“Bị thiêu sống” và tư tưởng giải phóng phụ nữ

Chia sẻ

(PNTĐ) -Với tôi, cuốn sách “Bị thiêu sống” của tác giả Souad là cuốn sách hay nhất mà tôi đã được đọc. Đọc cuốn sách ấy tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được sống trong một cuộc sống bình yên, công bằng, văn minh.

“Bị thiêu sống” là hồi ký có thật, đầy đau khổ của Souad - cô gái trẻ sống ở vùng nông thôn hẻo lánh của Palestine. Trong văn hóa của người Ả rập, người phụ nữ như là nô lệ và tính mạng của họ bị đe dọa bất cứ lúc nào, rẻ rúng hơn cả những vật nuôi trong gia đình trong khi người đàn ông được xem là vua chúa, được hầu hạ, cung phụng bởi những người phụ nữ xung quanh. Phụ nữ phải làm việc quần quật từ những việc nhẹ nhàng đến nặng nhọc và bị áp đặt bởi những luật lệ không tên do những người đàn ông trong xã hội đề ra. Họ không được bước chân ra cổng, đi phải cúi đầu, không được để người khác thấy mặt nếu không sẽ bị xem là charmuta (con đĩ) và bị xử tội bởi những người đàn ông trong gia đình. 

Theo quy định, những người con gái lần lượt bị gả theo thứ tự độ tuổi, vì người chị kế chưa có ai cầu hôn nên Souad cũng không được phép lấy chồng. Với khao khát của một người phụ nữ muốn giải thoát mình, cô đã lén lút quan hệ tình cảm với một người đàn ông rồi bị phụ tình và mang trong mình một bào thai. Cuối cùng mọi chuyện bị vỡ lở và cô bị thiêu sống bởi người anh rể trước sự chứng kiến của mọi người.

Những người cứu Souad- một tổ chức nhân đạo của Thụy Sĩ và gia đình đã động viên, giúp đỡ cô thuật lại toàn bộ ký ức của mình để cuốn sách được ra đời. Rất nhanh chóng, cuốn sách được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên toàn thế giới với nỗ lực không ngừng để bảo vệ, giúp đỡ những người phụ nữ bất hạnh; tuyên truyền và thương thảo với chính quyền để thay đổi quan niệm và điều luật ở một số nước Hồi giáo. Cuốn sách tiếp thêm sức mạnh cho những người phụ nữ để họ có thể nhận thức đúng và sẽ không nhẫn nhục, chấp nhận những điều bất công như một lẽ hiển nhiên trong cuộc sống.  

Từng câu, từng chữ của “Bị thiêu sống” như một con dao cắt vào tâm trí người đọc như một nỗi ám ảnh đáng sợ về thân phận con người giữa thời hiện đại. Tuy kết thúc câu chuyện không phải là một cái kết “màu hồng” như trong truyện cổ tích nhưng đã cho người đọc thấy được “tội ác vì danh dự” chính là thứ “sản phẩm” tồi tệ mà con người “sản xuất” ra. Chỉ vì thứ danh dự hão huyền mà người đàn ông đặt ra những hủ tục quái ác, sẵn sàng chà đạp lên thể xác và tinh thần người phụ nữ. Souad đã đấu tranh nội tâm dữ dội, từ một người phụ nữ bị thiêu sống, không toàn vẹn thân thể với những vết sẹo xấu xí, từ một người phụ nữ không biết đọc, không biết viết, cô đã hòa nhập nền văn hóa mới, có thể sống như một người bình thường và tìm ra hạnh phúc đích thực của đời mình. Cô là nhân chứng sống dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình để tất cả mọi người, đặc biệt những người đàn ông ở đất nước cô có thể đọc được và suy ngẫm. Con người không chỉ sống cho chính họ, cho gia đình họ mà còn phải tìm ra chân lý, thừa nhận những giá trị tốt và dám dấn thân để theo đuổi lý tưởng của mình với hy vọng một thế giới ngày càng văn minh hơn. 

Câu chuyện về cuộc đời Souad đã giúp tôi nhận thức được về vấn đề “bình đẳng giới”, giúp tôi biết trân trọng cuộc sống thực tại của mình hơn, hình thành trong chính con người mình một trách nhiệm cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình. 

Kiều Thị Hồng 
(Hội viên phụ nữ xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.