Nhiều lao động tự do chưa được nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19

Chia sẻ

Phản ánh tới báo Phụ nữ Thủ đô, nhiều nữ lao động di cư làm việc tự do ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết, đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã tạm lắng, chị em bắt đầu đi làm trở lại nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ để giảm bớt khó khăn do đại dịch.

Chị N, đến từ Nam Định, đang ở trọ tại phố Bạch Đằng cho biết, chị lên Hà Nội mưu sinh đã 10 năm. Chị làm đủ nghề để kiếm sống, từ lau dọn nhà cửa, phụ quán ăn, phụ hồ, chạy chợ, mua bán đồng nát...  mỗi tháng kiếm được khoảng 5 triệu đồng để nuôi thân, nuôi con và mẹ già hơn 80 tuổi ở quê. 2 năm qua, do dịch mà công việc của chị bị ảnh hưởng, thậm chí mất việc khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, chị cùng nhiều nữ lao động nhập cư trong khu trọ đã được hướng dẫn thủ tục để nhận hỗ trợ. “Tôi đã nộp giấy đề nghị chính quyền nơi thường trú xác nhận không hưởng chính sách hỗ trợ tại địa phương để nhận hỗ trợ tại địa bàn tạm trú (phường Chương Dương). Sau đó, tôi lại được hướng dẫn kê khai theo mẫu mới dành cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thay cho Giấy đề nghị nói trên. Sau hai lần hoàn tất các thủ tục, đến nay tôi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ”. Chia sẻ với phóng viên báo Phụ  nữ Thủ đô, chị N cho biết trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, chị em lao động nhập cư đã được nhiều tổ chức đoàn thể, chính quyền hỗ trợ nhu yếu phẩm, kinh phí… Tuy nhiên, chị vẫn mong được nhận trợ cấp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ vì số tiền đó sẽ hỗ trợ các chị phần nào trong lúc khó khăn.

Một số lao động nhập cư cho biết, họ đã kê khai nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủMột số lao động nhập cư cho biết, họ đã kê khai nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (Ảnh: NVCC)

Như chị N, nhiều chị em thuê trọ khác tại phường Chương Dương cũng phản ánh chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Chị N.T, quê Hưng Yên chia sẻ đã hai lần kê khai để nhận tiền hỗ trợ. Lần đầu chị kê khai ngay khi Nghị quyết 68 mới được ban hành. Khoảng 1 tháng trước, chị lại được hướng dẫn kê khai lại. “Được hướng dẫn làm thủ tục gì, chúng tôi đều thực hiện đầy đủ nhưng vẫn không biết mình có được nhận hỗ trợ hay không?” - các chị băn khoăn.

Làm việc với báo Phụ nữ Thủ đô, bà Phan Thu Hà, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm - cho biết, trên địa bàn quận hiện có trên 2.600 lao động tự do đến ở trọ, làm việc. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó quy định 6 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ không quy định rõ các nhóm đối tượng nên các địa phương còn gặp lúng túng trong thời gian đầu triển khai. Ngày 21/7/2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Quyết định này nêu rõ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) là đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Việc làm, làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021 với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng. Đây là căn cứ để Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận triển khai việc hỗ trợ lao động tự do. Trong đó, người bán hàng rong, trà đá vỉa hè… là những đối tượng phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội được xét duyệt hưởng hỗ trợ trước.

Theo bà Hà, liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có 6 văn bản hướng dẫn liên quan đến việc hỗ trợ cho lao động tự do, trong đó có 2 văn bản hướng dẫn giảm các thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện. Theo đó, các địa bàn đã dừng việc yêu cầu lao động tự do phải xin Giấy đề nghị tại nơi thường trú. Thay vào đó, địa phương nơi tạm trú có trách nhiệm gửi thông báo tới địa phương thường trú của người lao động tự do về việc người lao động tự do đã được hưởng trợ cấp. Về cơ bản, sau khi có hướng dẫn này, việc triển khai hỗ trợ lao động tự do trên địa bàn quận không còn nhiều vướng mắc liên quan đến các thủ tục, xét duyệt hồ sơ.

Tuy nhiên, ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP, trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19. Theo Nghị quyết 126, người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp sẽ được hưởng mức hỗ trợ 3 triệu đồng, cao hơn mức hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội (1,5 triệu đồng/người). Do có sự chênh lệch giữa các mức hỗ trợ như vậy nên việc chi trả cho các đối tượng lao động tự do trên địa bàn quận đang phải tạm dừng để đợi văn bản hướng dẫn của Thành phố.

Theo bà Hà, tính đến nay, quận Hoàn Kiếm đã chi trả hỗ trợ cho 59 trường hợp là các nữ lao động tự do/121 trường hợp được chi trả trong tổng số 2.600 hồ sơ. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp được nhận tiền hỗ trợ thuộc phường Phúc Tân và một số phường khác trên địa bàn. Bà Hà cho biết, thời gian vừa qua, phường Chương Dương bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19. Đây là nguyên nhân khách quan khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do trên địa bàn phường gặp khó khăn và tiến độ chậm hơn các phường khác.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...