Dự án Công viên Gia Lâm:

Sẽ cưỡng chế bàn giao mặt bằng thi công

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự án Công viên Gia Lâm (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có diện tích hơn 13,8ha, khởi công từ tháng 6/2024, dự kiến hoàn thành trước 30/3/2025, nhưng đang có nguy cơ chậm tiến độ do 3 hộ thuê đất để sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Sẽ cưỡng chế bàn giao mặt bằng thi công - ảnh 1
Tổng quan dự án nhìn từ trên cao.

Dự án Công viên Gia Lâm được xây dựng ở vị trí trung tâm huyện, ngay trước trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Lâm (khu 31ha), có tổng diện tích hơn 13,8ha, tổng mức đầu tư 286 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Dự án được khởi công từ tháng 6/2024, đến nay đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục như nạo vét hữu cơ lòng hồ với khối lượng trên 26.000m3; nhà thầu đang phơi đất để đắp phần quảng trường (khoảng 20.000m3)… Dự kiến, toàn bộ hạng mục sẽ được hoàn thành xong trước 30/3/2025.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cho biết: Tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án là hơn 13,8ha, liên quan đến 379 hộ dân, cá nhân có đất nông nghiệp, 3 hộ gia đình, cá nhân có tài sản trên đất và 1 hộ trồng cây trên đất công do địa phương quản lý. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Cổ Bi đã hoàn tất hơn 5,7ha. Huyện đã thu hồi mặt bằng và chi trả bồi thường, hỗ trợ cho 265 hộ dân có 5ha đất nông nghiệp và hơn 7.300m2 đất công do UBND xã Cổ Bi quản lý, với tổng số tiền chi trả bồi thường hơn 49,6 tỷ đồng.

Còn diện tích cần giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ thì đang gặp phải vướng mắc. Tổng diện tích vào dự án là 7,89ha, trong đó đã thu hồi được hơn 8.600m2. Hiện còn hơn 7ha đất của 114 hộ (được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP), các hộ dân này đã nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, 7ha của 114 hộ này đã cho 3 hộ thuê đất từ những năm trước để canh tác (chủ yếu là trồng cây, nuôi cá). Và cả 3 hộ này lại chưa đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ tài sản trên đất do UBND huyện phê duyệt. Điều này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án chưa hoàn thành, kéo theo nguy cơ dự án sẽ chậm về đích.

Ba hộ thuê đất để canh tác bao gồm: Ông Nguyễn Quốc Hoàn đang sử dụng hơn 51.000m² thuê của 76 hộ; ông Vũ Anh Nhật sử dụng hơn 15.000m2 thuê của 28 hộ gia đình; ông Nguyễn Đình Kế sử dụng hơn 8.500m2 thuê của 16 hộ. 

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Ngọc Đoan cho biết: Thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng đối với diện tích trên, từ tháng 1/2024, thị trấn phối hợp với Tổ công tác huyện thực hiện xác nhận nguồn gốc sử dụng, kê khai, kiểm đếm tài sản trên đất của các hộ, tổ chức họp lấy ý kiến theo quy định. Từ tháng 3 đến 7/2024, UBND thị trấn Trâu Quỳ, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện đã xác nhận nguồn gốc đất, sở hữu tài sản trên đất và hoàn thiện, niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ đối với các hộ. 

Đối với việc 3 hộ thuê đất không đồng tình với phương án bồi thường hỗ trợ tài sản trên đất, UBND thị Trâu Quỳ và các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm đã tổ chức đối thoại với các hộ và tiếp tục niêm yết công khai bổ sung dự thảo phương án. 

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cho biết: Dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ đối với tài sản trên đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và tại Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 và Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 6/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội cùng các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, 3 hộ dân trên tiếp tục kiến nghị, không đồng tình với dự thảo phương án hỗ trợ bồi thường. Tháng 9/2024, Trung tâm đã có các văn bản trả lời cụ thể các nội dung trong đơn kiến nghị của 3 hộ, theo đó nêu rõ các quy định cụ thể của chính sách bồi thường hỗ trợ để họ hiểu.

Ngày 18/10/2024, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 5543/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 3 gia đình có tài sản trên đất. Tiếp đó, trong các ngày 24 và 29/10, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm, Tổ công tác giải phóng mặt bằng huyện phối hợp với UBND thị trấn Trâu Quỳ thực hiện chi trả tiền thì cả 3 hộ vẫn không nhận tiền, cũng như không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Ngọc Đoan cho biết: Ngày 31/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Trâu Quỳ phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, Tổ công tác giải phóng mặt bằng huyện đã vận động, thuyết phục 3 hộ gia đình nhận tiền để thực hiện dự án, tuy nhiên các hộ vẫn cố tình không chấp hành.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, ngày 11/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm đã có Tờ trình, đề nghị UBND huyện Gia Lâm xem xét, ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 3 hộ để thực hiện dự án. 

Để tháo gỡ vướng mắc trên, ông Dương Viết Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Dự án Công viên Gia Lâm hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đông đảo người dân, bởi không gian công cộng rộng rãi, xanh, sạch, là địa điểm sinh hoạt cộng đồng, giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực và cả huyện. Vì vậy, không thể vì sự chưa đồng thuận của các cá nhân khiến cho dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng lợi ích của nhiều người dân được”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xử lý “nửa vời" vi phạm ở bãi tập kết than, cát

Xử lý “nửa vời" vi phạm ở bãi tập kết than, cát

(PNTĐ) - Liên quan đến vấn đề vi phạm trong sử dụng đất đai và tự ý thành lập bến, bãi trung chuyển cát, than, vật liệu xây dựng tại xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/6/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài: “Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia Lâm”. Gần đây, người dân tiếp tục phản ánh bãi than lại có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

(PNTĐ) - Hàng chục hộ dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế nhà lạnh bảo quản hoa xây dựng trên đất nông nghiệp. Các hộ dân ở đây mong muốn được cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ tạo điều kiện cho giữ lại những cơ sở thiết yếu nhất để được ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản hoa khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

(PNTĐ) - Dù chưa được cấp phép hoạt động, nhưng tại khu vực bãi sông thuộc thôn Hoà Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (còn được gọi là cảng Hòa Bình) có tới 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn, vẫn đang diễn ra hoạt động tập kết, trung chuyển than, cát rầm rộ gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.