Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc:

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp - ảnh 1
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Sáu gần 33 năm khai hoang, trồng trọt và sinh sống ổn định.

Một mét vuông đất ở bằng một bát phở

Năm 1991, bà Nguyễn Thị Sáu (59 tuổi) quê ở thôn Cây Chay, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai theo chồng là ông Nguyễn Văn Tư công nhân Công ty cổ phần chè Long Phú lên vùng đất mới (thôn Hòa Phú, xã Hòa Thạch) để khai hoang, trồng chè, lập nghiệp và dựng nhà an cư ở đây. Bà Sáu cho biết: “Khi rời quê đi, chúng tôi phải cắt 2 khẩu đất ruộng ở địa phương. Đến vùng kinh tế mới này chỉ toàn là đất đỏ, đồi hoang, nhiều bãi đào vàng bỏ lại hố trũng lô nhô. Chúng tôi phải mất rất nhiều ngày đêm san vỡ đất, xới đất lên, san phẳng lấy mặt bằng… bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống mới dựng lên căn nhà ở, trồng được những nương chè, vườn bưởi như ngày nay”. 

“33 năm nay, gia đình chúng tôi đã đông con, đông cháu thêm khi 2 con trai lập gia đình, còn 1 con trai cũng đến tuổi trưởng thành. Hiện chúng tôi đã có đến 3 nóc nhà, hàng chục người ở, vậy mà giờ đây dự án làm đường lấy đi toàn bộ nhà ở mà đền bù lại với giá gần như mất trắng. Chúng tôi phải đối diện với nguy cơ không còn chốn dung thân”- bà Sáu chia sẻ.

Phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng của gia đình bà Sáu hiện đang được dự thảo là không được tái định cư, toàn bộ nhà ở 250m2 và 250m2 đất vườn được tính giá đất là 35.000 đồng/m2, cùng với công trình trên đất, tổng đền bù hỗ trợ là 500 triệu đồng. Bà Sáu giãi bày: “Nếu chấp hành giao toàn bộ nhà ở mà nhận về số tiền đó thì chúng tôi chỉ có nước ra đường ở chứ làm sao mà mua được đất xây dựng nhà ở cho cả đại gia đình hàng chục người như thế này?! Chúng tôi mong được Nhà nước tính giá đền bù cho thỏa đáng, không gây thiệt thòi cho chúng tôi đến vậy”.

Cũng rơi vào cảnh suy sụp từ khi nhận thông tin về giá đền bù tiền đất nhà ở chỉ được 35.000 đồng/m2, vợ chồng bà Đỗ Thị Lý ở số 37, tổ 2 Tân Long, thôn Long Phú, xã Hòa Thạch đang ở căn nhà 2 tầng diện tích 50m2, nhà mặt đường rộng nên bà mở cửa hàng bán gạo. Theo phương án thu hồi đất, gia đình bà Lý có 50m2 đất ở và hơn 200m2 đất vườn, tất cả chỉ được 9 triệu đồng. “Chúng tôi xây nhà ở đây 22 năm nay, giờ nhà rơi vào diện phải thu hồi đất làm đường, dù rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước nhưng vẫn phải kiến nghị về giá đền bù quá thấp gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng tôi”.

Đại diện các hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai), ông Lê Anh Tuấn, thôn Long Phú, xã Hòa Thạch cho biết: “Dự thảo nêu rõ, tất cả các hộ dân có đất ở, đất trồng chè bị thu hồi đều chỉ được nhận tiền bồi thường chi phí đầu tư vào đất là 35.000 đồng/m2. Đặc biệt là không được giao đất tái định cư dù nhiều hộ thuộc diện thu hồi 100% diện tích đất ở. Như vậy là không bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân có đất thu hồi”.
Cần sớm tháo gỡ, đền bù thỏa đáng cho người dân
Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2, huyện Quốc Oai được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 9/4/2019. Điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 21A, xã Hòa Thạch, điểm cuối nối với đoạn đã được đầu tư thuộc xã Phú Cát. Dự án do UBND huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư. 

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp - ảnh 2
Ngôi nhà 2 tầng của gia đình bà Đỗ Thị Lý ở số 37, tổ 2 Tân Long, thôn Long Phú, xã Hòa Thạch. 

Để triển khai Dự án, huyện Quốc Oai phải thu hồi 101.052,4m2 đất. Đến nay, mới giải phóng mặt bằng được 6.824,1m2; còn 94.228,3m2 chưa giải phóng mặt bằng, trong đó diện tích lớn là 80.112,1m2 của 112 hộ ở 2 thôn Long Phú và Hòa Phú (xã Hòa Thạch) và 1 tổ chức. Nguyên nhân của việc chậm giải phóng mặt bằng chính là việc các hộ dân có đất bị thu hồi không đồng ý với dự thảo phương án bồi thường, đang kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

Lý giải về việc giá đền bù giải phóng mặt bằng vì sao lại được áp giá như vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết chính là do nguồn gốc đất. Căn cứ vào hồ sơ quản lý đất đai của Công ty cổ phần chè Long Phú, toàn bộ đất ở và đất trồng chè của các hộ dân đang sử dụng và canh tác là đất được công ty cho mượn. Điều này được thể hiện tại hợp đồng nhận khoán đất trồng chè, biên bản bàn giao mốc giới giữa Công ty cổ phần chè Long Phú với các hộ. Các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ” đất ở) và đất trồng chè mà sổ đỏ vẫn đứng tên Công ty cổ phần chè Long Phú. Chính vì vậy, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện chỉ tính “tiền bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại”, bồi thường, hỗ trợ cây cối, hoa màu, tài sản trên đất mà không được bồi thường về đất, và tái định cư khi thu hồi đất ở.

Công ty cổ phần Chè Long Phú có diện tích nằm trên địa giới hành chính 3 xã (Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát) của huyện Quốc Oai. Ngày 21/1/1994, Công ty được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 510,3275ha, gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất khu dân cư, đất chưa sử dụng, thời hạn sử dụng đất lâu dài. Năm 2008, công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt phương án cổ phần hóa, công ty tiếp tục quản lý, sử dụng 262,94ha đất và bàn giao cho địa phương quản lý 202,29ha. 

Điều đáng nói là, UBND Thành phố ban hành các quyết định thành lập thôn Hòa Phú và Long Phú (xã Hòa Thạch), Sở Nội vụ Hà Nội đã đề xuất về việc lập hồ sơ, thực hiện thủ tục bàn giao đất do Công ty chè Long Phú quản lý về cho 3 xã quản lý theo quy định. Nhưng, công ty mới bàn giao trên bản đồ, chưa bàn giao ngoài thực địa. Điều đó dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai và công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch Cấn Văn Thành, về mặt hồ sơ, tài liệu đất đai, Công ty chè Long Phú mới chỉ bàn giao bản đồ, sổ mục kê và 1.612 biên bản bàn giao mốc giới làm nhà trông chè và kinh tế hộ. Các tài liệu còn lại xã chưa được bàn giao nên việc xác định nguồn gốc đất, chủ thể sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Ngày 6/11/2018, UBND huyện Quốc Oai đã có Công văn số 2217/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đề nghị hướng dẫn việc công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất có nguồn gốc do Công ty cổ phần chè Long Phú giao cho các hộ dân. Ngày 28/1/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản số 723/STNMT-CQQLĐĐ trả lời. Mặc dù có các hướng dẫn của Sở song đến nay, việc cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa được thực hiện. 

Đại diện các hộ dân, ông Lê Anh Tuấn, thôn Long Phú kiến nghị việc lên phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở đây cần phải căn cứ vào những văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đề cập về việc giao đất. Cụ thể, tại Quyết định số 20/QĐ-UB ngày 28/1/1992 của UBND tỉnh Hà Tây về một số chính sách khuyến khích khai hoang, mở rộng diện tích trồng chè nêu rõ: “Mỗi hộ được giao bình quân 5.000m2 đất, trong đó được sử dụng 200m2 làm thổ cư”. Ngày 21/1/1994, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Công ty cổ phần Chè Long Phú, tổng diện tích 390,6923ha đất tại xã Hòa Thạch, trong đó có “11,5332ha đất khu dân cư”, thời hạn sử dụng lâu dài. Tại Quyết định số 2363/CVN/VD ngày 14/11/1988 của Liên hiệp các XNNCN chè Việt Nam ghi rõ: “Cho gia đình nhận đất trồng chè, trồng rừng được sử dụng 250m2 làm đất thổ cư”. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, việc chỉ căn cứ vào hợp đồng nhận khoán và biên bản bàn giao mốc giới giữa Công ty cổ phần Chè Long Phú với các hộ dân để khẳng định là đất ở, đất trồng chè do công ty cho các hộ dân mượn là chưa chính xác, khiến các hộ dân chưa đồng thuận. Đề nghị UBND huyện Quốc Oai và các đơn vị chức năng sớm giải quyết cho các hộ dân một cách thỏa đáng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

(PNTĐ) - Sau khi Báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh dấu hiệu quảng cáo sai sự thật liên quan sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu phân phối, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhãn hàng này lại tiếp tục “lột xác” để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh…
Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 44 ra ngày 30/10/2024 có bài “Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?” ghi nhận tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Đến nay, bạn đọc của Báo phản ánh, các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động rầm rộ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

(PNTĐ) - 14 năm trước, chợ Mai Lĩnh nằm bên đường Quốc lộ 6, gần cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông được đầu tư xây dựng, sau khi đưa vào sử dụng thì lại gặp phải hàng loạt những hạn chế, nhất là không thuận tiện cho việc mua bán của tiểu thương với người dân dẫn đến nhiều diện tích bỏ không, trong khi người dân lại thiếu chỗ họp chợ.
Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài viết Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình? đăng ngày 30/10/2024 về tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Bạn đọc tiếp tục phản ánh, các cơ sở vi phạm hiện đang hoạt động rầm rộ, khiến dư luận bức xúc bởi ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường.
Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

(PNTĐ) - Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (nay là đường Phạm Tu) đã được thông xe từ cuối tháng 1/2020. Sau hơn 4 năm, hạng mục cầu vượt vẫn chưa được thực hiện, dồn áp lực về nút giao đường Phạm Tu - đường Tỉnh lộ 70, biến nơi đây thành điểm đen về ùn tắc giao thông.