Sản phẩm Nga Phụ Khang “lột xác” tiếp tục quảng cáo trái phép
(PNTĐ) - Sau khi Báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh dấu hiệu quảng cáo sai sự thật liên quan sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu phân phối, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhãn hàng này lại tiếp tục “lột xác” để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh…
Tháng 9/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đăng tải bài viết “Phụ nữ nguy cơ “sập bẫy” quảng cáo Nga Phụ Khang, trong đó phản ánh thủ đoạn dùng tên miền quốc tế và các tên miền phụ để quảng cáo thực phẩm Nga Phụ Khang như thuốc chữa bệnh.
Trang web sử dụng để quảng cáo sản phẩm này là ngaphukhang.duoclieuquy.co. Trong đó, ngaphukhang được xác định là tên miền phụ của trang mẹ duoclieuquy.co. Trang duoclieuquy.co lại là tên miền quốc tế.
Ngoài sản phẩm Nga Phụ Khang còn hơn 20 mặt hàng được đăng ký dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng hoạt động cùng phương thức giống như sản phẩm Nga Phụ Khang.
Sau phản ánh của Báo Phụ nữ Thủ đô, các tên miền phụ đi kèm duoclieuquy.co đã dừng hoạt động. Thay vào đó, sản phẩm được quảng cáo trên trang web khác với cùng thủ đoạn là ngaphukhang.nhathuocchaugiang.com.
Đáng chú ý, trang web ngaphukhang.nhathuocchaugiang.com còn dẫn ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương khẳng định sản phẩm Nga Phụ Khang là thuốc và có thể chữa khỏi bệnh.
Ngoài ra, ý kiến của một người tên Nguyễn Thị Xuân lộc (Khánh Hòa) cũng đưa ra các thông tin có dấu hiệu trái pháp luật như: “Thường xuyên bị đau bụng dữ dội, đau như đau đẻ vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, với cách chữa u nang buồng trứng từ sản phẩm thảo dược Nga Phụ Khang, chị đã vượt qua căn bệnh chỉ sau hơn 1 tháng”.
Không chỉ quảng cáo như thuốc chữa bệnh, trang web nêu trên còn quảng cáo các thành phần có trong sản phẩm Nga Phụ Khang có thể phòng tránh được các bệnh ung thư. Trong khi đó, giấy phép do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp cho sản phẩm này chỉ có nội dung: “Hỗ trợ giảm sự tiến triển của u nang xơ buồng trứng, u xe tử cung, u vú, u xơ tiền liệt tuyến lành tính”.
Sau khi PV Báo Phụ nữ Thủ đô cung cấp các thông tin, bằng chứng đến Cục An toàn thực phẩm, bà Trần Thị Thu Liễu Phó Trưởng phòng Cục An toàn thực phẩm đã ký văn bản trả lời, trong đó có nội dung liên quan đến trách nhiệm của Cục trong công tác quản lý.
Theo đó, văn bản trả lời của Cục An toàn thực phẩm nêu: Theo quy định tại Điều 26, 27 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký nội dung quảng cáo với Bộ Y tế trước khi quảng cáo và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.
Trong bối cảnh bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nội dung quảng cáo thuộc phạm vi quản lý...
Đối với các phản ánh của phóng viên, Cục sẽ làm việc với Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu và xử lý vi phạm nếu các thông tin quảng cáo sai phạm là do công ty thực hiện.
Mặc dù kêu khó trong công tác quản lý. Tuy nhiên, mỗi năm, Cục An toàn thực phẩm lại cấp phép cho hàng trăm sản phẩm khác nhau. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi lớn về năng lực quản lý của Cục An toàn thực phẩm cũng như Bộ Y tế.
Tại Điều 27, Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền”.