Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

Bài và ảnh: LINH NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - 16 năm trước, dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Quang thuộc địa bàn 2 xã Đồng Quang và Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội từng được gọi là “siêu dự án” với kỳ vọng đổi thay diện mạo cả vùng. Song đến nay, dự án này vẫn đang dang dở, nhiều vướng mắc liên quan đến các sai phạm chưa được tháo gỡ, còn người dân thì thắt lòng chờ đợi “bờ xôi ruộng mật” nay để hoang phế.

Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao! - ảnh 1
Khu đất dịch vụ tại xã Nghĩa Hương đã giao cho người dân và được xây dựng nhà ở ổn định nhiều năm nay nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cử tri sinh sống tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai kiến nghị về việc 116,6ha đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi phục vụ Dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện xong, người dân chưa được nhận tiền đền bù, trong khi đất ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm…

Phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận tại khu Chiểu, thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, là khu đất dịch vụ được cơ quan chức năng tạm giao cho các hộ dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Ông Vương Văn Lực, Trưởng thôn Văn Khê cho biết: “Hơn 16 năm nay, dự án vẫn chỉ là đất ruộng, ao, đất thì “treo” theo dự án vừa gây lãng phí, vừa bức xúc trong nhân dân. Người dân rất mong mỏi sớm được các cấp, ngành tháo gỡ để dự án sớm được thực hiện”.

Dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao được phê duyệt từ năm 2006. Năm 2007, UBND huyện Quốc Oai có quyết định giao cho 4 nhà đầu tư thực hiện. Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi 116,6ha đất để tạm giao cho 4 nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập địa giới tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội, việc thực hiện dự án bị dừng do dự án nằm trong vành đai xanh, chưa phù hợp với quy hoạch chung; các văn bản của UBND huyện Quốc Oai sai…

Theo Báo cáo số 3899/BC-TTTP-P3 ngày 27/8/2020 của Thanh tra thành phố Hà Nội, sau khi có các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa bàn giao mốc giới thì UBND huyện Quốc Oai đã tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ. Cùng đó, xã Nghĩa Hương đã thu tiền sử dụng đất của 132 hộ dân khi chưa có quyết định giao đất của cấp thẩm quyền là sai. Hơn nữa, trong khi chưa đủ điều kiện giao đất cho các hộ dân, huyện Quốc Oai đã giao xã Nghĩa Hương tạm giao đất cho các hộ cũng trái quy định của Luật Đất đai…

Trước đó, tại Kết luận số 1819/KL-TTTP-P3 ngày 29/4/2020 của Thanh tra thành phố Hà Nội về thanh tra toàn diện việc thực hiện Dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Đồng Quang đã chỉ ra nhiều tồn tại và yêu cầu UBND huyện Quốc Oai phải thu hồi các văn bản trái quy định ban hành trong giai đoạn 2006-2010, 2011-2015; thu hồi và quản lý chặt quỹ đất đã giải phóng mặt bằng; tiếp tục giải phóng mặt bằng phần còn lại… 

Ông Nguyễn Đắc Lực, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai cho biết, thực hiện Kết luận thanh tra số 1819/KL-TTTP-P3 và những chỉ đạo liên quan của UBND thành phố Hà Nội, huyện đã thực hiện nhiều nội dung; song đến nay, vẫn còn một số yêu cầu chưa thể triển khai do vướng mắc.

Đơn cử, như việc UBND huyện có quyết định giao 4 chủ đầu tư thực hiện dự án là không đúng thẩm quyền nhưng các quyết định đó đều dựa trên cơ sở chấp thuận của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và tỉnh Hà Tây đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, giao trực tiếp cho 4 nhà đầu tư… Hiện UBND huyện Quốc Oai chưa thu hồi được các quyết định trên bởi việc bãi bỏ văn bản trái luật lại thuộc thẩm quyền của thành phố. Hơn nữa, hiện chủ đầu tư đã ứng kinh phí trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nếu thu hồi các văn bản trên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Về yêu cầu tiếp tục giải phóng mặt bằng phần còn lại của dự án, UBND huyện Quốc Oai cũng cho rằng, Kết luận thanh tra yêu cầu huyện bãi bỏ việc giao đất cho các chủ đầu tư và thu hồi văn bản ban hành sai quy định. Song, nếu thu hồi các văn bản trên thì dự án không còn tồn tại, vì thế không thể tiếp tục giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại.

Điều đáng nói là việc thu tiền sử dụng đất dịch vụ tại xã Nghĩa Hương khi chưa có quyết định giao đất, như kết luận của Thanh tra là không đúng. Nhưng trên thực tế, việc thu tiền diễn ra từ năm 2015, đã thu hơn 10 tỷ đồng trong tổng số hơn 12 tỷ đồng, được dùng vào việc thanh toán kinh phí xây dựng hạ tầng đất dịch vụ. Hiện UBND huyện Quốc Oai vẫn đang tiếp tục giao đơn vị chức năng làm rõ việc thu và sử dụng số tiền này.

Như vậy, với tính chất khó khăn và còn nhiều vướng mắc nêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho hay, UBND huyện đã kiến nghị UBND Thành phố và Thanh tra Thành phố, nếu dự án không được tiếp tục thực hiện thì đề nghị Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tham mưu thu hồi và hủy bỏ các quyết định, các văn bản huyện đã ban hành. Trường hợp thu hồi các quyết định trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư, dễ dẫn đến khiếu kiện và đòi bồi thường. Hơn nữa, việc tạm giao đất dịch vụ ở xã Nghĩa Hương đã được thực hiện xong, người dân nhận đất đã xây dựng các công trình, nếu dự án không triển khai tiếp sẽ gây bất ổn trong nhân dân.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Quốc Oai, rất cần sự vào cuộc của UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, ổn định tình hình địa phương.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép

(PNTĐ) - Sau khi Báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh dấu hiệu quảng cáo sai sự thật liên quan sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu phân phối, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhãn hàng này lại tiếp tục “lột xác” để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh…
Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 44 ra ngày 30/10/2024 có bài “Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?” ghi nhận tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Đến nay, bạn đọc của Báo phản ánh, các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động rầm rộ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

Hơn 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ“

(PNTĐ) - 14 năm trước, chợ Mai Lĩnh nằm bên đường Quốc lộ 6, gần cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông được đầu tư xây dựng, sau khi đưa vào sử dụng thì lại gặp phải hàng loạt những hạn chế, nhất là không thuận tiện cho việc mua bán của tiểu thương với người dân dẫn đến nhiều diện tích bỏ không, trong khi người dân lại thiếu chỗ họp chợ.
Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

Vi phạm cũ có thể làm ngơ?

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài viết Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình? đăng ngày 30/10/2024 về tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Bạn đọc tiếp tục phản ánh, các cơ sở vi phạm hiện đang hoạt động rầm rộ, khiến dư luận bức xúc bởi ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường.
Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

Tắc nghẽn giao thông tại nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70

(PNTĐ) - Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (nay là đường Phạm Tu) đã được thông xe từ cuối tháng 1/2020. Sau hơn 4 năm, hạng mục cầu vượt vẫn chưa được thực hiện, dồn áp lực về nút giao đường Phạm Tu - đường Tỉnh lộ 70, biến nơi đây thành điểm đen về ùn tắc giao thông.