“Khóc giữa Sài Gòn”
PNTĐ-Đọc “Khóc giữa Sài Gòn”, tôi nhận ra được những góc khuất ẩn sâu trong đó, cũng nhận ra được cái tôi và con người thật của chính mình.
![]() |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Sài Gòn đối với tôi lạ lẫm lắm, thách thức lắm mà cũng bí ẩn lắm. Đằng sau một Sài Gòn quyến rũ đến thế, sôi động đến thế, vẫn có người bận rộn không dám tận hưởng niềm vui, mệt mỏi đến mức bật khóc. “Khóc giữa Sài Gòn” của tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch đã giúp tôi nhận ra một Sài Gòn rất riêng biệt.
Lời đề tựa của cuốn sách chính là nguyên nhân thu hút tôi: “Hãy đọc nó khi bạn đủ trưởng thành”. Lần đầu mang sách về nhà, mẹ tôi đã nói: “Đây là sách người lớn, con không được phép đọc”. Lúc ấy, tôi đã nói với mẹ rằng: “Con mẹ 17 tuổi rồi, cuốn này là 16+ ạ”.
Bằng một cách nào đó, “Khóc giữa Sài Gòn” đến với tôi thật tự nhiên và tình cờ. Trong thế giới ấy, tôi đã gặp gỡ rất nhiều loại người với những hoàn cảnh không giống nhau. Là Phan, một người ảnh hưởng bởi giáo dục phương Tây, được dạy rất nhiều thứ, nhưng điều quý giá nhất anh đem về sau khi hoàn thành chương trình học đó là câu nói của một người ăn xin từng gặp bên đường lúc cho ông ta mấy đồng xu lẻ: “Cậu cho tôi một đồng, là cứu sống tôi trong lúc này, và giết chết tôi ở những ngày tiếp theo”. Làm việc trong tòa soạn báo “Thiên đường”, chính Phan lại là người bắt đầu và kết thúc tất cả mọi chuyện trong cuốn sách.
Là Nam, chàng trai trẻ yêu Phan hơn sinh mệnh, trong đầu luôn nghĩ về cái chết, về cái cảm giác khi linh hồn lìa khỏi thân xác, và cậu thấy kích thích vì điều đó. Ở một góc khác, ta bắt gặp Tú – anh phóng viên cấp dưới của Phan, mới vào Sài Gòn lập nghiệp cách đây hai năm. Đem theo hoài bão, ước vọng kiếm thật nhiều tiền, Tú bước chân tới đây trong tâm trạng đầy háo hức, lạ lẫm. Ấy thế mà dòng đời xô đẩy, lần đầu tiên anh phải đối mặt với lương tâm, giữa công việc và đạo đức. Cuối cùng, anh bỏ qua đạo đức chỉ vì câu nói của Phan: “Nếu Tú cần đạo đức, tôi sẽ trả đạo đức lại cho Tú, để Tú có thể nhẹ lòng với cái lương tâm của mình. Nhưng tôi muốn Tú nhớ, đạo đức không bào ra ăn được đâu.”
Tình cờ gặp nhau trên chuyến xe lên Sài Gòn hai năm trước, Tú và Thụy trở thành bạn bè. Bởi nỗi nhục của sự nghèo đói, nỗi khao khát của cái giàu, Thụy phải kiếm tiền bằng đủ mọi nghề, thậm chí dù không biết “lương tâm đáng giá bao nhiêu” nhưng nếu đói quá, có bán được cậu cũng bán.
Cuộc đời may mắn cho Mễ gặp và yêu Tú. Hai người trẻ đều thấy lạc lõng giữa Sài Gòn phồn hoa đã giúp nhau vượt qua và đứng lên tìm lại sự đẹp đẽ vốn có của nó, thức tỉnh họ trong cơn say của đồng tiền, của nhục dục, để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Cái chết của Nam đã chấm dứt câu chuyện, cũng chấm dứt luôn cả những thứ dơ bẩn mà Phan, với Tú đang làm. Đó có thể là những bài báo vì muốn câu view mà sẵn sàng dựng chuyện bỏ qua sự thật. Hoặc cũng có thể là những lần đắm chìm trong trụy lạc, vang vọng đâu đây vẫn là thứ âm nhạc đinh tai nhức óc của quán bar.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, các nhân vật trong cuốn truyện của Nguyễn Ngọc Thạch, liệu họ còn yêu Sài Gòn hay không? Liệu còn thấy Sài Gòn đẹp nữa chứ? Câu trả lời là có. Trước khi dừng bút, tôi mạn phép xin được trích câu nói của Mễ khi cảm nhận về vẻ đẹp của Sài Gòn như thế này: “Với Mễ, Sài Gòn luôn đẹp, vì tại nơi đó có những người Mễ yêu thương, dẫu, chỉ được gặp họ ở một khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời, để rồi lại phải tách nhau ra. Nhưng Mễ tin rằng, một ngày nào đó, mọi người sẽ được gặp nhau ngay tại mảnh đất Sài Gòn nữa. Có khi chẳng để làm gì hết, chỉ là được ôm nhau vào lòng và khóc. Vì sao lại là khóc mà không phải mỉm cười? Vì tiếng khóc, là bắt đầu của một sinh linh mới, của một sự sống mới (…) “.
Đọc “Khóc giữa Sài Gòn”, tôi nhận ra được những góc khuất ẩn sâu trong đó, cũng nhận ra được cái tôi và con người thật của chính mình.
Nguyễn Ngọc Châu Anh
(Lớp 12 chuyên Văn – trường THPT chuyên Đại học Sư phạm)
(Lớp 12 chuyên Văn – trường THPT chuyên Đại học Sư phạm)