Người dân “thờ ơ” với nước sạch?

Chia sẻ

PNTĐ-Mặc dù có quy mô lớn, vốn đầu tư xây dựng ban đầu không hề nhỏ nhưng 2 trạm cấp nước sạch tại hai xã Ninh Hiệp và Kim Lan, huyện Gia Lâm lại bị bỏ hoang nhiều năm qua.

 
Mặc dù có quy mô lớn, vốn đầu tư xây dựng ban đầu không hề nhỏ, rồi tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp sửa chữa tiêu tốn hàng chục tỷ đồng của Nhà nước nhưng 2 trạm cấp nước sạch tại hai xã Ninh Hiệp và Kim Lan, huyện Gia Lâm lại bị bỏ hoang nhiều năm qua. Nhiều người dân cho biết, họ đã tự đầu tư bể giếng khoan, hệ thống máy lọc nên không cần sử dụng đến nguồn nước của trạm.
 
Người dân “thờ ơ” với nước sạch? - ảnh 1
Một góc trạm cấp phát nước xã Kim Lan có nhiều hạng mục đã hoen gỉ.

Trạm cấp phát nước sạch đầu tư tiền tỉ để rồi bỏ không
 
Theo Quyết định số 6255/QĐ-UBND ngày 26/11/2014, Quyết định số 2106/QĐ – UBND ngày 5/4/2017, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước sạch xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm” bảo đảm hoạt động theo công suất thiết kế khoảng 3.300m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 47,2 tỷ đồng”; “Tiếp nhận, đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch xã Kim Lan”, huyện Gia Lâm tổng vốn đầu tư 34,688 tỷ đồng. 
 
Mặc dù sống cạnh công trình nước sạch đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng nhiều người dân vẫn không mặn mà sử dụng nguồn nước từ trạm. Giải thích nghịch lý này, chị Nguyễn Thị Nhuần, xã Ninh Hiệp cho biết: “Công trình nước sạch Ninh Hiệp chuyển nhượng đi chuyển nhượng lại mấy lần, nhiều năm bỏ hoang nên chúng tôi buộc phải khoan giếng để dùng. Trước khi trạm được nâng cấp để có nguồn nước sạch như hiện nay thì gia đình tôi đầu tư thêm công nghệ lọc, nguồn nước bảo đảm hơn nên chúng tôi không dùng nguồn nước của trạm”. 
 
Bên cạnh đó, việc nâng cấp, cải tạo cũng không được đồng bộ, nhiều hạng mục của công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ống bơm, ống dẫn nước nhiều chỗ còn bị han gỉ, bục, vỡ cũng là một lý do khiến người dân e ngại khi sử dụng nguồn nước của trạm.  Ông Trần Văn Hải, xã Kim Lan cho biết thêm: “Do đường ống nước đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra rò rỉ nên tỷ lệ thất thoát nước rất lớn. Nếu sử dụng nguồn nước này của trạm cũng không đảm bảo được lượng nước cho sinh hoạt. Mặt khác, chúng tôi lo ngại những cặn gỉ từ đường ống nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.”
 
Cần có giải pháp tháo gỡ cụ thể 
 
Ngày 15/1/2018, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải có văn bản số 01/2018/BC-Cty NH gửi UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội báo cáo tiến độ thực hiện tiếp nhận đầu tư cấp nước sạch xã Ninh Hiệp và Kim Lan, huyện Gia Lâm. Theo đó, đối với xã Ninh Hiệp, đã thi công xong 80% mạng dịch vụ các ngõ xóm, các hộ dân thôn từ 1 - 9 và các trung tâm thương mại trong xã. Có thể cấp nước cho 3.960/4.100 hộ nhưng thực tế mới co 1.150 hộ sử dụng nước.
 
Đối với dự án cấp nước sạch xã Kim Lan, đến nay đã có thể cấp cho 6/8 thôn trong xã (khoảng 1.350/1.800) hộ và khu trung tâm xã có mạng đường ống cấp nước đến cổng các hộ sử dụng nhưng mới có 810 hộ đăng ký lắp đặt sử dụng nước. Nguyên nhân được phía Công ty cho biết, là do trước đây dự án triển khai chậm (từ năm 2004 – 2012) vẫn chưa được cấp nước nên các hộ dân đã tự khoan giếng khai thác, xây dựng hệ thống bể lọc nên chưa chuyển sang dùng nước sạch tập trung. 
 
Về tình trạng xuống cấp của các hạng mục, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, phía công ty gặp một số khó khăn như chưa nhận được bàn giao mặt bằng xây dựng khu xử lý bùn lắng sau nhà máy tại dự án trạm cấp nước Ninh Hiệp. Trong khi đây là một hạng mục không thể thiếu trong hệ thống sản xuất nước sạch tập trung.
 
Theo chủ trương khi phê duyệt dự án, doanh nghiệp sẽ được Quỹ Đầu tư và Phát triển TP Hà Nội cho vay 60 – 80% tổng vốn, tuy nhiên doanh nghiệp chưa thể tiếp cận vay vốn ngân hàng hay các tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư thực hiện các dự án mà phải huy động từ khu vực tư nhân với lãi suất cao. Các ngân hàng đánh giá các dự án cấp nước kém hiệu quả, điều kiện thế chấp khó khăn, chưa đủ cơ sở pháp lý thế chấp cần thiết.
 
 Còn theo bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, ngày 24/7/2017 các sở lại có văn bản tạm dừng dự án, chờ thành phố quyết định phương án đầu tư. Chính quyền xã mong muốn nước được cấp đến các hộ dân để ổn định cuộc sống.
 
Như vậy, công trình được đầu tư nhiều tỷ đồng của Nhà nước, nhưng không được người dân ủng hộ là sự lãng phí nhiều năm nay. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục để doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện thực hiện đầu tư, nâng cấp, đảm bảo chất lượng và sản lượng nước theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Trong trường hợp các doanh nghiệp không có năng lực, đề nghị cơ quan chức năng lựa chọn doanh nghiệp đầu tư khác có đủ tiêu chuẩn để khai thác và vận hành trạm cấp nước. Trên thực tế hiện nay, 2 dự án khu vực huyện Gia Lâm, tỷ lệ các hộ sử dụng thấp, đề nghị chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để các hộ dân hiểu và chuyển sang sử dụng nước sạch, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
 
Hà My

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.