Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nữ trong chuyển đổi số

HÀ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, mạng và công nghệ thông tin bùng nổ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển đồng thời cũng tạo ra thách thức đối với doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng.

Cần có sự bình đẳng giới trong chuyển đổi số

Tại Việt Nam, với "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), đổi mới và công nghệ đã trở thành một ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành trong những năm gần đây.

Việc đổi mới và công nghệ vẫn thường được coi là lĩnh vực mà nam giới có ưu thế. Những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở.

Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%).Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

Cũng theo nghiên cứu về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa có mức độ rủi ro cao nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ. Số việc làm phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng bị tác động dịch chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới, những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giày, chế biến… là những lĩnh vực lao động nữ chiếm đa số từ 80% đến 90%.

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng Phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong vấn đề chuyển đổi số. Các nghiên cứu đánh giá tác động của chuyển đổi số, cũng chỉ ra rằng lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất, do phụ nữ phải đối mặt với những vấn đề về trình độ chuyên môn, kỹ thuật và những ràng buộc liên quan tới gia đình; các công việc giản đơn phụ nữ chiếm đa số; các rào cản, định kiến xã hội; phụ nữ còn chịu tác động bởi gánh nặng bảo đảm an sinh xã hội của các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, họ là đối tượng có nguy cơ bị cắt giảm, mất việc làm trước tiên trước áp lực bảo đảm nguồn lực, tài chính cho tổ chức, doanh nghiệp, ngay cả khi chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ thường gặp rủi ro lớn hơn khi tham gia sư dụng mạng Internet. Nguyên nhân là do những hạn chế về giới khiến phụ nữ ít có cơ hội để tham gia các hoạt động đào tạo, giao lưu, kết nối hay các hoạt động liên quan đến công nghệ và chuyển đổi số, đặc biệt đúng với phụ nữ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật và phụ nữ cao tuổi.

Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nữ trong chuyển đổi số - ảnh 1
Những chương trình thảo luận cung cấp kiến thức cho doanh nhân nữ thường xuyên được các Tổ chức chú trọng.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nữ trong chuyển đổi số - ảnh 2
Ngày 15/6, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) đã chính thức ra mắt “Sổ tay an ninh mạng dành cho nữ lãnh đạo”. 

Trong xu thế chuyển đổi số, cần nhiều biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới và chú trọng đến tạo động lực, điều kiện để phụ nữ phát huy được hết vai trò trong công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng.

Bởi hiện nay, kinh doanh online đang dần trở thành một xu hướng được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp coi trọng. Không chỉ giúp mở rộng phạm vi quảng bá, làm sâu và rộng hơn các biện pháp truyền thông cho cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giảm chi phí vận hành, kết nối với các nhà cung cấp với chi phí thấp mà Mạng và công nghệ thông tin còn là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay, các nữ doanh nhân đang trở thành những người truyền năng lượng tích cực cho tổ chức, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển ổn định. Do đó, rất cần những chính sách, chương trình, hành động cụ thể, hiệu quả để thu hẹp khoảng cách giới trong việc tiếp cận kỹ thuật số và kỹ năng số trong tình hình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi nữ doanh nghiệp cũng cần luôn đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết; đồng thời tận dụng mọi lợi thế, cơ hội để mang về những thành quả xứng đáng trong thời kỳ chuyển đổi số, xóa tan vấn đề bất bình đẳng giới trong chuyển đổi số...

Những doanh nghiệp nữ tận dụng cơ hội chuyển đổi số để phát triển

Càng trong giai đoạn Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số và bình đẳng trong việc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng như hiện nay, các doanh nghiệp do nữ làm chủ, lãnh đạo đang dần khẳng định được tiềm năng, thế mạnh và sự quyết tâm của mình. 

Một trong những điểm sáng về doanh nghiệp do nữ làm chủ nỗ lực chuyển đổi số là công ty cổ phần MD Queens (huyện Đan Phượng, Hà Nội) do chị Trịnh Kim Thư làm chủ. Sau khi sản phẩm trà xạ đen của công ty được gắn sao OCOP, không chỉ giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ… chị Thư còn tận dụng công nghệ để đẩy mạnh kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội và livestream, từ đó mở rộng tiếp cận đến cả khách hàng quốc tế.

Mới đây, chị Thư cùng các cộng sự đã có ý tưởng và cho ra đời card visit điện tử - không những thay thế card visit truyền thống mà còn tích hợp, chứa đựng nhiều thông tin hơn hẳn. “Chỉ cần chạm nhẹ chiếc card vào màn hình điện thoại, một đường link sẽ hiện ra và thế là tôi đã giới thiệu được công ty của mình với đối tác, khách hàng, nhanh gọn hơn rất nhiều so với card truyền thống”- chị Thư cho hay. 

Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nữ trong chuyển đổi số - ảnh 3
Chị Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty CP Trà xạ đen MD Queens sử dụng card visit điện tử để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng

Nữ doanh nghiệp khác tận dụng lợi thế chuyển đổi số để phát triển là chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội). Được gây dựng từ năm 2012, bằng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đến nay Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà là mô hình điểm trên địa bàn thành phố.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã có quy mô nhỏ, lại quản trị theo mô hình cũ, nên gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều trăn trở, không chịu bằng lòng với tư duy “chỉ đủ ăn là được”, chị Hà quyết tâm đưa hợp tác xã lên một tầm cao mới, bằng việc chủ động xây dựng chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, đơn vị có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1,15ha, hiện có 15 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm rau của Hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100% sản phẩm được dán tem QRcode, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nhiều doanh nghiệp lớn trở thành mục tiêu tấn công mạng

Nhiều doanh nghiệp lớn trở thành mục tiêu tấn công mạng

(PNTĐ) - Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như VNDirect, PVOIL… đã bị hacker tấn công mã hóa dữ liệu. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố. Trong đó, tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 vụ.
Triển lãm nghệ thuật đa giác quan Vườn thư thái: Sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ - nghệ thuật

Triển lãm nghệ thuật đa giác quan Vườn thư thái: Sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ - nghệ thuật

(PNTĐ) - Sáng 9/12, khu vực bên trong Nhà thi đấu quận Cầu Giấy (Hà Nội) được biến hóa thành một không gian trải nghiệm nghệ thuật độc đáo mang tên “Vườn Thư Thái”, đem đến trải nghiệm đa giác quan, thỏa mãn tột cùng nhờ sự kết hợp khéo léo, tinh tế giữa các nghệ nhân về cây cảnh với các chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ.
Các cấp Hội phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện dự án 8

Các cấp Hội phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện dự án 8

(PNTĐ) - Thời gian qua, triển khai Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn I: 2021 – 2025, các cấp Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.