỗ xuống cấp, người và phương tiện đông, mấy năm nay được thi công mở rộng, tôi rất phấn khởi vì có những đoạn đã làm xong đường rộng rãi, nhưng nhiều đoạn còn thi công dang dở khiến người đi đường chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã có nhiều người bị đổ xe khi qua đoạn lồi lõm”.

Ý kiến của chị Tình cũng là mong mỏi xác đáng của nhiều người dân thường xuyên đi qua tuyến Quốc lộ 21B. Trước đây, tuyến Quốc lộ 21B có mặt cắt ngang rất hẹp, chỉ từ 4-5m, trong khi lưu lượng phương tiện rất đông, trong đó nhiều xe trọng tải lớn lưu thông. Những năm trở lại đây, Hà Nội đã phê duyệt mở rộng, nâng cấp nhiều đoạn tuyến của Quốc lộ 21B qua các huyện Thanh Oai và Ứng Hòa lên 6 làn xe cơ giới. 

Đoạn đường Quốc lộ 21B qua địa bàn huyện Thanh Oai được UBND thành phố Hà Nội đầu tư 4 dự án nhằm nâng cấp, mở rộng tổng chiều dài 16,4km. Cụ thể, dự án 1 là đoạn qua thị trấn Kim Bài; dự án 2 đoạn từ nút giao đường tỉnh 427 đến thị trấn Kim Bài; dự án 3 từ xã Kim Thư đến ngã tư Vác (xã Dân Hòa); dự án 4 gồm 2 đoạn: Từ cầu Thạch Bích (xã Bích Hòa) đến đình Nội (xã Bình Minh) và từ ngã tư Vác (xã Dân Hòa) đến hết địa phận huyện Thanh Oai. Cả 4 dự án đã được khởi công triển khai từ 2-5 năm, nhưng đến nay, mới có dự án 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; còn lại 3 dự án vẫn đang thi công dở dang. Điều này khiến cho việc di chuyển qua lại của người dân gặp nhiều khó khăn. 

Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, dọc tuyến Quốc lộ 21B đoạn qua huyện Thanh Oai, ngày 20/11/2024, nhiều đoạn đường đã được mở rộng xen lẫn các đoạn còn đang “nút thắt cổ chai”, hay một số đoạn vừa có dấu hiệu đang thi công dở dang, vừa có những ngôi nhà “thò ra”, một số điểm còn có cột điện nằm ở phần đường đi cách nhà dân đến hơn 1m…

Vướng từ hồ sơ lưu trữ đến phải làm lại quy trình
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai thông tin, đến nay, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 24,2ha đất của 2.282 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; tổng số tiền đã chi trả hơn 120 tỷ đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đến nay, chưa giải phóng mặt bằng được diện tích đất của 648 hộ gia đình, cá nhân, trong đó chủ yếu liên quan đến đất ở. Cụ thể, đoạn từ tỉnh lộ 427 đến thị trấn Kim Bài vướng đất ở thuộc xã Bình Minh và Thanh Mai; đoạn từ thị trấn Kim Bài đến ngã tư Vác vướng đất ở xã Phương Trung, Dân Hòa có chiều dài khoảng 200m…

Hiện nay, các gói thầu qua huyện Thanh Oai đạt từ 80 - 95% giá trị hợp đồng, riêng đoạn từ Bình Minh đi cầu Thạch Bích và đoạn từ Dân Hoà đến hết địa phận huyện Thanh Oai đạt khoảng 50% giá trị hợp đồng.

Lý giải về việc chậm giải phóng mặt bằng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai Nguyễn Tuấn Khải cho biết: Nguyên nhân lớn nhất là do công tác quản lý đất đai ở các xã còn nhiều tồn tại từ những năm trước đến nay chưa được giải quyết. Ngay cả việc lưu trữ hồ sơ thông tin về đất, cán bộ địa chính các thời kỳ ở một số xã lại cập nhật không đầy đủ. Kể cả việc phối hợp giữa UBND các xã với các phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện cũng chưa chặt chẽ dẫn đến việc xác nhận nguồn gốc đất, đo đạc bản đồ giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian.

Cùng với việc thực hiện giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2024 mới được sửa đổi, phải thực hiện lại quy trình mới để xác nhận nguồn gốc đất, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Ngọc Tú cho hay, về bồi thường, hỗ trợ đất ở trong quá trình giải phóng mặt bằng cũng có nhiều chính sách thay đổi nên một số hộ gia đình chưa đồng thuận. 

Để gỡ vướng, năm 2024 UBND huyện Thanh Oai tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các xã có dự án đi qua phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị xây dựng có mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện rà soát lại kết quả giải phóng mặt bằng trước đây, ban hành quy trình giải phóng mặt bằng mới.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ các công việc để sớm có mặt bằng bàn giao cho đơn vị xây dựng thi công đường. 

Hy vọng huyện Thanh Oai sớm tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường có ý nghĩa lớn đối với không chỉ người dân địa phương nơi tuyến đường đi qua mà còn có giá trị kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

(PNTĐ) - Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (nay là đường Phạm Tu) đã được thông xe từ cuối tháng 1/2020. Sau hơn 4 năm, hạng mục cầu vượt vẫn chưa được thực hiện, dồn áp lực về nút giao đường Phạm Tu - đường Tỉnh lộ 70, biến nơi đây thành điểm đen về ùn tắc giao thông.
Sẽ cưỡng chế bàn giao mặt bằng thi công

Sẽ cưỡng chế bàn giao mặt bằng thi công

(PNTĐ) - Dự án Công viên Gia Lâm (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có diện tích hơn 13,8ha, khởi công từ tháng 6/2024, dự kiến hoàn thành trước 30/3/2025, nhưng đang có nguy cơ chậm tiến độ do 3 hộ thuê đất để sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Xử lý “nửa vời" vi phạm ở bãi tập kết than, cát

Xử lý “nửa vời" vi phạm ở bãi tập kết than, cát

(PNTĐ) - Liên quan đến vấn đề vi phạm trong sử dụng đất đai và tự ý thành lập bến, bãi trung chuyển cát, than, vật liệu xây dựng tại xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/6/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài: “Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia Lâm”. Gần đây, người dân tiếp tục phản ánh bãi than lại có dấu hiệu hoạt động trở lại.