Hà Nội:

Tuyến phố kiểu mẫu lộ diện nhiều bất cập

Bài và ảnh: PHẠM NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm 2016, hai tuyến phố là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) và phố Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm) được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình tuyến phố kiểu mẫu. Sau 5 năm triển khai, đến nay, thay vì trở thành điểm sáng của Thủ đô về văn minh đô thị thì hai tuyến phố trên đang bộc lộ nhiều bất cập, vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị.

Tuyến phố kiểu mẫu lộ diện nhiều bất cập - ảnh 1
Lộn xộn biển hiệu quảng cáo tại các cửa hàng trên phố Lê Trọng Tấn 
(Thanh Xuân, Hà Nội)

Từ tuyến phố kiểu mẫu

Từ năm 2016, phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) đã được lựa chọn để triển khai thí điểm tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Thành phố. Cụ thể, ngày 31/8/2016, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quy định tạm thời quản lý cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc tại hai bên tuyến đường Lê Trọng Tấn. 

Trong văn bản quy định nêu rõ, toàn bộ biển hiệu quảng cáo phải được đồng bộ từ cỡ chữ, kích thước và màu sắc (xanh và đỏ). Biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất từ 3,2-3,3m, chiều cao biển hiệu là 1,1m. Các cửa hàng, cửa hiệu trên toàn tuyến phố sẽ không sử dụng mái che, mái vẩy và nghiêm cấm tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. 

Ngoài ra, để có một tuyến phố mang tính đồng bộ và hiện đại, một số công trình như cải tạo đường, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng đã được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng. 

Thời điểm đó, toàn bộ hệ thống cáp điện, nước đã được hạ ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị. Trên vỉa hè còn được bố trí các điểm cho người khuyết tật, dải đường cho người đi bộ và đi xe đạp… Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được cải tạo đã trở nên khang trang, rộng rãi hơn để phục vụ các phương tiện qua lại nơi đây.

Tiếp đó, năm 2018, tuyến phố kiểu mẫu thứ hai đã được thực hiện tại phố Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do UBND phường Mỹ Đình 1 thực hiện theo Đề án "Thí điểm tuyến đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị" giai đoạn từ năm 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. 

Cùng quy chuẩn về đồng bộ kích thước và màu sắc của các biển hiệu quảng cáo như phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), nhưng phố Đình Thôn nổi bật hơn là việc lắp hệ thống 200 cột sắt màu đỏ cao bằng nhau (độ cao 4m). Các hộ kinh doanh phải lắp biển hiệu trên hàng cột sắt tại chiều cao 3m so với mặt đất, chiều dọc biển cố định 1,5m.

Đến “lộn xộn” mỗi nhà, một kiểu
Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, đến thời điểm  này, trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các biển hiệu quảng cáo tại các cửa hàng ở nơi đây đã được thay thế cả về màu sắc, kích thước, cỡ chữ, không còn đồng bộ như khi mới triển khai. 

Anh Lê Chí Dũng, chủ một cửa hàng bán đồ quần áo thể thao tại đây cho biết, thời gian đầu, khi các cửa hàng mới lắp đặt biển hiệu theo chỉ dẫn một cách đồng bộ trông tuyến phố rất khang trang và mới lạ. Cả tuyến phố tràn ngập hai màu xanh và đỏ trông rất lạ mắt. 

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, mô hình này đã bắt đầu bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới các cửa hàng buôn bán tại nơi đây. Theo phản ánh của nhiều chủ cửa hiệu, việc đồng bộ biển quảng cáo về kích thước và màu sắc đã khiến cho nhiều khách hàng khi tới đây như bị lạc vào “ma trận”, phải rất khó khăn và tốn nhiều thời gian mới tìm ra được cửa hàng mình muốn đến.

“Mỗi cửa hàng đều có một đối tượng khách hàng riêng biệt do đó việc nhận diện thương hiệu từ đó cũng trở nên khác nhau. Do đó, các chủ hiệu cũng dần thay đổi biển trở về như cũ hoặc làm kích cỡ to hơn để dễ nhận biết” - anh Dũng cho biết thêm. 

Ngoài ra, hai bên đường bây giờ cũng bị lấn chiếm, trở thành nơi đỗ xe sai quy định. Vỉa hè tại nhiều khu vực cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bị hư hỏng, bong tróc, đi lại dễ vấp ngã. Người dân sống ở phố Đình Thôn cũng đang dần phải lắc đầu ngao ngán khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm thu hẹp con đường, dẫn đến hiện tượng ùn tắc ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Không chỉ vậy, hệ thống dây điện chằng chịt như tơ nhện khiến cho người dân luôn cảm thấy bất an mỗi khi đi ngang qua nơi đây. 

Ông Lưu Đình Lượng, Chủ tịch UBND phường Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết việc triển khai thí điểm tuyến phố kiểu mẫu trên đường Lê Trọng Tấn hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Người dân tự ý thay đổi biển hiệu quảng cáo để phù hợp với mô hình kinh doanh dù đã tồn tại nhưng không thể nào nói người dân sai hoàn toàn, nhất là với những hộ dân buôn bán nhượng quyền thương hiệu thì việc bắt ép họ sử dụng theo quy chuẩn là không thể.

Anh Nguyễn Thành Đạt, hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: “Việc xây dựng những tuyến phố kiểu mẫu, văn minh đô thị là một hướng đi đúng của Thành phố. Nó sẽ tạo vẻ đẹp và cảnh quan mới cho Thủ đô nếu được triển khai một cách thành công. Tuy nhiên, để đạt được cái thành công ấy sẽ cần phải nghiên cứu và giải quyết rất nhiều vấn đề làm sao cho phù hợp với thực tế và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, để tránh tình trạng lộn xộn, mỗi nhà một kiểu như hiện nay, không chỉ tại hai tuyến phố mà còn ở những khu vực khác, thiết nghĩ Thành phố nên có những cách tiếp cận mới về mặt chính sách đúng đắn với vỉa hè, lòng lề đường. Tránh để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe bừa bãi dưới lòng, lề đường đã là một bước tiến thành công trong tiến trình xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, thành phố văn minh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...
Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.
Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.