Cuốn sách gối đầu giường của tôi
PNTĐ-Câu chuyện “Tôi đi học” không chỉ cho tôi những bài học về nghị lực sống, đam mê học tập, lòng tự trọng mà còn là câu chuyện thấm đẫm tình bè bạn và thầy trò.
![]() |
“Tôi đi học” là cuốn sách mà tôi được bố thưởng khi đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các môn học” năm ngoái cùng với lời đề tặng: “Đây là cuốn sách về tấm gương tràn đầy nghị lực - Nguyễn Ngọc Ký - người đã dùng đôi chân viết nên cuộc đời thật đẹp”. Từ ngày ấy đến bây giờ, tôi tin là cả sau này cũng vậy “Tôi đi học” vẫn mãi là cuốn sách gối đầu của tôi. Qua cuốn sách này, tôi đã học được rất nhiều bài học đáng quý về nghị lực sống, lòng lạc quan và niềm say mê học tập.
“Tôi đi học” là cuốn hồi ký của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết về thuở ấu thơ cắp sách đến trường. Sau một đêm cuối đông giá rét Ký bị cảm nặng, lên cơn sốt bại liệt trong hầm trú ẩn cùng gia đình và dân làng, khi quân giặc đang điên cuồng càn quét bên ngoài. Cha Ký đành tìm các thầy lang, mẹ Ký thì cầu cúng... Thế rồi ba ngày sau Ký hết sốt nhưng “hai cánh tay nặng trịch, như không phải tay của chính mình…”.
Hồi đó, Ký vừa tròn bốn tuổi! Đọc đến đoạn cậu bé Ký chỉ biết “đứng lặng nhìn xuống đôi tay buông thõng của mình, mặc cho hai dòng lệ ứa trào từ lúc nào” còn các bạn đang nô đùa chơi đánh đáo, tôi xúc động vô cùng. Nhìn lại thử thách nghiệt ngã ấy với thầy Ký, tôi thầm cảm ơn cuộc sống, cảm ơn bố mẹ bấy lâu đã thật ưu ái mình. Vậy mà bấy lâu nay tôi chưa sống thực xứng đáng, thật đáng trách! Tôi tự nhủ mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn để sống một cuộc đời đáng sống như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký!
Cậu bé Ký, dù đã bị liệt hai tay, nhưng ước mơ của cậu không vì thế mà khô cạn. Cậu khát khao, mong ước được cắp sách đến trường giống bao bạn bè cùng trang lứa. Khát vọng giản dị được giống như bao người bình thường sao mà lại khó khăn đến thế? Chẳng lẽ cậu chỉ cho phép mình “nao nao như thèm muốn thứ gì”, cho phép mình “chạy ra ngõ ngắm bọn trẻ đi học, qua kẽ nứa nheo mắt nhìn vào lớp” thôi hay sao? Không! Bằng quyết tâm và niềm say mê được mở mang tri thức, cậu bé Ký đã dũng cảm bước vào lớp xin được đi học - dù còn ấp úng, dù mới đầu bố mẹ và cô giáo còn chưa tin, chưa đồng ý cho cậu đi học. Rồi về sau, cảm phục trước lòng nhiệt huyết của Ký, cô giáo đã đến tận nhà đưa Ký đến trường. Và bắt đầu từ ấy, là những chuỗi ngày đầy khó khăn, thử thách với cả Ký và bạn bè, người thân…
Tôi khâm phục nhất là khi Ký tự quay được com-pa bằng chân - việc này, ngay với bản thân tôi, dùng tay quay com-pa đã vô cùng khó khăn rồi, huống chi là bằng chân. Hẳn cậu đã phải nỗ lực nhiều đến thế nào mới làm được điều ấy. Nhưng tôi cho rằng, việc làm thể hiện rõ nhất nghị lực phi thường nhất của Ký đó là cậu đã vượt qua định kiến của mọi người, tự đặt niềm tin vào chính khả năng của mình, khi không một ai tin cậu có thể làm ngần ấy việc chỉ với đôi chân. Trong mắt tôi, đó là việc làm dũng cảm nhất của huyền thoại mang tên Nguyễn Ngọc Ký. Bên cạnh đó, tôi còn thấy ở Ký là lòng tự trọng đáng ngưỡng mộ. Khi Nghiệp, bạn cùng lớp muốn cậu về ở trọ cùng, cậu một mực từ chối vì sợ việc sinh hoạt cá nhân của mình làm ảnh hưởng đến bạn.
Câu chuyện “Tôi đi học” không chỉ cho tôi những bài học về nghị lực sống, đam mê học tập, lòng tự trọng mà còn là câu chuyện thấm đẫm tình bè bạn và thầy trò. Bằng, Nghiệp, Bích… chẳng quản đường xa, sẵn sàng đi thêm vài cây số để cùng đưa Ký đi học mỗi ngày, chép bài hộ Ký khi cậu bị gãy tay phải nghỉ học… Những người bạn ấy chẳng khác gì anh chị em ruột thịt của Ký. Ruột thịt không phải là ở máu mủ, mà ruột thịt ấy là ở tình cảm yêu thương, lo lắng, quan tâm chân thành. Đó còn là cô Cương, thầy Mộc, thầy Lập, thầy Hiệu trưởng... như những người cha, người mẹ thứ hai của Ký.
Tôi ấn tượng nhất chính là hình ảnh cô giáo Cương “cầm chân” dạy Ký viết những nét chữ đầu tiên. Từ một cậu bé tật nguyền đôi tay, bằng niềm lạc quan sống, khát khao mở mang về tri thức Ký đã tự viết được bài, có những bài kiểm tra đạt điểm cao tuyệt đối, còn dành được danh hiệu “Học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc” năm 1963 và hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu. Hẳn đó là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho bao mồ hôi, nước mắt, nỗ lực của Ký!
Với bản thân tôi, câu chuyện “Tôi đi học” của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là “hạt giống ươm mầm” trong tôi bao xúc cảm, truyền lửa cho tôi niềm ham học và niềm tin vào khả năng của bản thân. Tôi sẽ nỗ lực trở thành một thầy giáo, một nghề đầy cao quý như thầy Mộc, thầy Lập,… và thầy Nguyễn Ngọc Ký!
Hoàng Phi Long
Lớp 5A4, trường Tiểu học Hùng Vương - tỉnh Vĩnh Phúc
Lớp 5A4, trường Tiểu học Hùng Vương - tỉnh Vĩnh Phúc