Nhanh hơn, rẻ hơn, tiện hơn
PNTĐ-Theo kế hoạch, vào tháng 4 tới, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông (tuyến ĐSĐT 2A) sẽ chính thức được vận hành và khai thác thương mại.
Đây là tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội, đánh dấu mốc quan trọng, mở đầu phương thức giao thông công cộng mới, hiện đại ở Hà Nội và được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc trên trục giao thông huyết mạch ở khu vực phía Tây thành phố (TP) vốn đang trong tình trạng đông đúc và quá tải phương tiện.
![]() |
Theo kế hoạch, chỉ ít ngày nữa tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác và vận hành thương mại |
Nhiều tuyến xe buýt phải điều chỉnh lộ trình
Tổng chiều dài toàn tuyến ĐSĐT 2A là 13,1km; tốc độ trung bình 35km/giờ, thời gian tàu chạy toàn tuyến chỉ chưa đầy 26 phút. Với tốc độ di chuyển như vậy, vào thời điểm này, khó có phương tiện vận tải công cộng nào có thể cạnh tranh và có sức hút hơn ĐSĐT. Chưa kể, năng lực vận chuyển của tuyến này rất lớn, với khoảng 10 nghìn người/giờ/hướng (tương đương với năng lực vận chuyển của hơn 100 xe buýt lớn/giờ/hướng). Tàu chạy từ 5giờ - 23giờ, kéo dài hơn so với giờ chạy của xe buýt (thường kết thúc vào 22giờ).
Đặc biệt, tại 12 nhà ga trên toàn tuyến có bố trí thiết bị như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên), thang bộ (chiều xuống) nên tuyến ĐSĐT 2A có khả năng phục vụ rất nhiều đối tượng hành khách khác nhau. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, khi đi vào hoạt động, tuyến ĐSĐT 2A có khả năng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại trên trục đường hoạt động chủ yếu của tuyến là đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) - Trần Phú (quận Hà Đông).
Là tuyến giao thông huyết mạch kết nối khu vực Tây Nam vào trung tâm TP, hiện tại, dọc hành lang tuyến ĐSĐT 2A đang có 43 tuyến xe buýt đang hoạt động (chiếm 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới). Mặc dù, có số lượng nhiều về đầu xe nhưng năng lực vận chuyển của các tuyến xe buýt thấp, không đa dạng về hướng kết nối.
Trên đoạn tuyến từ bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) về Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân) có 4 tuyến trùng với tuyến ĐSĐT 2A. Do đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội: Khi tuyến ĐSĐT 2A đi vào hoạt động, có nhiều tuyến xe buýt điều chỉnh lộ trình đảm bảo khai thác tối đa năng lực vận hành của tuyến đường sắt; giảm hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt. Trên trục dọc tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông, chỉ xem xét giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa đến các khu vực xa trung tâm.
Theo phương án điều chỉnh được Sở Giao thông Vận tải xây dựng, 3 tuyến trùng lộ trình với tuyến ĐSĐT 2A (02, 27, 33) chuyển thành tuyến ngang, có điểm kết nối với ĐSĐT 2A, cắt bỏ đoạn trùng trên tuyến. Tại ga Cát Linh, có 2 tuyến buýt (25 và 90) được điều chỉnh điểm đầu cuối. Đáng chú ý, trong năm 2019, Sở Giao thông Vận tải đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt mới nối bến xe Yên Nghĩa với các điểm ở 5 huyện ngoại thành Hà Nội. Việc điều chỉnh này không chỉ phù hợp thực tế mà còn tăng thêm năng lực vận chuyển cho ĐSĐT 2A, giúp việc đi lại của người dân thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Hành khách được phục vụ tốt nhất
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Việc tổ chức xe buýt kết nối tại các nhà ga đảm bảo thuận lợi để hành khách không phải đi bộ quá xa, cự ly trung chuyển giữa xe buýt và ĐSĐT 2A được đảm bảo là ngắn nhất. Như vậy, hạ tầng xe buýt kết nối được điều chỉnh. Có 12 cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 ga ĐSĐT 2A, 1 cặp điểm dừng xe buýt cách nhà ga ĐSĐT 200m. Trong đó, các tuyến buýt được điều chỉnh cắt bỏ đoạn lộ trình trùng với ĐSĐT 2A đều được kết nối trực tiếp đảm bảo hành khách chỉ phải chuyển tuyến 1 lần trong toàn bộ hành trình.
Về giá vé đi tàu, UBND TP đã thống nhất và đang lấy ý kiến người dân trước khi trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp bất thường sắp tới. TP dự kiến hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người cao tuổi. Cán bộ, nhân viên tại văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng tập thể được hỗ trợ 30%.
Có 3 loại giá vé: vé tháng là 200.000 đồng/người; vé ngày là 30.000 đồng (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày) và giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của khách với 2 mức: 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.
Cơ quan chức năng của TP khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng/lượt. Nếu được thông qua, giá vé này cao hơn xe buýt không nhiều, bù lại, người dân hưởng dịch vụ tốt hơn, rút ngắn thời gian đi lại theo tinh thần “tốc độ nhanh hơn xe máy, rẻ hơn… xe ôm” và phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Với những ưu điểm trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội hy vọng, ĐSĐT 2A sẽ thu hút đông đảo người dân sử dụng, góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong xã hội.
Thường xuyên phải di chuyển từ nhà ở quận Hà Đông đến cơ quan có trụ sở ở quận Hoàn Kiếm, anh Dương Quốc Anh ở khu đô thị An Phú háo hức chờ đợi để được đi làm bằng ĐSĐT. Tuy nhiên, điều khiến anh Quốc Anh băn khoăn là hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối đến ĐSĐT chưa hoàn chỉnh như điểm trông giữ xe máy, xe đạp dọc tuyến phố còn thiếu, nhất là khu vực nội đô; một số tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, xe buýt kết nối còn ít.
Vì vậy, anh Quốc Anh kiến nghị, cơ quan chức năng cần bố trí tuyến buýt kết nối, sử dụng xe buýt nhỏ chạy trong các con ngõ, phố; sớm bổ sung các điểm đỗ xe, trông giữ xe cho các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ôtô để đi ĐSĐT. Một vấn đề khác, ĐSĐT có thang máy dành riêng cho người khuyết tật nhưng hạ tầng giao thông phục vụ đi kèm chưa được quan tâm như vỉa hè của nhiều tuyến phố bị hàng quán chiếm dụng để kinh doanh khiến cho người khiếm thị, người đi xe lăn khó tham gia giao thông; một số khu vực có lát gạch dẫn đường cho người khiếm thị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn; thiếu các hệ thống chỉ dẫn lối sang đường… Vì thế, để hành khách sử dụng ĐSĐT được phục vụ tốt nhất thì những tồn tại này cần được các cơ quan chức năng khắc phục.
PV