Yên Viên - điểm sáng làng nghề
PNTĐ-Làm giàu bằng nghề truyền thống chế biến nông sản thực phẩm của quê hương, Yên Viên đã trở thành một điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thôn Yên xã Yên Viên, huyện Gia Lâm là một làng Việt cổ, còn được gọi bằng một cái tên đẹp và thơ mộng – làng Vân. Vươn lên từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, với hướng đi đúng: làm giàu bằng nghề truyền thống chế biện nông sản thực phẩm của quê hương, Yên Viên đã trở thành một điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thôn Yên viên có khoảng 400 hộ dân. Từ xa xưa, ngoài làm ruộng, dân làng còn có nghề biến hạt gạo thành bún, bánh phở và bánh dày, bánh rán các loại, đáp ứng nhu cầu ẩm thực tinh tế của người dân đất kinh kỳ. Năm 1972, Yên Viên bị quân địch san phẳng bằng những trận không kích B52, cả làng chỉ còn là đống đổ nát tan hoang. Phải xây dựng lại từ đầu, người dân Yên Viên đã vượt qua bao gian nan, vất vả.
Trong những năm dài thời kỳ bao cấp, làng nghề tiếp tục bị mai một dần, chỉ còn vài hộ sản xuất nhỏ cầm chừng cố giữ lấy nghề truyền thống của ông cha. Đất nước bước vào thờì kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cộng với sự tài khéo, năng động nắm bắt thị trường của người dân, nghề làm bún, bánh nhanh chóng được phục hồi, phát triển với sự tham gia của 150 hộ gia đình.
Ông Ngô Văn Đức - chủ hộ chuyên sản xuất sản phẩm bún của thôn cho biết: nghề làm bún của gia đình do bà nội của ông truyền lại. Khoảng 10 năm trước, vì phải làm thủ công, cả nhà có 4 lao động chính mỗi ngày chỉ chế biến được 1 tạ gạo, vất vả mà giá trị ngày công thấp. Cách đây 5 năm, ông mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng lắp đặt dây chuyền làm bún theo quy trình sản xuất an toàn. Sức máy thay sức người nên chỉ trong nửa ngày, 5 tạ gạo đã được chế biến thành bún sợi.
![]() |
Hộ gia đình ông Ngô Văn Đức sản xuất bún theo quy trình khép kín |
Sau quá trình mày mò thử nghiệm, năm 1993 gia đình bà đã chế tạo thành công máy giã bánh dày bằng điện. Khoản đầu tư tiếp theo dành cho máy vo gạo, máy đảo nhân, máy đồ xôi. Các hộ làm bánh rán ròn, bánh rán tẩm mật ong, ngoài việc đầu tư các loại máy móc còn chú trọng tìm nguồn nguyên liệu đặc sản: gạo nếp hảo hạng; mật ong táo (hoa táo), mật ong đay (hoa đay) – đặt hàng tại các hộ nuôi ong xã Dương Xá và các xã lân cận; đặc biệt là mật ong cất về từ vùng Kinh Bắc mỗi khi hoa vải, hoa nhãn vào mùa…
Hiện tại, mỗi ngày bà con làng nghề Yên Viên cung cấp cho thị trường trên 10 tấn thành phẩm: bún, bánh phở, bánh dày, bánh rán. Số đơn đặt hàng Yên Viên nhận được ngày càng tăng. Không ngừng nâng cao kỹ năng nghề, đổi mới công nghệ, sử dụng hệ thống máy móc hiện đại với dây chuyền chế biến khép kín, không sử dụng phụ gia, nhiên liệu dùng trong sản xuất hoàn toàn bằng ga và điện - đó là những “tuyệt chiêu” giúp việc chế biến nông sản của bà con Yên Viên đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nguyên liệu, công sức và đảm bảo VSATTP. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm thương hiệu “làng Vân” luôn chiếm thế thượng phong trên thị trường các tỉnh thành phía Bắc, trong khi không ít làng nghề truyền thống đang lao đao vì phải đối mặt với vô vàn khó khăn do phải cạnh tranh với hàng nhập lậu.
Ông Đặng Văn Thực - Bí thư Chi bộ thôn Yên Viên tự hào: với phương châm “Mỗi nhà một sản phẩm hàng hóa điển hình”, các hộ trong thôn đã tự phân công trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ từng loại sản phẩm theo hướng chuyên môn hóa cao để đảm bảo đầu ra; 100% hộ theo nghề tích cực tham dự các buổi tuyên truyền, tập huấn về VSATTP do UBND xã và các đoàn thể tổ chức; không ngừng nâng cao ý thức phát triển làng nghề bền vững, các hộ đều xây bể bioga xử lý nước thải trước khi đổ ra hệ thống tiêu thoát nước của thôn, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, đưa Yên Viên trở thành làng nghề tiêu biểu của huyện Gia Lâm trong việc giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp.
Minh Liễu