Xã Thái Hòa, Ba Vì (Hà Nội): Dự án dềnh dang... khổ dân!

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thông tin đến Báo Phụ nữ Thủ đô, nhiều người dân xã Thái Hòa, huyện Ba Vì đang mắc kẹt vì Dự án xây dựng Nghĩa trang Yên Kỳ nhiều năm nay chậm triển khai, nhà cửa, chuồng trại của người dân đã xuống cấp mà không được sửa chữa, xây mới, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Xã Thái Hòa, Ba Vì (Hà Nội): Dự án dềnh dang... khổ dân! - ảnh 1
Ông Bùi Phú Khoa ở thôn Cộng Hòa xót xa nhìn nhà ở và trang trại đã xuống cấp, hoang tàn.

Dân khổ vì dự án… treo trong nhiều năm
Theo chân ông Bùi Phú Khoa, ở thôn Cộng Hòa, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, chúng tôi tới nơi từng có những hộ dân sinh sống trù phú nhưng nay chỉ còn là những ngôi nhà sập xệ, xiêu vẹo, những nương chè để hoang cỏ mọc.

Ông Khoa xót xa chỉ vào những căn nhà của gia đình mình và cho hay: Nơi đây, chúng tôi từng sống và trồng chè, chăn nuôi lợn gà, nhà nào nhà nấy cũng đủ no ấm. Vậy mà từ năm 2011, có thông báo nhà đất của chúng tôi vào vùng dự án xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ, các gia đình đều không được xây sửa để chờ kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng. Thời điểm đó, các gia đình vẫn sinh sống và sản xuất, chăn nuôi bình thường. Song qua nhiều năm, nhà cửa xuống cấp lại không được xây mới, sửa chữa nên từng căn nhà, chuồng trại dần bị sập, các gia đình lần lượt phải đi ở thuê, ở nhờ nơi khác. 

Vào đến nơi ở của bà Chu Thị Thành cùng cháu ngoại đang ở nhờ nhà ông Phùng Đình Được, chúng tôi không khỏi ái ngại cho cuộc sống tạm bợ đầy thiếu thốn của hai bà cháu. Bà Thành cho hay, ngôi nhà của gia đình bà gần đó, đã xuống cấp không thể ở được; còn căn nhà của gia đình ông Được vẫn còn tận dụng, khắc phục ở được. Ông Được cũng là một trong những hộ chờ dự án triển khai đến mòn mỏi, ông đã mất, vợ ông theo người thân về quê ở.

Bà Thành buồn rầu: “Chúng tôi ở đây khổ quá, sống tiếp không được mà bỏ đi cũng không xong. Mong Nhà nước và doanh nghiệp sớm có sự rõ ràng cho chúng tôi. Nếu thu hồi đất thì rõ ràng, mà không cũng làm rõ chứ hơn 10 năm nay dềnh dang mãi thế này rồi”.

Ông Bùi Phú Khoa cho hay, phương án đền bù đất thu hồi để thực hiện dự án xây dựng nghĩa Trang Yên kỳ vẫn chưa được sự đồng thuận của các hộ dân, bởi có những bất cập. Cụ thể, có những hộ dân từ trước năm 2003 đã phải đổi đất ruộng có bìa đỏ ở trong thôn để lấy đất đồi khu vực này làm trang trại, đổi 1 sào ruộng lấy 3 sào đất làm trang trại. Đến khi phương án đền bù dự án này lại chỉ tính 1 sào.

 “12 hộ dân chúng tôi sinh sống ở nơi này, giờ 6 hộ phải bỏ đi vì không thể ở được nữa, số hộ ở lại cũng đầy khó khăn. Nếu dự án không tiếp tục triển khai thì Nhà nước nên để cho chúng tôi được tiếp tục sử dụng đất, nhà của mình bình thường. Chúng tôi trở về xây dựng lại sinh sống”- ông Khoa giải bày.

Bao giờ cuộc sống của người dân mới được “cởi trói”?
Lý giải về vấn đề trên, ông Phùng Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ ngày 16/6/2011 tại Công văn số 2724/QĐ-UBND, với quy mô khoảng 203,18ha. Trong đó, diện tích thu hồi đất thuộc xã Phú Sơn là 197,3ha và xã Thái Hòa là 24,5ha. Riêng tại xã Thái Hòa, có 125 hộ dân có đất nằm trong dự án. Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội đã lập phương án 52 hộ với diện tích 89.426,8m2, còn 15,5ha chưa lập hồ sơ kiểm đếm. Các hộ không đồng ý với xác nhận là đất nông nghiệp khó giao ở mức đền bù 24.000 đồng/m2 và đề nghị được bồi thường hỗ trợ như diện tích đất nông nghiệp được giao là 108.000 đồng/m2. 

Cũng trong dự án xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ này, xã Thái Hòa phải thực hiện dự án thu hồi 51,53ha làm thao trường huấn luyện mới cho Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh. Trong đó, đất thuộc xã Phú Sơn là 12,23ha, còn đất thuộc xã Thái Hòa là 39,3ha. Hiện đã có 29,45ha đất được phê duyệt, còn lại 9,85ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. 

Thông tin về dự án chậm triển khai, bà Trương Thị Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) còn vướng mắc do thời gian thực hiện dự án đã hết, chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, hồ sơ thửa đất của các hộ dân (hoàn thiện bản đồ đo đạc địa chính tỷ lệ 1:500). Công tác xác định nguồn gốc đất, đối tượng sử dụng đất chưa rõ ràng, nhiều mốc giới trên thực địa không còn, một số khu vực đã mất hiện trạng. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân bức xúc, phản ánh đơn nhiều lần.

Trước năm 2017, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện. Từ năm 2017, công tác giải phóng mặt bằng được bàn giao lại cho UBND huyện Ba Vì tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Bình Minh đã không thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Các trường hợp đã phê duyệt phương án đền bù, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chuyển tiền nên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì vẫn chưa có tiền chi trả cho người dân.

Được biết, hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Bình Minh đã xin giảm diện tích dự án là khoảng 3ha (từ 203,18ha xuống còn 200,8ha). Tuy nhiên, công ty này chưa bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho huyện Ba Vì nên đến nay huyện chưa biết phần diện tích giảm là khu vực nào.

Trong khi chờ đợi các đơn vị chức năng giải quyết, người dân xã Thái Hòa vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và ổn định cuộc sống của người dân. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...
Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.
Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.