Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ
(PNTĐ) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007, và tiếp tục được bổ sung nhiều điều khoản trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau. Điển hình mới đây clip một nam DJ đánh người vợ trẻ mới sinh con được 5 tháng, đã gây căm phẫn cho dư luận.

Ngày 10/4, mạng xã hội dậy sóng khi đoạn clip bạo lực gia đình (BLGĐ) được một người phụ nữ chia sẻ lên trang cá nhân facebook. Người này cho biết bị chồng đánh đập dù mới sinh con được 5 tháng. Hành vi của người đàn ông trong clip - được cho là của nam DJ Ximen lập tức gây phẫn nộ dư luận. Nam DJ này dù đã tỏ ra ăn năn khi làm việc với cơ quan chức năng, người vợ trẻ đã đồng ý tha thứ. Tuy nhiên, căn cứ pháp luật, hành vi của nam DJ đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Nam DJ đánh vợ giải thích lý do đánh vợ là do vợ chồng trẻ nhiều áp lực, đủ thứ tích tụ lâu ngày không được giải tỏa nên cuối cùng bùng lên thành một cuộc ầm ĩ ngoài ý muốn. Lý do này một lần nữa gây bức xúc, bởi không thể lấy lý do “áp lực cuộc sống”, “vợ chồng còn yêu nhau”, hay “con còn nhỏ” để bao biện cho hành vi đánh đập người bạn đời.
Tại Việt Nam, số vụ liên quan đến bạo lực gia đình luôn có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, có 3.240 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực thân thể là hình thức phổ biến nhất, tiếp đến là bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Trong số các nạn nhân, có 82,3% là nữ giới. Tuy số vụ bạo lực có giảm nhẹ, nhưng bạo lực gia đình vẫn diễn ra một cách bí mật, trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bởi trên thực tế, nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, vì cho rằng đó là chuyện bình thường, xấu chàng hổ ai. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.

TS.LS Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, BLGĐ, đặc biệt khi người bị bạo hành là phụ nữ vừa mới sinh con, đang trong giai đoạn yếu ớt cả về thể chất lẫn tinh thần. Hành vi này phá vỡ mối quan hệ vợ chồng, gây tổn thương nghiêm trọng cho thể chất, tinh thần của người phụ nữ, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý phát triển của đứa trẻ trong gia đình.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp hành vi bạo hành của người chồng được xác định là cố ý gây thương tích, hoặc đối xử tàn nhẫn với vợ thì người chồng này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 hoặc Điều 185 bộ Luật Hình sự. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người chồng này đã có hành vi đối xử tồi tệ, hoặc có những hành vi bạo lực xâm phạm đến thân thể của vợ mà chưa đến mức bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích thì sẽ bị xử lý hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ vợ theo Điều 185 Bộ luật Hình sự với hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không gian giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo luật sư Cường, khi mâu thuẫn xảy ra, vợ chồng phải bình tĩnh cùng nhau tìm ra nguyên nhân, cùng chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau thì mới giải quyết được mâu thuẫn, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Tuyệt đối không dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, đánh vợ hay đánh nhau giữa vợ chồng không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm mâu thuẫn trở nên trầm trọng, đó còn là hành vi vi phạm pháp luật làm cho hôn nhân tan vỡ và người trong cuộc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Còn ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia về Giới chia sẻ, bạo lực gia đình không phải tự nhiên mà có. Nhiều người gây bạo lực từng là nạn nhân trong quá khứ hoặc lớn lên trong môi trường bạo lực. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm, chúng ta cũng cần hỗ trợ người gây bạo lực thay đổi nhận thức và hành vi, để chấm dứt bạo lực từ “nguồn phát”. “Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, vì vậy nếu bạn đang chứng kiến hay biết đến một trường hợp bạo lực - đừng im lặng. Một lời động viên, một tin nhắn hỏi han, một cuộc gọi báo tin... cũng có thể cứu được một người”- ông Đồng nói.