Ra mắt cuốn sách hưởng ứng phong trào “bình dân học vụ số“

M.CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Những nội dung cơ bản về chuyển đổi số: Hỏi và đáp” nhằm hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số". Cuốn sách cung cấp những thông tin thiết yếu nhất về chuyển đổi số.

Ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số," khẳng định đây là phong trào có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt cuốn sách “Những nội dung cơ bản về chuyển đổi số: Hỏi và đáp” nhằm hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số".

Ra mắt cuốn sách hưởng ứng phong trào “bình dân học vụ số“ - ảnh 1
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt cuốn sách “Những nội dung cơ bản về chuyển đổi số: Hỏi và đáp” nhằm hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số."

Cuốn sách được biên soạn dưới dạng hỏi-đáp ngắn gọn, cung cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những kiến thức cơ bản, thiết yếu nhất về chuyển đổi số; từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Cuốn sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất là “Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số.”

Phần thứ hai “Những nội dung cơ bản của chuyển đổi số” giải đáp những câu hỏi như: Chuyển đổi số là gì?, Công nghệ điện toán đám mây tạo môi trường cho chuyển đổi số như thế nào?, Tại sao nói công nghệ trí tuệ nhân tạo là “bộ não” trong chuyển đổi số, Tại sao vấn đề an toàn, an ninh thông tin có ý nghĩa tiên quyết trong chuyển đổi số…

Phần thứ ba “Chuyển đổi số ở Việt Nam” giải đáp những câu hỏi như: Quan điểm của Việt Nam về quá trình chuyển đổi số, Quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” của Chương trình chuyển đổi số quốc gia được hiểu như thế nào?, Trong chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian tới, những nền tảng số nào cần được tập trung phát triển?, Ba trụ cột của tiến trình chuyển đổi số quốc gia là gì?, Cơ chế điều phối triển khai của Chương trình chuyển đổi số quốc gia được xác định như thế nào?…

Theo thông tin từ nhà xuất bản, thế giới đương đại đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số (Digital age). Để phát triển bứt phá và tránh bị tụt hậu, các nước phải thực hiện chuyển đổi số; đây là một yêu cầu tất yếu khách quan.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.

Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với trọng tâm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân cùng kỳ vọng trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số, nhất là cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa hoặc chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ.

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đưa ra quan điểm: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Starlink sắp hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội bứt phá cho kết nối số và chuyển đổi số quốc gia

Starlink sắp hiện diện tại Việt Nam: Cơ hội bứt phá cho kết nối số và chuyển đổi số quốc gia

(PNTĐ) - Việt Nam đang tiến đến một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực viễn thông khi chuẩn bị cấp phép cho dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO), mở đường cho hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam ngay trong quý IV năm nay.
Luật Dữ liệu đi vào đời sống, trở thành khung pháp lý toàn diện về dữ liệu để vận hành quốc gia

Luật Dữ liệu đi vào đời sống, trở thành khung pháp lý toàn diện về dữ liệu để vận hành quốc gia

(PNTĐ) - Luật Dữ liệu (Luật số 60/2024/QH15) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật này quy định về dữ liệu số, bao gồm xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu số, cùng các quy định liên quan đến Trung tâm dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Có thể nói, lần đầu tiên Việt Nam có một bộ công cụ pháp lý đồng bộ cho dữ liệu, vừa kịp thời, vừa đúng thời điểm.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.