Nghỉ không lương do Covid 19 rồi nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Chia sẻ

Trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là một trong các chế độ của Bảo hiểm thất nghiệp, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng Quỹ BHTN. Để được hưởng TCTN , người lao động cần đáp ứng các điều kiện nào? Khi nghỉ không hưởng lương do Covid-19, sau đó chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hưởng TCTN hay không?

Thứ nhất, về điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Người lao động (NLĐ) đang đóng hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ những điều kiện sau đây:

1. Đã tham gia đóng BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc, cụ thể:

- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn;

- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

2. Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Chết.

Người lao động đang đóng BHTN được xác định là NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

- NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương tại doanh nghiệp.

- NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng theo quy định pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại doanh nghiệp.

Như vậy, NLĐ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngoài thỏa mãn các điều kiện 1, 2, 3, 4 nêu trên cần đáp ứng điều kiện về “tháng liền kề”.

Nghỉ không lương do Covid 19 rồi nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp? - ảnh 1Ảnh minh họa

Lưu ý: Khoảng thời gian mà NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại doanh nghiệp mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì không được tính vào thời gian đóng BHTN để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ hai, nghỉ không hưởng lương do Covid-19, sau đó chấm dứt HĐLĐ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì:

Điều 42. Quản lý đối tượng

….

4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.[…]

Trong trường hợp NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng do Covid-19 thì tháng đó không đóng BHXH. Quy định trên chỉ đề cập đến BHXH mà không nêu rõ loại bảo hiểm; tuy nhiên, có thể hiểu rằng trong tháng đó, NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên thì doanh nghiệp sẽ không phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho NLĐ.

Riêng với BHYT, tham khảo Điểm 9.7 Mục 9 của Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 khi doanh nghiệp phát sinh giảm NLĐ tham gia bảo hiểm thì doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện thủ tục báo giảm lao động đến cơ quan BHXH để không đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT cho NLĐ trong tháng báo giảm. Trong trường hợp báo giảm chậm (sau ngày cuối cùng của tháng giảm), doanh nghiệp phải đóng BHYT của cả tháng giảm và tháng kế tiếp cho NLĐ.

Như vậy, trong trường hợp tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc do Covid-19 mà NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, sau đó nghỉ việc ngay thì NLĐ sẽ không đáp ứng điều kiện về “tháng liền kề” nêu trên để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

P. V

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.