Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không yếu thế trong giáo dục STEM

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) có đóng góp đáng kể cho sự đổi mới và phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong xã hội tri thức. Cùng với cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu lao động trong lĩnh vực STEM ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay lao động trong khối ngành này vẫn còn thiếu, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM còn rất thấp. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của phụ nữ, mà còn hạn chế khả năng phát triển kinh tế của quốc gia.

Phụ nữ vẫn chưa được cởi mở khi dấn thân vào STEM

Có bài thuyết trình tại sự kiện “Ngày hội Truyền cảm hứng nghề nghiệp: Thúc đẩy phái nữ tham gia STEM và Chuyển đổi số” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao Năng lực Phụ nữ (CEPEW) và Liên minh Thúc đẩy Giáo dục STEM (SEPA) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, đã chỉ ra một vài con số cho thấy thực trạng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong các ngành kỹ thuật – công nghệ, vốn được xem là nhóm ngành trụ cột của sự phát triển kinh tế và công nghiệp hiện đại.

Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không yếu thế trong giáo dục STEM - ảnh 1
Diễn đàn tiếng nói giáo dục STEM và chuyển đổi số dành cho phái nữ - Thường niên lần thứ nhất (2025)

Ông dẫn ra: Phụ nữ chỉ chiếm 29% lực lượng lao động STEM và 52% lực lượng lao động có trình độ đại học. Số lượng phụ nữ giữ các vị trí trong hội đồng quản trị trong các ngành liên quan đến STEM vào năm 2020 là 19,2%, tăng 18,3% so với năm trước. Phụ nữ chỉ chiếm 3% trong số các CEO của ngành STEM.

Có 29,3% các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là phụ nữ. Phụ nữ chiếm 8% số lượng tuyển sinh toàn cầu vào các khóa học sản xuất, xây dựng và kỹ thuật; chiếm 10,9% các công việc liên quan đến xây dựng.

Có nhiều lý do dẫn đến việc tỉ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) này còn hạn chế, như: còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang “lỡ hẹn” với STEM vì định kiến giới và rào cản từ gia đình cũng như xã hội.

 Đa phần phụ huynh chỉ muốn con gái học ngành chăm sóc sắc đẹp hay kinh tế- những ngành nghề mà theo họ là nhẹ nhàng, phù hợp với con gái. Họ không muốn con gái theo ngành kỹ thuật vì sợ ngành nghề này vất vả. Điều này là có thật, như lời Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội nêu thực trạng: “80% sinh viên của trường theo học ngành kỹ thuật và năm vừa rồi chỉ có duy nhất 1 bạn nữ.

Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không yếu thế trong giáo dục STEM - ảnh 2
PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông trình bày về Thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia STEM và chuyển đổi số.

Chuyên gia về giới của UN Women Đặng Thanh Mai cho biết, xã hội ngày nay vẫn tồn tại định kiến giới. Trong khi nam giới được cho là mạnh mẽ, quyết đoán, có khả năng lãnh đạo, thì nữ giới bị coi là yếu đuối, không phù hợp với công việc đòi hỏi tính cạnh tranh cao. Nhiều người cho rằng phụ nữ không có khả năng vượt trội trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, dẫn đến việc hạn chế cơ hội học tập và việc làm cho phụ nữ trong những ngành này.

Lấp đầy khoảng trống về giới trong khoa học, công nghệ

Ông Nguyễn Tiến Đông khuyến nghị rằng cần thiết về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, để xây dựng các chương trình toàn diện, thúc đẩy sự tham gia và thành công của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực STEM.

Các chương trình này cần hướng đến việc tạo ra môi trường học tập và làm việc thân thiện, thúc đẩy nữ giới tham gia các ngành nghề kỹ thuật – công nghệ, đồng thời xóa bỏ các định kiến và rào cản xã hội, nhằm đạt được sự bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực này.

Theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong STEM không chỉ là vấn đề bình đẳng, mà còn là chất xúc tác cho sự đổi mới, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Khi nguồn lực chỉ đến từ nam giới, ngành kỹ thuật không thể tận dụng được tối đa tiềm năng của cả xã hội. Sự ra đời và đi vào cuộc sống của Nghị quyết 57, cùng sự chung tay Đảng, Nhà nước, Quốc hội và mọi thành phần trong xã hội trong xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ bình đẳng giới và đào tạo chuyên môn cho lao động nữ và lãnh đạo nữ sẽ đảm bảo họ được tham gia, hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế số một cách công bằng, bền vững.

Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không yếu thế trong giáo dục STEM - ảnh 3
Các em học sinh tại Diễn đàn “Tương lai số: Phụ nữ và trẻ em Việt Nam trong STEM”. 

Còn theo bà Phạm Thúy Hạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã và đang có nhiều định hướng chính sách về chuyển đổi số, trong đó luôn tập trung và nhấn mạnh những cơ hội phát triển dịch vụ số cho phụ nữ.

Bà Hạnh cho hay, Đảng và Chính phủ ban hành nhiều văn bản, nghị quyết để triển khai các chính sách về chuyển đổi số như: Nghị quyết số 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chiến lược, Chương trình chuyển đổi số, phát triển công nghệ số: hướng tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới, mô hình mới; đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành; chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, lối sống, làm viêc, học tập của người dân.

Chính phủ có Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Các bộ, ngành, địa phương đều có kế hoạch về chuyển đổi số.

Những đòn bẩy này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận và thêm yêu thích, đam mê với khoa học công nghệ.

Còn theo bà Tống Khánh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), cần có chính sách đặc thù, nhạy cảm giới và đáp ứng giới, liền mạch, được phân bổ nguồn lực tài chính để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Cần ghi nhận khó khăn, thách thức mang tính hệ thống ngăn cản phái nữ tiếp cận STEM và chuyển đổi số. Và cuối cùng, cần thúc đẩy bình đẳng giới từ trong mỗi gia đình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đẩy mạnh chính sách thu phí "0 đồng" đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến

Đẩy mạnh chính sách thu phí "0 đồng" đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài Chính bảo đảm bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách cho khoa học công nghệ.
Đoàn viên, thanh niên là trung tâm, chủ thể thực hiện Nghị quyết 57

Đoàn viên, thanh niên là trung tâm, chủ thể thực hiện Nghị quyết 57

(PNTĐ) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy kêu gọi đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy; hăng hái học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, kỹ năng số; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.