Nữ doanh nhân 8X: Khởi nghiệp để hỗ trợ sinh kế cho các startup trẻ
(PNTĐ) - Với mong muốn kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương được hiệu quả, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn, bền vững, chị Nguyễn Thúy Hằng - Giám đốc công ty TNHH Sinh Kế Việt đã quyết định rẽ ngang từ lĩnh vực xây dựng, bất động sản, sang "khởi nghiệp" trong lĩnh vực hỗ trợ sinh kế cho các startup.
Khởi nghiệp... từ đam mê với sản phẩm nông sản sạch, thuận tự nhiên
Ở độ tuổi 36, khi kinh nghiệm và kiến thức đã ở độ "chín", năm 2021, chị Nguyễn Thúy Hằng (SN 1986, trú tại Hà Nội) quyết định dấn thân vào con đường "khởi nghiệp" bằng việc thành lập công ty TNHH Sinh Kế Việt. Tuy nhiên, phải đến năm 2023, khi đã nghiên cứu, đánh giá thị trường một cách kỹ lưỡng, cũng như có đề án kinh doanh phù hợp, công ty TNHH Sinh Kế Việt mới chính thức đi vào hoạt động, triển khai chương trình hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp, cũng như xây dựng cộng đồng và đưa sản phẩm ra những cộng đồng người tiêu dùng.
Theo đó, sản phẩm chính mà công ty hướng đến là các dịch vụ hỗ trợ sinh kế khởi nghiệp và tài nguyên bản địa tại các địa phương. Trong quá trình hỗ trợ, công ty TNHH Sinh Kế Việt cũng triển khai mở rộng các dịch vụ về thương mại, giống như một "bệ phóng" cho các đơn vị về sinh kế. Nói như vậy không có nghĩa Sinh Kế Việt chỉ "kinh doanh dịch vụ", mà đơn vị cũng có sản phẩm tự sản xuất, hoặc mua, chuyển giao công nghệ.
Tiêu biểu trong thời gian qua là sản phẩm mật ong probiotics do Sinh kế Việt hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đây là dòng sản phẩm thiên về lợi khuẩn, giúp con người có thể hấp thu dưỡng chất và tăng cường sức khỏe tốt hơn. Nhưng theo chia sẻ của chị Hằng, những sản phẩm như mật ong sẽ là chỉ là một số sản phẩm cơ bản của Sinh Kế Việt. Còn lại, đơn vị sẽ là một nơi kết nối. Kết nối từ những bạn sinh kế khởi nghiệp địa phương có sản phẩm tốt và an toàn, để đưa đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ thêm về lý do rẽ ngang, khởi nghiệp ở một mảng hoàn toàn mới, lại còn khá muộn nếu tính về độ tuổi, chị Nguyễn Thúy Hằng bộc bạch: Trước đây mình từng làm việc bên ngành xây dựng, bất động sản, và cũng đã có những trải nghiệm của bản thân. Bản thân mình rất đam mê sản phẩm nông nghiệp thuận tự nhiên, sạch, an toàn. Tuy nhiên đứng ở góc độ người tiêu dùng mình thấy trên thị trường đang rất thiếu, hoặc nhiều sản phẩm tốt vẫn chưa thực sự đến được với người dùng. Bởi vậy, mình quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp sạch.
"Khi mình khởi nghiệp, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch, bản thân cũng hiểu được những khó khăn startup phải trải qua là không ít. Vì vậy, mình muốn góp một phần sức lực, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân ở cả góc độ người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất, thậm chí vấp ngã của bản thân cho các startup, để họ bớt những khó khăn trên chặng đường đi đến thành công. Rất vui khi đến nay Sinh Kế Việt đã kết nối, hỗ trợ được gần chục đơn vị khởi nghiệp, để đưa lên hệ sinh thái của những người tiêu dùng cũng như chuyên gia ở lĩnh vực hỗ trợ về sản xuất, tư vấn khởi nghiệp. Trong đó, khoảng gần 30 sản phẩm Sinh Kế Việt đang hỗ trợ đã lên các sàn như Shopee, có các kênh phân phối lẻ và mức tiêu thụ tương đối ổn định" - chị Hằng nói.
Đi chậm nhưng chắc, kỷ luật để phát triển bền vững
Có thể thấy, với một doanh nghiệp khởi nghiệp mới đi vào hoạt động như Sinh Kế Việt, việc xây dựng được mạng lưới startup và 30 sản phẩm đưa lên các sàn thương mại, có doanh thu tốt cũng là một kết quả ấn tượng. Mà bí quyết để có những thành công bước đầu, theo chị Hằng bật mí chính là ở sự kỷ luật, kỹ lưỡng và khắt khe từ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp khởi nghiệp mà Sinh Kế Việt sẽ đồng hành.
Tiêu chí đầu tiên trong số đó là sự lựa chọn về con người. Khi mà mình thấy họ có tiềm năng, lòng nhiệt huyết, quyết tâm và sản phẩm của họ vừa tốt lại có sự trau dồi... thì mình sẽ đồng hành hỗ trợ cùng họ. Nhưng tất cả các startup đều phải trải qua một khoảng thời gian thử thách. Trong quá trình ấy, Sinh Kế Việt sẽ mời các chuyên gia tới hỗ trợ miễn phí các startup hoàn thành sản phẩm, tạo ra tem, nhãn thương hiệu, các giấy tờ về pháp lý... để bước đầu có thể thương mại được.
Sau đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tiến hành thu thập trải nghiệm, đánh giá của khách hàng. Ví dụ trong 100 người tiêu dùng sản phẩm, có 80 người hài lòng, 20 người vẫn chưa hài lòng... thì startup sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để sản phẩm đạt hiệu quả và độ hài lòng cao nhất.
"Nguyên tắc của mình là mọi sản phẩm đều phải có sự bảo chứng sát sao, khách quan từ người tiêu dùng, mình sẽ tiếp tục hỗ trợ để startup thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Tất nhiên, từ chỉ số chất lượng hay quy định pháp luật khi thương mại hóa sản phẩm... đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật" - chị Hằng chia sẻ.
Sở dĩ lựa chọn áp dụng các quy định khắt khe, thay vì "nới lỏng" tiêu chí để tăng độ bao phủ về số lượng, chị Nguyễn Thúy Hằng phân tích: Ngay từ khi khởi nghiệp mình đã xây dựng Sinh Kế Việt với mục tiêu, trọng tâm được xác định rõ ràng. Với mình, người tiêu dùng rất quan trọng, và những sinh kế khởi nghiệp trong môi trường càng khắt khe, họ sẽ càng trưởng thành, dù ban đầu sẽ khó khăn, đi những bước chậm nhưng nhưng sau này họ sẽ có điểm tựa, bệ phóng để tiến những bước lớn; quan trọng nhất là có uy tín, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Tính đến nay, sau khoảng 10 tháng đi vào hoạt động, hệ thống Sinh Kế Việt đang có khoảng 10.000 người tiêu dùng là khách hàng thường xuyên, trung thành, số lượng tăng liên tục. Đó là sự đánh giá chất lượng chính xác, thiết thực nhất đối với những startup.
Tất nhiên không phải chỉ các startup khi tham gia Sinh Kế Việt mới cần nỗ lực, mà ngay chính Sinh Kế Việt cũng phải hoàn thiện bản thân từng ngày. Việc Sinh Kế Việt tham gia Chương trình giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp xanh và khóa đào tạo, được tổ chức bởi CTCP truyền thông Việt Nam Startup TV trong khuôn khổ đề án 844 là một minh chứng.
"Tham gia những hoạt động như vậy, trước hết mình có sự giao lưu, va chạm với các bạn khởi nghiệp. Ngoài ra mình còn được nghe các chuyên gia góp ý, tư vấn cho hệ sinh thái của mình. Đồng thời, bản thân Sinh Kế Việt cũng là doanh nghiệp khởi nghiệp, mình muốn hỗ trợ các doanh nghiệp khác thì bản thân phải cùng đồng hành, biết được mong muốn, nguyện vọng, khó khăn của họ để tập trung hỗ trợ, khắc phục và cùng nhau đạt kết quả tốt hơn" - chị Nguyễn Thúy Hằng nói.
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) - ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ thực hiện đề án, công ty CP Truyền Thông Vietnam Startup TV được nhận nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với quốc tế”... thông qua các khóa đào tạo nâng cáo/ huẩn luyện kinh doanh thực chiến dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.