Hà Nội:

Những con đường xuống cấp “hành dân”

CÔNG NGỌC - VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tình trạng nhiều tuyến đường bị xuống cấp, xuất hiện các ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và mất mỹ quan đô thị hiện đang diễn ra tại nhiều khu vực trong nội đô TP Hà Nội. Đồng thời gây bức xúc cho người dân sống gần những con đường xuống cấp này.

Những con đường xuống cấp “hành dân” - ảnh 1
Đoạn đường đang có dấu hiệu xuống cấp gây nguy hiểm tại khu vực gần trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) Ảnh: C.N

Những con đường “quá khổ” vì xuống cấp
Trên con phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), tại khu vực tiếp giáp với đường Giải Phóng dù chỉ kéo dài hơn 1km nhưng con đường này lại đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của những người dân xung quanh. 

Mỗi ngày, con đường dân sinh này phải “cõng” rất nhiều lượt xe cộ đi qua khiến cho mặt đường nơi đây ngày càng bị hư hỏng một cách nặng nề. Trên mặt đường có nhiều chỗ bị bong tróc thành từng mảng lớn, ổ voi, ổ gà xuất hiện hàng loạt khiến người dân luôn cảm thấy bất an mỗi khi đi qua nơi đây. 

Ông Lê Hữu Bắc - người dân sống trên con phố Định Công cho biết: “Tình trạng đường bị hư hỏng, sụt lún tại đây đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Nguyên nhân ngoài việc hằng ngày có rất nhiều phương tiện có trọng tải lớn đi qua khiến mặt đường xuống cấp còn đến từ việc các đơn vị sau khi thi công các công trình ngầm chỉ san lấp qua loa, trộn nhựa với sỏi đá phủ lên. Sau một thời gian thì đâu lại vào đó, thậm chí nhiều chỗ còn tạo ra những khe rãnh lớn trên mặt đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông”. 

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô trên con phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), đoạn đường từ khu vực Thụy Khuê - Văn Cao đến đường Bưởi cũng xuất hiện hàng trăm miếng vá lớn nhỏ cùng hệ thống hố ga, cống thoát nước chằng chịt, có chỗ bị khoét sâu tạo thành hố rãnh. 

Không chỉ vậy, nhiều khu vực còn đang trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt của các hộ dân gây ô nhiễm mỗi trường, mất mỹ quan đô thị. 

Ông Châu - người dân sống trên phố Thụy Khuê cho biết: “Vào những giờ cao điểm, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc vì mặt đường xấu nên các phương tiện phải di chuyển chậm. Những hôm trời mưa to làm ảnh hưởng tới tầm nhìn, nhiều người nếu không để ý sẽ rất dễ xảy ra tai nạn”.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, tại khu vực đường Hoàng Ngân từ đường Hoàng Minh Giám vào đến đường Hoàng Đạo Thúy (đoạn cắt qua đường Nguyễn Xuân Linh). Theo phản ánh của người dân, một đoạn đường đi qua trường THCS Trần Duy Hưng đang có dấu hiệu xuống cấp, mặt đường gập ghềnh sỏi đá, lộ rõ con lươn trên đường, đã có nhiều trường hợp các cháu học sinh bị ngã mỗi khi đi qua khu vực này. 

Đường trở thành những chiếc “bẫy” nguy hiểm 
Tuyến đường giao thông từ cầu Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đến địa phận phường Kiến Hưng, quận Hà Đông nhiều năm nay đã tham gia vào giảm tải ùn tắc cho Quốc lộ 70 với mật độ xe cộ rất đông. Tuy nhiên, hiện đoạn qua thôn Hữu Lê đã xuống cấp và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến hàng nghìn người và phương tiện đi qua mỗi ngày đều gặp khó khăn.

Những con đường xuống cấp “hành dân” - ảnh 2
Đoạn đường nhiều ổ voi, gập ghềnh trước cổng nhà văn hóa thôn Hữu Lê 
Ảnh H.V

Hơn 9 năm nay, chị Nguyễn Thị Tâm nhà ở khu đô thị Kiến Hưng đến cơ quan ở đường Giải Phóng, hàng ngày đi qua tuyến đường từ thôn Mậu Lương qua thôn Hữu Lê (chạy dọc sông Tô Lịch), đây là đoạn đường “khổ ải” nhất bởi nó liên tục trong tình trạng gập ghềnh ổ voi, ổ gà và tắc đường. Hễ trời nắng thì bụi tung mù mịt, trời mưa thì vũng to vũng nhỏ, nhiều đoạn phải đi trên cống, vỉa hè.

Chị Tâm cho hay, có những ngày chị bị kẹt cứng ở đoạn đường chừng 1km này đến cả tiếng đồng hồ. Khoảng 2 năm nay, đoạn đường “khổ ải” này càng trở nên xuống cấp. Không chỉ chị Tâm, mà đoạn đường này vẫn là lối đi không thể tránh của hàng trăm, hàng nghìn lượt người và phương tiện giao thông. 

Còn đối với người dân thôn Hữu Lê thì đây đúng là đoạn đường ô nhiễm nặng. Anh Nguyễn H.H ở xóm 2 cho biết: Không ai khổ bằng chúng tôi ở đây. Hằng ngày người già người trẻ, trẻ nhỏ đang sống ở nhà hai bên đường đều phải hít bụi, hứng bẩn, phải chứng kiến nhiều vụ va quệt, ngã xe, sụt bánh xe xuống hố, ổ voi, ổ gà… cả những người dân nơi đây cũng không ít lần bị ngã, thậm chí đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Trải nghiệm qua đoạn đường này vào ngày mưa, phóng viên nhận thấy, những ổ voi, ổ gà như những "chiếc bẫy" choán gần hết mặt đường, một số ổ có độ sâu hơn nửa bánh xe máy, rộng hàng chục mét vuông, đá, gạch vá trên mặt đường lổn nhổn. Các phương tiện giao thông di chuyển đoạn đường này đều phải giảm tốc độ, khéo léo lách, lượn, tránh nhau sao cho vững tay lái mà an toàn đi qua.

Theo phản ánh của nhiều người dân trong khu vực, tuyến đường này được dự kiến nâng cấp toàn tuyến nhưng hiện mới hoàn thành được một đoạn từ khu vực đầu tuyến đoạn tiếp giáp với quận Hà Đông đến gần trường Tiểu học Hữu Hòa 2. Đoạn đường “khổ ải” này thuộc đường liên xã qua thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì bắt đầu từ chân cầu Hữu Hòa 2 (phía xã Hữu Hòa) và kéo dài đến phố Mậu Lương, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông có chiều dài khoảng 1 km.

Quan sát từ phía cầu Hữu Hòa 2, có biển cấm xe tải chuyên chở 1,5 tấn di chuyển trong các khung giờ từ 6h-9h và từ 16h-19h nhưng người dân phản ánh, vào các giờ cao điểm đó, vẫn có xe tải đi qua. Hơn nữa, nằm trên đoạn đường này còn có nhà văn hóa thôn và đình làng đều là nơi mà người dân địa phương thường xuyên đến sinh hoạt, có trường tiểu học, nơi hàng trăm học sinh đến trường mỗi ngày…

Từ năm 2015, khi các khu đô thị Xa La, khu đô thị Kiến Hưng (quận Hà Đông) và khu chung cư Đại Thanh, Bệnh viện K - cơ sở ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đi vào hoạt động đã khiến đường Phan Trọng Tuệ (Quốc lộ 70) trở nên quá tải, thường xuyên tắc nghẽn. Từ đó đến nay, đoạn đường liên xã chạy qua thôn Hữu Lê đã trở thành đường tránh, mỗi ngày phải “gánh” lượng phương tiện lớn.

Theo người dân cho biết, tuyến đường liên xã thôn Hữu Lê đã có dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, đã triển khai được một phần nhưng hiện đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đoạn đường “khổ ải” này vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

Được biết, những năm qua, để khắc phục những bất cập tại tuyến đường giao thông liên xã Hữu Hòa này, Công an huyện Thanh Trì và UBND xã Hữu Hòa hằng ngày đã bố trí cán bộ ứng trực, xử lý các tình huống phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, ngày 26/10/2018, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định số 7348/QĐ-UBND phê duyệt dự án (DA) cải tạo, nâng cấp 1,2km đường giao thông Hữu Hòa với tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng. Tuyến đường được xây dựng với các hạng mục: Mở rộng mặt đường từ 5-7m thành 12m, xây dựng hệ thống cống tiêu thoát nước, lắp đặt điện chiếu sáng. 

Tuy nhiên, đến nay đoạn đường này vẫn được gọi là “khổ vẫn hoàn khổ”. Không chỉ người dân địa phương mà cả những người thường xuyên đi lại qua tuyến này đều mong mỏi đường được sửa chữa, nâng cấp.

Cần sớm cải tạo, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường
Liên quan đến tình trạng con đường trên phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) bị xuống cấp, hư hỏng gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, trước đó phường đã lên danh sách thống kê các tuyến đường trên địa bàn bị xuống cấp để đề xuất lên UBND quận Hoàng Mai tiến hành tu sửa. 

“Tính đến nay, một số khu vực trên địa bàn như phố Định Công Hạ, Định Công Thượng đã được đầu tư, cải tạo sửa chữa mặt đường để người dân có thể an tâm tham gia giao thông. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khu vực nằm trong dự án quy hoạch mở rộng đường và phải xử lý bằng vốn Nhà nước nên công tác nâng cấp ở nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, ban lãnh đạo UBND phường Định Công sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm phương án để sớm trả lại cho người dân địa phương một con đường an toàn, bằng phẳng” - bà Phượng cho biết. 

Anh Lê Anh Dũng, thành viên Hội Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc các tuyến đường trong nội đô bị xuống cấp một cách trầm trọng trong một khoảng thời gian ngắn là do các phương tiện quá tải, quá khổ hằng ngày vẫn lưu thông trên các con đường dân sinh. Vì khi các phương tiện quá tải hoạt động liên tục sẽ phá vỡ kết cấu mặt đường, tạo ra các vết nứt, ổ gà, ổ voi gây nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công các công trình ngầm dưới lòng đất như hạ ngầm cáp điện, đường ống nước sau thi thực hiện xong phải hoàn trả lại mặt đường một cách nguyên vẹn và đúng chất lượng. Nếu không mặt đường sẽ nhanh xuống cấp và hư hỏng.

Như vậy, để giải quyết tình trạng này, rất cần các cơ quan, đơn vị chức năng sớm có những phương án cải tạo, nâng cấp các tuyến đương đang bị hư hỏng nặng nề. Đặc biệt, cần phải xử lý nghiêm, xem xét trách nhiệm các đơn vị thi công cố tình không hoàn trả mặt đường hoặc hoàn trả cẩu thả, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân. Cùng với đó là phải kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng xe quá tải đang hoạt động thường xuyên trên các tuyến đường này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.