Hà Nội:

Phố có đèn đường nhưng luôn chìm trong bóng tối

Bài và ảnh: NGỌC PHẠM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mặc dù đã được đầu tư xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng ở hai bên đường, tuy nhiên tại một số tuyến phố trong nội thành Hà Nội lại đang chìm trong bóng tối khiến việc di chuyển, đi lại của người dân mỗi khi qua đây gặp nhiều khó khăn.

Phố có đèn đường nhưng luôn chìm trong bóng tối - ảnh 1
Đèn đường có cũng như không tại tuyến đường Phạm Văn Đồng

Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, trên con phố Phạm Văn Đồng, đoạn đường từ Mai Dịch - cầu Thăng Long dù cho mỗi chiều đã được thiết kế tới sáu làn xe theo tiêu chuẩn đường đô thị.  Nhưng đến khi được thông đường để đi vào hoạt động, một trong những tuyến đường giao thông đẹp nhất nhì của Thủ đô Hà Nội lại đang bị bóng tối bao phủ do hệ thống đèn điện hai bên không đủ chiếu sáng. Đặc biệt, con đường này thường xuyên xuất hiện những xe có tải trọng lớn, xe khách, xe con rất đông đi qua nên việc mất an toàn giao thông và an ninh trật tự luôn thường trực tại nơi đây. 

Vào những khoảng thời gian trời “nhập nhèm” tối, cả khu vực đường Phạm Văn Đồng chỉ xuất hiện những “đốm sáng” đến từ đèn tín hiệu giao thông và ánh sáng đến từ các phương tiện đang lưu thông trên đường. Chính vì vậy, một số ngôi nhà ở đây đã tự lắp thêm thiết bị chiếu sáng và những nhà hàng, quán ăn phải thuê thêm bảo vệ để đảm bảo an ninh. 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến sống ở khu vực này cho biết, việc đèn đường không được sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian có thể thực hiện những hành vi phạm pháp, trời tối như thế này thì camera cũng trở nên mất tác dụng. Ánh sáng nơi đây hầu hết là do những quán ăn, nhà hàng, hộ kinh doanh hắt ra, còn đèn đường thì không có. 

Tương tự, theo phản ánh của người dân trên con phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội), tuyến đường này đã rơi vào tình trạng đèn đường có cũng như không từ nhiều năm nay. 

Theo quan sát, con đường mặc dù chỉ dài khoảng 1km, nối từ ngã tư Thái Hà đến đường Láng. Đây là đoạn đường có số lượng người dân sử dụng phương tiện tham gia giao thông đông đúc vào những khung giờ cao điểm do hai bên phố gần các trường học và có trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị. Chính vì thế, để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, nhất là các em học sinh đang học tại những ngôi trường trên khu vực này, năm 2013 tuyến phố đã hoàn thành việc mở rộng với hai làn đường, thêm vào đó là đầy đủ hàng cây xanh cũng như hệ thống chiếu sáng đô thị. Thế nhưng, từ khi tuyến phố được đưa vào sử dụng, toàn bộ hệ thống đèn điện hai bên đường chưa từng một lần chiếu sáng để phục vụ người dân mỗi khi qua đây. 

Chia sẻ với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, bà Hà Thị Lan (phường Thịnh Quang, Đống Đa) cho biết bà đã sống ở đây từ những ngày đầu cho tới khi con đường được chỉnh sửa khang trang, rộng rãi. 

“Tôi thực sự cảm thấy buồn vì một tuyến phố to, đẹp ngay giữa lòng Thủ đô mà rất nhiều năm trời lại không có hệ thống đèn đường chiếu sáng. Người dân chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến, nguyện vọng với chính quyền địa phương trong những lần họp tổ dân phố nhưng mãi chưa thấy nơi đây được cải thiện” - bà Hà Thị Lan chia sẻ.

Nhiều người điều khiển phương tiện qua con phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) này cũng cho rằng, đường tối, xe cộ lưu thông đông đúc nên sẽ rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là những ngày trời mưa đường ướt.  Không chỉ gây mất an toàn giao thông cho người đi đường, việc hệ thống đèn điện nơi đây không chiếu sáng đã làm cho bộ mặt tuyến phố nói riêng và mỹ quan đô thị Thành phố nói chung trở nên “xấu xí” một cách nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiếu sáng sẽ dẫn đến người đi đường gặp nhiều rủi ro. Chưa kể trong quá trình sử dụng, nhu cầu đi lại của người dân đã thay đổi rất nhiều so với điều kiện ban đầu được thiết kế, bởi vậy Nhà nước cũng cần phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với hạ tầng.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, khoảng thời gian từ 18h tối đến 6h sáng thường nhiều hơn gấp 2 tới 3 lần so với ban ngày. Điều này đã cho thấy việc điều khiển phương tiện khi trời tối luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, việc không có hệ thống đèn điện để chiếu sáng càng khiến cho việc di chuyển của các phương tiện trên những con phố trên gặp nhiều khó khăn, phức tạp, không đảm bảo an toàn. 

Mong muốn của nhiều người dân hiện nay đều hy vọng những tuyến phố trên sẽ sáng đèn để đảm bảo an toàn cho việc di chuyển, cũng như làm thay đổi mỹ quan đô thị cho cả Thành phố.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.