Nữ giám đốc đau đáu với sứ mệnh “nâng tầm” giá trị sản phẩm mận Mộc Châu
(PNTĐ) - Trái mận hậu được biết đến là một trong những loại quả đặc sản của Mộc Châu. Trước đây, các đơn vị hầu như chỉ khai thác và kinh doanh mận theo mùa vụ. Nhưng qua sự tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong bảo quản mận tươi của nữ doanh nhân Hà Thị Thu Hiền, sản phẩm mận Mộc Châu có thể được chế biến và bán trên thị trường quanh năm.
Từ ước mơ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương
Hiện, chị Hà Thị Thu Hiền đang là giám đốc của Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc, với các sản phẩm chủ chốt là trà, mận hậu Mộc Châu tươi và chế phẩm từ mận.
Sản phẩm được sản xuất theo mô hình canh tác khép kín, an toàn từ khâu liên kết với nông dân để canh tác, thu hái sản phẩm mận tươi. Với mô hình bảo quản mận tươi theo công nghệ xuất khẩu châu Âu, sản phẩm mận của Châu Mộc có thể được bảo quản quanh năm. Cho nên khi mận chính vụ hết rồi, hợp tác xã Châu Mộc vẫn còn mận tươi để chế biến, cung ứng ra thị trường.
Chia sẻ về lý do quyết định lựa chọn khởi nghiệp với sản phẩm mận Mộc Châu, chị Hà Thị Thu Hiền bộc bạch: "Mình vốn là một người con sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu. Thật ra ngày từ khi ra trường mình đã muốn quay về quê hương để khởi nghiệp. Nhưng lúc ấy mình chưa có kiến thức, kinh nghiệm, nên muốn tiếp cận nhiều hơn với các đơn vị bên ngoài để học hỏi mô hình kinh doanh, kiến thức thực tiễn.
Vì thế mình đầu quân cho một công ty chuyên về xuất nhập khẩu của Nhật Bản. Sau một thời gian chuẩn bị, đến tháng 10/2023, mình quyết định đi vay vốn và thành lập và đưa mô hình Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc đi vào vận hành".
Còn về việc vì sao chọn mận hậu là sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã, chị Hiền chia sẻ: Bản thân mình là người con Mộc Châu, mình luôn muốn đưa những sản phẩm của quê hương ra thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương. Nhưng nhiều sản phẩm như mận hậu Mộc Châu lại chỉ có thể thu hoạch theo mùa vụ, nếu muốn có quanh năm và đáp ứng được nhu cầu thị trường, buộc phải có một hướng đi khác, phải ứng dụng công nghệ vào bảo quản, chế biến.
"Vì thế, khi vận hành mô hình Hợp tác xã Châu Mộc, mình vừa có thể chủ động thu mua mận của bà con nông dân với giá cao hơn thị trường từ 10-15%, mà còn đem sản phẩm mận an toàn đến với người tiêu dùng cả nước. Đặc biệt, mận hậu Mộc Châu còn có thể được bán quanh năm, mà vẫn giữ được chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm.
Ngoài sản phẩm từ mận, hiện đơn vị đang phát triển một số dòng sản phẩm lên men theo công nghệ probiotics để tạo sự phong phú cho chế phẩm từ mận trên thị trường. Như trong năm 2024, hợp tác xã Châu Mộc thu hoạch được 30 tấn mận tươi, trong đó chủ yếu nhập vào các kênh siêu thị; ngoài ra 4 tấn mận để làm sản phẩm khác như ô mai, siro... Do các sản phẩm mận của đơn vị không có chất bảo quản nên hương vị khá khác biệt so với các sản phẩm thông thường" - chị Hiền nói.
Và hành trình vượt khó để thành công
Để gặt hái những thành tựu bước đầu như hôm nay, với chị Hiền không phải một điều dễ dàng. "Là đơn vị mới khởi nghiệp nên kinh tế của mình khá khó khăn. Số vốn khởi nghiệp hơn 300 triệu ban đầu của mình toàn bộ là đi vay ngân hàng, mà cũng phải là nhờ ông bà, gia đình đứng tên vay hộ. Chưa kể việc thuyết phục được người dân ở đây thay đổi thói quen canh tác, thu hoạch, để chăm bón, thu hái mận theo quy trình của mình cũng không hề dễ dàng. Tâm lý của người nông dân còn là sự e ngại, lo rằng đối tác không thu mua sản phẩm trong khi phải đầu tư khoản chi phí cho sản xuất cao hơn bình thường.
Năm 2023 hợp tác xã Châu Mộc đi vào vận hành nhưng từ 2021, chị Hiền đã bắt đầu xúc tiến việc liên kết với các hộ nông dân để có nguồn cung và hướng dẫn họ phối hợp cùng sản xuất mận theo quy trình khép kín.
Và dù chưa nhìn thấy sản phẩm nhưng chị đã chủ động ký cam kết bao tiêu đầu ra, đảm bảo giá thu mua cao hơn giá thị trường 10%... với người nông dân, đồng thời cung ứng trước một lượng vốn nhất định để họ yên tâm, tin tưởng. Người nông dân còn được cung cấp từ phân bón, thuốc vi sinh... theo quy trình an toàn; sản phẩm mận được thu hái tại vườn, sau đó là mới đưa về kho để lọc sạch cũng như là đóng gói, bảo quản, đưa vào chế biến" - nữ giám đốc cho hay.
Không riêng về vốn, nguyên liệu, chị Hiền chia sẻ thêm: Khi làm nông nghiệp sạch cảm giác khá cô đơn, khi xung quanh mình đa phần mọi người chỉ tập trung vào sản lượng, doanh số. Còn với nông nghiệp sạch, không ít thời điểm mình phải chấp nhận việc hòa vốn, thậm chí lấy công làm lãi. Chưa kể, làm những sản phẩm nông nghiệp này, gần như mình phải nằm vùng với người nông dân tại khu vực trồng mận (cách nhà khoảng 20 - 25km), nên mình không thể về nhà thường xuyên. Nếu không có gia đình hỗ trợ việc chăm sóc con cái, hành trình khởi nghiệp sẽ vô cùng gian nan, trắc trở.
Khó khăn là thế nhưng khá may cho chị Hiền khi nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương về cơ chế, cũng như hỗ trợ về công nghệ của một số cá nhân, đơn vị. Một trong số đó là mentor Hoàng Xuân Công - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam, người đã hỗ trợ hợp tác xã Châu Mộc về công nghệ sấy.
“Công nghệ sấy trước đây tại địa phương cho ra mẫu mã thường không được đẹp, khẩu vị cũng chưa phù hợp với số đông. Nhưng qua thầy Công kết nối với trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, mình tiếp cận được với công nghệ sấy lên men giúp cải thiện chất lượng sản phẩm. Chưa kể, thời gian qua mình còn có cơ hội tham gia một số khóa đào tạo trong chương trình Đề án khởi nghiệp quốc gia 844, hợp tác xã Châu Mộc cũng mở rộng được thêm đối tác, đơn vị phối hợp” - chị Hiền phấn khởi nói.
Không dừng lại ở đó, nữ doanh nhân Hà Thị Thu Hiền còn đang ấp ủ dự định xây dựng một khu vườn trải nghiệm, để khách du lịch có thể tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất của hợp tác xã Châu Mộc từ trồng trọt tới thu hái, và trực tiếp dùng sản phẩm tại vườn. Đồng thời, chị cũng đang tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật trồng mới để làm sao vừa đảm bảo sản lượng, vừa đảm bảo mẫu mã sản phẩm mận Mộc Châu.
“Một tin mừng với hợp tác xã Châu Mộc, là năm 2024, sản phẩm mận của đơn vị được các kênh siêu thị, bán lẻ rất ưa chuộng; đồng thời sản phẩm mận còn xuất khẩu được một phần qua kênh tiểu ngạch đến thị trường Lào. Đây là những tín hiệu mừng, cũng là động lực để hợp tác xã Châu Mộc thêm quyết tâm trên hành trình mình lựa chọn” - chị Hiền vui mừng khoe.