Tăng ca để không đứt gãy chuỗi sản xuất

Chia sẻ

Trước tình trạng công nhân mắc Covid-19 tăng cao thời gian gần đây dẫn đến thiếu hụt tạm thời lao động (LĐ), nhiều doanh nghiệp đã phải xây dựng phương án sắp xếp lại sản xuất, bố trí tăng ca làm thêm giờ để đảm bảo đơn hàng.

Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Lixil Việt Nam cho biết: Hiện nay, số lượng công nhân là F0 của công ty khá nhiều. Theo quy định, người LĐ là F0 nghỉ làm việc từ 7-14 ngày và các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân F0 (F1) có nguy cơ cao nghỉ 5 ngày. Vì vậy, các dây chuyền sản xuất của công ty bị tác động. Để đảm bảo sản xuất, công ty bố trí cho những người LĐ còn lại tăng ca, làm thêm vào những ngày nghỉ. Phương án này khiến chi phí sản xuất tăng thêm nhưng trong giai đoạn hiện nay, đây là giải pháp tình thế phù hợp nhất để kịp trả hàng cho những đơn hàng cấp thiết.

Công ty TNHH dệt may 20/10 Nam Khang tại cụm công nghiệp xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên cũng đang chịu tác động của dịch bệnh do có các công nhân trong xưởng là F0, F1 phải nghỉ làm việc. Bà Đặng Thị Nhớ - Giám đốc công ty cho biết: Tại các khâu như xưởng may, đóng gói đều khuyết vài vị trí việc làm; người là F1 ở nhà chăm sóc con cái là F0, sau đó cũng thành F0, người là F0; thời gian nghỉ tối thiểu từ 7-10 ngày. Các đơn hàng công ty đã ký kết từ trước nên việc thiếu hụt nhân lực khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng.

Trong tháng 1, các xưởng còn có hàng lưu từ trước Tết nên vẫn đảm bảo đủ hàng để trả hợp đồng, chứ sang đến tháng 2 thì phải tính đến các phương án tăng ca. Không riêng xưởng sản xuất của công ty TNHH Dệt may 20/10, nhiều xưởng khác tại cụm công nghiệp bị tác động khi số lượng công nhân là F0 tăng nhanh.

Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng với nhiều ổ dịch tại gia đình khiến cho số ca nhiễm Covid-19 trong đoàn viên, công nhân LĐ tăng nhanh với con số 9.965 (tăng 3.545 ca); trong đó, tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 1.381 ca; 637 doanh nghiệp có công nhân LĐ là F0 (tăng 106 doanh nghiệp). Dịch bệnh cũng đang khiến 1.959 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động (tăng 105) và 41.600 người LĐ thiếu việc làm (tăng 991). Trước thực tế trên, các doanh nghiệp có nhiều công nhân mắc Covid-19 đang bố trí công nhân khoẻ mạnh tăng ca, làm thay cho nhau... để không phải dừng dây chuyền, đóng cửa nhà máy.

Một số doanh nghiệp phải tuyển lao động gấp hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để đảm bảo hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thắt chặt các biện pháp phòng dịch, tìm mọi cách để đảm bảo an toàn cho các xưởng như phát que test nhanh cho tổ Covid của công ty để sàng lọc, đảm bảo khoảng cách, hạn chế giao tiếp, dừng các cuộc họp trực tiếp và chuyển sang họp trực tuyến…

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thăm hỏi, động viên người LĐ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp 	Ảnh: Ngọc ÁnhLiên đoàn Lao động TP Hà Nội thăm hỏi, động viên người LĐ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.  Ảnh: Ngọc Ánh

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động là F0

Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Lixil Việt Nam Đinh Quốc Toản cho biết: Với người LĐ là F0, công ty vẫn chi trả 75% lương cho những ngày phải nghỉ việc để điều trị tại nhà; Công đoàn công ty có chế độ thăm hỏi ốm đau nhằm động viên chăm lo kịp thời người LĐ và thực hiện thủ tục để người LĐ hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Các doanh nghiệp khác cũng đều có chế độ thăm hỏi, hỗ trợ người LĐ là F0; trong đó với những LĐ khối văn phòng vẫn đảm bảo thời gian làm việc trực tuyến được chi trả nguyên lương; người LĐ khối sản xuất, ngoài hỗ trợ của công ty sẽ được giải quyết chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch công đoàn công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, bất cập nhất hiện nay là việc cấp giấy chứng nhận ốm đau cho LĐ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Tại nhiều địa phương, ngày cấp giấy thường ghi sau thời gian nhiễm hoặc không khớp thời gian giữa thời điểm cách ly và thời điểm cấp giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội khiến người LĐ phải đi lại nhiều lần hoặc không được chấp nhận chi trả. Năm 2021, LĐ là F0, F1 mà không có quyết định cách ly y tế vẫn được công ty hỗ trợ một phần lương; sang năm nay, số ca nhiễm tăng cao nên những ngày nghỉ, LĐ sẽ chuyển sang hưởng chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, số LĐ được hưởng rất ít khiến họ rất thiệt thòi. Do đó, phía công đoàn công ty đã có đơn kiến nghị lên công đoàn cấp trên có văn bản kiến nghị với các cấp thẩm quyền.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, đã ghi nhận những khó khăn của người LĐ là F0 gặp phải khi xin xác nhận nghỉ ốm để hưởng bảo hiểm xã hội. Về vấn đề này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tham gia ý kiến với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2019 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế để tạo điều kiện cho người LĐ sớm nhận được trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, từ ngày 1/3/2022, theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc chi hỗ trợ cho người LĐ bị nhiễm Covid-19 được giao cho các cấp Công đoàn thực hiện cho phù hợp với các quy định của các cấp Công đoàn về chi hỗ trợ các trường hợp đoàn viên, người LĐ bị ốm đau, mắc bệnh nghề nghiệp, dịch bệnh, tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn…

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.