Lòng yêu nước trong “Người quản tượng của vua Quang Trung”

Chia sẻ

PNTĐ-Tôi rất thích đọc cuốn sách “Người quản tượng của vua QuangTrung” của nhà văn Ngọc Toàn do NXB Kim Đồng phát hành chính thức vào ngày 10/06/2017, sau một năm nhà văn ra đi...

 
Lòng yêu nước trong “Người quản tượng của vua Quang Trung” - ảnh 1
 
Tôi rất thích đọc cuốn sách “Người quản tượng của vua QuangTrung” của nhà văn Ngọc Toàn do NXB Kim Đồng phát hành chính thức vào ngày 10/06/2017, sau một năm nhà văn ra đi...
 
Những trang sách nhỏ đã dựng lên bức tượng đài sừng sững, kiêu hùng của Vua tôi nhà Trần, của Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân... phục dựng lại một giai đoạn lịch sử sáng chói của tiền nhân. Những vị anh hùng, hào kiệt của Đại Việt mang khí phách oai hùng kiêu hãnh tựa chàng Đăm Săn đi bắt Nữ thần Mặt Trời hay như các vị thần trong sử thi Iliat và Ôđixê.Và như thế, đi trên “cánh đồng Lịch sử” mà Nguyễn Ngọc Toàn đã hết lòng “canh tác” người ta cứ ngỡ bước vào không gian thần thoại Hy Lạp cổ xưa... Nhưng hơn hết, điều làm nên giá trị dân tộc của cuốn sách - đó là tấm lòng đỏ thắm của đứa con quê hương, tấm lòng được chắt chiu từ bao đời, từ thời vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, đến thời nhà Trần đuổi giặc Mông Nguyên... và dòng chảy yêu nước ấy vẫn chảy tới ngày nay, là động lựcđể nhà văn cầm bút chèo con thuyền đưa độc giả về với cội nguồn.
 
Đọc truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu -Trọng Thuỷ chúng ta không chỉ chứng kiến bi kịch thương vong của đất nước trước đây hàng ngàn năm khởi nguồn từ tham vọng xâm chiếm Âu Lạc của giặc phương Bắc, cầm đầu là Triệu Đà mà còn thấy được bài học đắt giá về tinh thần cảnh giác kẻ thù đối với mọi con dân đất Việt. Nhưng sự hoá thân của Mị Châu: Máu nàng chảy xuống biển, hoá thành ngọc trai như để nói rằng nỗi oan của nàng đã được hoá giải. Đó chính là tấm lòng nhân đạo và lập trường phân minh rõ ràng của nhân dân trong cách nhìn nhận, thấu hiểu trong mối quan hệ cộng đồng - cá nhân.
 
Bảy câu chuyện nối tiếp: Cái chết của Đại Hãn, Yết đảo, Hai vị tướng trẻ… tất cả đều thắm nồng tình yêu nước của dân ta - từ già đến trẻ, từ cụ Đặng “Người lính Tây Sơn quen sống trên lưng ngựa, lưng voi, quen với chiến thắng… nếu không tìm được Minh chủ để hưng binh khởi nghĩa thì sẽ trọn đời sống với rừng núi, không chịu đầu hàng quân địch” đến bé Phương từ nhỏ đã có lòng căm thù giặc. Lòng yêu nước ngập tràn khắp mọi miền như dòng chảy bất tận qua bao thế hệ, “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”- Hồ Chí Minh.  
 
Nhưng hơn cả lòng căm thù giặc là lòng nhân nghĩa cao đẹp mà đôi khi đó chính là sức mạnh lớn nhất của một quốc gia. Ô Mã Nhi, Tích Cơ Lệ bại trận bị quân ta bắt được, nghiêm khắc lên án tội ác của giặc nhưng vẫn đối xử hoà nhã. Thậm chí, những tên này còn được đưa về nước bằng thuyền lớn, được tặng bộ cẩm bào bằng lụa Cổ Đô, chồng bát đĩa men ngọc và cả hai ổ chó Yết mới biết ăn. Khi lên thuyền trở về, tên nào tên nấy chỉ biết xẩu hổ, day dứt lầm lì cúi mặt, không còn bộ mặt nhâng nháo khi vào Đại Việt ăn cướp. Sự hào hiệp, nhân nghĩa của dân tộc Đại Việt đã khiến kẻ độc ác Ô Mã Nhi lần đầu rơi những giọt nước mắt ăn năn mà có đôi khi vũ khí không làm được, khiến hắn phải khâm phục “Đại Việt cư xử theo cách của những bậc quân tử”. Điều đó đã làm bừng lên khát vọng hoàn lương trong con người suốt đời chỉ đi chinh chiến xâm lược, tội ác không kể xiết, nay sám hối “Tôi sẽ không bao giờ đi làm kẻ giết thuê nữa, mà về đại mạc chăn dê, cừu làm người dân lương thiện”.
 
Dường như tấm lòng của người Việt không chỉ cảm hoá kẻ thù tàn bạo mà còn lay thức, truyền sang cả những con vật. Chó Yết, voi Tây Nguyên… đều mang bản tính ân tình, ân nghĩa của Đại Việt: cùng dân xung phong trận mạc, rồi lại làm bạn khi ở nhà... Khi nhà vua Quang Trung băng hà, ông Ầm - chú voi ngài từng cưỡi “hình như nó biết cả”, nên tai chẳng buồn ve vẩy, chẳng chịu ăn. Rồi lúc người quản tượng gặp nguy khốn, chẳng màng đến tính mạng, ông Ầm quay đầu trở lại, tung vòi lia lịa không để một tên nào chạy thoát, chung một lòng căm thù giặc.
 
Chỉ với tám câu chuyện, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Nguyễn Ngọc Toàn ta như thấy được cả dặm dài dân tộc ngồn ngộn hiện lên trước mắt. Ở đâu ta cũng thấy “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”- ngưỡng mộ và tự hào biết bao! Gửi hoa huệ để diễn tả, ngợi ca vẻ đẹp của vị vua lẫm liệt Quang Trung hay chính tài năng, trí tuệ, phẩm chất hơn đời hơn người của Đức Ông đã làm đẹp cho “Loài hoa thơm nồng đượm khắp non sông. Màu trắng làm sạch bụi bặm cuộc đời”. Bởi lẽ đó mà để “nồng đượm cả non sông”, hay “làm sạch bụi bặm cuộc đời” thì chỉ có Nguyễn Huệ mà thôi. Mong rằng, sau này tôi, cũng như thế hệ trẻ sẽ góp phần kiến tạo, phát triển vẻ đẹp quê hương, những món quà quý giá mà ông cha ta đã mất bao mồ hôi, máu xương để gìn giữ, bảo vệ.
 
Vũ Đức
HS lớp 8A5, trường THCS Yên Hoà, Cầu Giấy, HN

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.